11 dấu hiệu F0 cần cấp cứu kịp thời theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế

(SGTT) – Bộ Y tế vừa ban hành “Hướng dẫn quản lý người mắc Covid-19 tại nhà”. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 31-1-2022 và thay thế Quyết định số 4038/QĐ-BYT ngày 21-8-2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời về quản lý người mắc Covid-19 tại nhà.

Theo hướng dẫn do Bộ Y tế vừa ban hành, có 11 dấu hiệu người bệnh cần được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời.

Khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây, người bệnh cần phải báo cáo ngay với cơ sở quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà; trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, Trung tâm vận chuyển cấp cứu… để được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời.

Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.
Nhịp thở:

– Người lớn: nhịp thở ≥ 20 lần/phút

– Trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi: Nhịp thở: ≥ 40 lần/phút,

– Trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi: nhịp thở: ≥ 30 lần/phút

Lưu ý ở trẻ em cần đếm đủ nhịp thở trong 1 phút khi trẻ nằm yên không khóc.

SpO2 ≤ 96% (trường hợp phát hiện chỉ số SpO2 bất thường cần đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo).
Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc < 50 nhịp/phút.
Huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo).
Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.
Thay đổi ý thức như lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.
Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
Không thể uống hoặc bú kém/giảm, ăn kém, nôn (ở trẻ em). Trẻ có biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống: sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, ngón tay chân sưng phù nổi hồng ban…
Mắc thêm bệnh cấp tính: sốt xuất huyết, tay chân miệng…
Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của người mắc Covid-19 mà thấy cần báo cơ sở y tế.

Bộ Y tế nêu rõ người mắc Covid-19 nên nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe); tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày; uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước; không bỏ bữa; tăng cường dinh dưỡng: ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả… và suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái.

Ngày mùng 1 Tết, cả nước ghi nhận 23 người thương vong do tai nạn giao thông

Trang Công an nhân dân đưa tin, ngày 1-2-2022 (nhằm mùng 1 Tết Nguyên Đán), Cục Cảnh sát Giao thông thông tin về tình hình giao thông cả nước trong ngày nghỉ thứ tư của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022.

Theo Cục Cảnh sát Giao thông, trên các tuyến đường bộ trong ngày hôm nay đã xảy ra 18 vụ tai nạn giao thông, làm chết 12 người, bị thương 11 người. Trong khi đó, đường thủy và đường sắt không ghi nhận bất cứ vụ tai nạn nào trong 4 ngày qua.

Cảnh sát giao thông điều tiết các phương tiện di chuyển an toàn. Ảnh: Cand.com

Lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương đã kiểm tra, phát hiện xử lý 1.308 trường hợp vi phạm; phạt tiền hơn 400 triệu đồng; tạm giữ 7 xe ô tô, 584 xe mô tô; tước 57 giấy phép lái xe các loại, trong đó vi phạm nồng độ cồn xử lý 205 trường hợp, số phương tiện vi phạm được phát hiện qua hệ thống camera giám sát 619 trường hợp.

Cũng theo Cục Cảnh sát Giao thông, các đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc trực thuộc trong những ngày nghỉ Tết vừa qua đã ứng trực 100% quân số làm nhiệm vụ; tình hình trật tự an toàn giao thông trên các tuyến được đảm bảo, mật độ phương tiện tham gia giao thông vắng, không xảy ra ùn tắc và tai nạn.

Minh Thảo tổng hợp

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/11-dau-hieu-f0-can-cap-cuu-kip-thoi-theo-huong-dan-moi-nhat-cua-bo-y-te/