15 năm mở rộng địa giới hành chính: Gìn giữ, phát huy và hội nhập văn hóa

Ngày 1/8/2023, đánh dấu tròn 15 năm kể từ ngày Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII. Từ thời điểm đó đến nay, Hà Nội đã phát huy tốt những nguồn lực mới về văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài, bền vững.

Nhìn lại 15 năm

15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII, 2 chiếc nôi văn hóa của đồng bằng Bắc bộ: Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến và Hà Tây (cũ) đã được mở rộng địa giới hành chính.

Màn trống hội tại lễ hội chùa Láng năm 2022. Ảnh: Minh An

Hà Tây (cũ) cũng giống như các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên thuộc vùng Thủ đô - là những địa phương tích lũy, tích tụ nhiều di sản, bản sắc văn hóa đặc sắc. Nói đến Hà Tây (cũ), không thể không nói đến những danh thắng như chùa Hương (Hoài Đức); chùa Tây Phương (Thạch Thất) – lưu giữ hệ thống 64 pho tượng Phật giáo, phản ánh đậm nét đời sống văn hóa Việt Nam; hang Cắc Cớ ở chùa Thầy (Quốc Oai)… rồi văn hóa xứ Đoài, sông Đà, núi Tản. Trong chiến tranh, chúng ta cũng thấy những địa danh như Tốt Động (Chương Mỹ), quê hương chiếc gậy Trường Sơn, (Ứng Hòa), những cô gái Suối Hai (Ba Vì), chàng trai Cầu Giẽ (Phú Xuyên)…

Với Thăng Long – Hà Nội không ai không biết đến di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long; Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Thăng Long tứ trấn… biết bao đặc sắc về văn hóa của đất nước hội tụ tại Hà Nội và Hà Tây (cũ).

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có đến gần 6.000 di tích được kiểm kê; trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, hơn 1.100 di tích quốc gia, hơn 1.450 di tích cấp TP. Như vậy đủ để chứng mình rằng, Hà Nội là một vùng văn hóa lớn.

Thông thường, khi có việc mở rộng địa giới hành chính, ở góc độ văn hóa, mọi người thường nói rằng sẽ có những cú sốc về văn hóa. Tôi xin nhấn mạnh rằng, tất cả những cuộc mở rộng địa giới hành chính địa phương dù ở cấp xã, huyện nếu có những cú sốc, mâu thuẫn về văn hóa thì mọi việc sẽ vô cùng khó khăn, kinh tế, trật tự, cuộc sống của người dân không thể bình thường được.

Nhưng tôi cho rằng, trong 15 năm qua, sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, không có cú sốc nào về văn hóa. Có thể ban đầu, người Hà Tây (cũ) có mặc cảm, khi nhiều người nói “Hà Nội 2”; về mặt tổ chức có xáo trộn… nhưng tôi thấy thời khắc ấy mờ đi rất nhanh.

Nguyên nhân là bởi, Hà Nội và Hà Tây (cũ) nằm trong cùng một vùng văn hóa ở đồng bằng sông Hồng, cùng chia sẻ một lịch sử tồn tại và phát triển. Trong lịch sử đó, Nhân dân ở hai vùng Thăng Long – Hà Nội và Hà Tây (cũ) gần như cùng gánh vác trách nhiệm trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Hai vùng luôn gắn bó với nhau từ nông nghiệp, nông thôn đến con người. Bên cạnh đó, việc Hà Nội mở rộng địa giới hành chính được Đảng bộ, lãnh đạo, cán bộ TP, Nhân dân đồng lòng, xây dựng cuộc sống từ kinh tế, văn hóa, xã hội, ANTT… hơn nữa đó là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.

Đơn cử, việc TP Hà Nội lập tức biên soạn bộ sách “Bách Khoa thư” với 14 tập, nội dung từ dư địa chí đến lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… trực tiếp do Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Lê Xuân Tùng (chủ nhiệm) và được Thành ủy Hà Nội ủng hộ, thu hút hàng trăm nhà khoa học của T.Ư, Hà Nội, Hà Tây (cũ) tham gia đã thể hiện tinh thần, đường lối, chỉ đạo đúng đắn khi hợp nhất; cho thấy sự trân trọng nôi văn hóa Hà Tây (cũ) như một bộ phận văn hóa của Thăng Long – Hà Nội. Điều này góp phần giúp nền văn hóa của hai vùng gắn kết ngày càng chặt chẽ hơn.

Kể lại để thấy, khi mở rộng địa giới hành chính hai tỉnh thành, lãnh đạo TP Hà Nội không chỉ quan tâm đến kinh tế mà còn có văn hóa để việc phát triển, gìn giữ được đồng bộ. Từ đó tạo ra tinh thần đoàn kết, nhất trí giữa 2 đơn vị hành chính trước đây, giữa tỉnh với Thủ đô.

Theo tôi, văn hóa các vùng miền đã giữ được bản sắc của mình, đồng thời hội nhập, phát triển trong mái nhà chung của Thủ đô sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính.

Tiên phong trong phát triển văn hóa

Sau khi có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về văn hóa và Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Hà Nội là địa phương đầu tiên đã ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa; được UNESCO công nhận là “Thành phố sáng tạo”, điều này cho thấy Hà Nội đã tiên phong, đi đầu trong phát triển văn hóa.

Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục nghiên cứu, trả lời câu hỏi sẽ tiếp tục tiên phong trong lĩnh vực gì về văn hóa. Để làm được điều đó, Hà Nội cần kiểm đếm hành trang của mình. Nhân dịp 15 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội cần kiểm đếm kho tàng văn hóa để phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Khi nói đến công nghiệp văn hóa, chúng ta phải nhìn nhận văn hóa có thể làm ra tiền. Ví dụ, như sự kiện nhóm nhạc BlackPink đến Việt Nam, họ bán vé xem từ 1-2 triệu đồng. Hay ở Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Từ Giám thu hàng chục tỷ đồng… Tôi muốn nhấn mạnh phải đổi mới, khi đã triển khai Nghị quyết về công nghiệp văn hóa thì phải coi văn hóa không chỉ là nơi tiêu tiền mà còn làm ra tiền.

Nhìn lại tổng thể chúng ta sẽ thấy, 15 năm qua điều lớn nhất thu được là tình đoàn kết giữa Hà Nội xưa và Hà Nội nay. Điều đó có thể thây thông qua việc chúng ta không còn thấy biên giới sau khi mở rộng địa giới hành chính; những mặt mạnh về văn hóa của từng địa phương đã và đang được phát huy tốt. Những chiến lược phát triển văn hóa được lãnh đạo TP quan tâm và triển khai kịp thời thông qua chủ trương, nghị quyết về công nghiệp văn hóa, tham gia mạng lưới “thành phố sáng tạo”…

Tôi kỳ vọng, tin tưởng rằng, văn hóa Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính sẽ tiếp tục Đảng bộ, Thành ủy, chính quyền, Nhân dân Thủ đô phát huy hơn nữa.

TS Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/15-nam-mo-rong-dia-gioi-hanh-chinhgin-giu-phat-huy-va-hoi-nhap-van-hoa.html