104 năm bản tình ca bất hủ Dạ cổ hoài lang

Mặc dù bản tình ca bất hủ Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã ra đời cách đây 104 năm nhưng đến nay vẫn làm rung động hàng triệu con tim người Việt vì chứa đựng tình nghĩa phu thê sâu đậm.

Tối 25/9, Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu tổ chức chương tình nghệ thuật kỷ niệm 104 năm Ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang và kỷ niệm lần thứ 14 Ngày Sân khấu Việt Nam tại Nhà hát Cao Văn Lầu (phường 1, TP Bạc Liêu).

Một số tiết mục tại chương trình nghệ thuật.

Buổi lễ nhằm ghi nhận sự cống hiến của các nghệ nhân, nghệ sĩ, soạn giả đã có công phát triển bản Dạ cổ hoài lang và xây dựng phát triển nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam nói chung, sân khấu cải lương nói riêng. Với người nghệ sĩ, ngày giỗ tổ cổ nhạc luôn là một ngày đặc biệt quan trọng, hết sức thiêng liêng, đầy ý nghĩa. Về mặt tâm linh, mong tổ nghiệp phù hộ cho người nghệ sĩ luôn thành công trên con đường nghệ thuật, được khán giả yêu mến.

Cách đây 104 năm (1919) tại Làng Vĩnh Hương, tổng Thạnh Hòa, tỉnh Bạc Liêu (nay là phường 2, TP Bạc Liêu) vào đêm rằm tháng 8 đã xuất hiện một tác phẩm văn học nghệ thuật độc đáo, làm rung động lòng người đó là bản Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Trong suốt 104 năm qua bản Dạ cổ hoài lang đã dần lột xác từ nhịp đôi đến nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32, nhịp 64 và trở thành bài ca trụ cột trong loại hình nghệ thuật sân khấu Cải lương Nam bộ ngày nay.

104 năm qua tên tuổi của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và giá trị nghệ thuật của bản Dạ cổ hoài lang đã thật sự đi vào lòng người. Chính bản Dạ cổ hoài lang đã góp phần cho nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, danh ca, danh cầm, nhiều tác giả, soạn giả là người Bạc Liêu nổi danh trên sân khấu cải lương như: Sáu Lầu, Ba Chột, Hai Thơm, Bảy Cao, Năm Nghĩa, Cô Ba Vàm Lẽo, Bảo Quốc, Thanh Nguyệt, Ánh Hồng, Yên Lang, Trọng Nguyễn…

V.Đức - N.Khang

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/104-nam-ban-tinh-ca-bat-hu-da-co-hoai-lang-i708350/