3 điểm/môn đỗ sư phạm: Kỷ niệm đột nhiên dốt Toán

Một giáo viên tiểu học sẽ dạy nhiều môn học. Nếu giáo viên đó có năng lực kém thì các cháu sẽ chịu thiệt thòi ở nhiều môn học cùng lúc.

Trong kỳ tuyển sinh năm nay, các trường sư phạm có điểm chuẩn thấp kỷ lục. Dù điểm đầu vào chỉ ở mức 12,5-15,5 điểm tuy nhiên nhiều trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở các trường top dưới mà nhiều trường sư phạm có tiếng cũng rơi vào cảnh lao đao.

Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch, Tổng giám đốc Smartcom, cựu du học sinh Việt Nam tại Trường ĐH Harvard đã có những chia sẻ thẳng thắn với Đất Việt xung quanh vấn đề này.

Tín hiệu buồn cho nền giáo dục

Thực trạng các trường sư phạm tuyển sinh khó khăn, và điểm đầu vào thấp đáng quan ngại như năm nay là một tín hiệu rất buồn cho nền giáo dục. Rõ ràng là chúng ta có chính sách hỗ trợ học phí và nhiều ưu đãi cho sinh viên theo học ngành giáo dục, nhưng có vẻ như những điều ấy chẳng có mấy tác dụng khi nhìn thấy hiện thực thiếu hụt sinh viên đầu vào này.

Theo tôi nguyên nhân của sự thiếu mặn mà này nằm ở mấy điểm như sau:

Thứ nhất là đầu ra của ngành sư phạm hiện nay xin việc vẫn khó, tình trạng thừa giáo viên rất nhiều, nên các thí sinh cảm thấy chưa thực sự an tâm cho tương lai công việc. Chính vì thế, họ không đủ dũng cảm để đăng ký theo học ngành sư phạm.

Thứ hai là lương giáo viên, nhất là ở các tỉnh và các vùng quê thực sự rất thấp. Nó lại càng tăng thêm lý do để người ta e ngại chọn ngành sư phạm. Vì mấy ai dám chắc mình sẽ xin được việc ở thành phố, trong những trường tốt, để có thu nhập cao.

Nhiều trường sư phạm lấy điểm chuẩn rất thấp. Ảnh: VNE

Thứ ba, tuy không phải là chính, nhưng thông tin bỏ công chức ngành sư phạm một thời gian rộ lên lại gần ngay kỳ chọn trường, chọn nghề này, dù là không phải bỏ thật, thì cũng ít nhiều làm cho các thí sinh hay lo xa cảm thấy quan ngại.

Các em nghĩ rằng biết đâu đấy, trong tương lai bỏ công chức đối với giáo viên thật thì họ sẽ đối mặt với thị trường lao động bấp bênh thì sẽ rất khổ. Vì rõ ràng một thầy giáo địa lý, nếu không đi dạy địa lý thì sẽ làm gì nghề gì khác để sinh sống đây.

3 điểm/môn đỗ sư phạm: Học lực trung bình dạy... tương lai

Học trò dễ trở thành nạn nhận

Lo ngại về chất lượng sinh viên đầu vào thấp khiến cho chất lượng giáo viên tương lai thấp là hoàn toàn logic. Tôi thực sự rất lo lắng khi nghĩ tới việc những giáo viên có đầu vào chỉ 9 điểm cả 3 môn, tức là trung bình chỉ 3 điểm, với một đề thi dễ như năm vừa rồi, thì làm sao có thể học tốt ở bậc cao đẳng được. Các bạn ấy còn không đạt nổi điểm trung bình của bậc phổ thông.

Thực tế, những giáo viên học hệ cao đẳng sẽ về dạy cấp tiểu học là chính. Đây là cấp học vô cùng quan trọng, khi nó định hình năng lực tư duy cho trẻ.

Mà đáng quan ngại nhất là một giáo viên tiểu học sẽ dạy nhiều môn cho các cháu, nếu không may giáo viên đó có năng lực kém thì các cháu sẽ chịu thiệt thòi ở nhiều môn học cùng lúc. Cái này thật sự đáng lo ngại.

Nói đến đây, tôi chợt nhớ chính tôi cũng từng là nạn nhân của thầy giáo kém, tuy nhiên chuyện đó không xảy ra ở bậc tiểu học, mà là cấp 2, năm tôi học lớp 7.

Câu chuyện cũng đã hơn 20 năm rồi, ngày đó tôi học ở trường làng rất nghèo, ngoại thành Hà Nội. Thầy giáo dạy toán mới được tuyển về trường và được xếp để dạy lớp tôi học, ngày đó là lớp chọn của trường. Thế hệ học sinh ngày đó ngây ngô lắm chứ không hiểu biết và sắc sảo như bây giờ, nên thầy giảng khiến cả lớp không hiểu bài nhưng chẳng ai dám phản ánh điều gì... mà cứ nghĩ rằng do mình học kém.

Sau một thời gian dài học không hiểu gì, tôi đã phải nhờ một cô giáo toán khác giảng lại, và tích cực tự đọc sách, và thế là tôi mới học môn toán tốt trở lại. Một nửa số bạn của lớp tôi bị chuyển xuống lớp thường vì “tự nhiên bị dốt toán”. Một lần tình cờ ghé qua phòng giáo viên, tôi thấy thầy giáo dạy toán của lớp tôi ngày đó đang hỏi giáo viên khác về cách giải một phương trình 2 ẩn, tôi bị choáng váng hoàn toàn. Lúc đó tôi mới hiểu ra nguyên nhân hầu hết các thành viên trong lớp tôi, gồm có cả tôi, bị đột nhiên dốt toán.

Việc lấy đầu vào chỉ 9, hay thậm chí là 15 điểm đi chăng nữa, là một điều cực kỳ đáng lo cho tương lai tri thức của cả một dân tộc. Tôi chỉ muốn nói ngắn gọn rằng: ngày từ bậc tiểu học, các con đã phải học với giáo viên kém, thì tình trạng ngồi nhầm lớp ở các lớp cao hơn là tất yếu.

Nước ngoài đề cao nghề giáo

Ở Phần Lan, nghề giáo được đề cao, với mức lương cao hơn trung bình xã hội nhiều, và sự đòi hỏi chất lượng con người, học vấn, kỹ năng cũng cao hơn rất nhiều. Chính vì thế ngày nay Phần Lan mới thuộc nhóm dẫn đầu thế giới về chất lượng hệ thống giáo dục.

Ở Mỹ, giáo viên ở bất cứ cấp học nào cũng phải được đào tạo nghề sư phạm với tối thiểu 4 năm học, thậm chí là 5 năm với một số ngành, chứ không có chương trình cao đẳng 3 năm để có thể ra làm giáo viên như ở ta.

Và những người có bằng đại học một chuyên ngành khác, muốn chuyển nghề làm giáo viên, thì người ấy phải có 2 năm kinh nghiệm làm đúng nghề đó, và phải học chuyển đổi sang nghề giáo viên trong 1 năm học với các tiêu chí khá khắt khe.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/3-diemmon-do-su-pham-ky-niem-dot-nhien-dot-toan-3340757/