10 xu hướng phát triển công nghệ quân sự của thế giới

Toàn cầu đang biến chuyển vô cùng lớn khi tận dụng trên diện rộng những xu hướng công nghệ để tăng cường năng lực của bộ máy quân sự. Chiến tranh ngày càng ứng dụng nhiều phương pháp tiếp cận kết hợp, tạo ra xu hướng công nghệ thay đổi chiến trường ở 4 khía cạnh chính, gồm: Kết nối, sát thương, tự chủ và bền vững. Dưới đây là 10 xu hướng công nghệ quân sự được dự báo có bước tiến lớn và được hé lộ nhiều hơn với công chúng.

Một trung tâm chỉ huy trong hệ thống IoMT quân sự. Ảnh: Northrop Grunman

Trí tuệ nhân tạo

Dễ thấy khi trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ nâng cao đáng kể khả năng tính toán, suy luận cho các nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát. Đồng thời, trở thành công cụ quản lý an toàn tài sản quân sự và trao quyền cho các hệ thống vũ khí tự động. Ứng dụng của AI được phát triển sớm nhất sẽ là các phần mềm nhận thức toàn diện về không gian chiến đấu, tạo nền tảng căn bản cho việc triển khai nhiệm vụ tự động; xây dựng kế hoạch tác chiến tổng thể; nhận thức tình huống và ra quyết định dựa trên AI theo thời gian thực.

Robot và hệ thống tự động (RAS)

RAS ngày càng quan trọng để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ với ít thương vong. Đồng thời, nâng tầm năng lực cơ động, bao gồm cả những địa hình nguy hiểm. RAS cho phép quân đội nâng cao nhận thức tình huống chiến trường; rà phá bom mìn, xử lý vật liệu nổ; hỗ trợ hậu cần; cứu hộ…Nổi bật như hệ thống phương tiện bay không người lái (UAS) sử dụng thuật toán AI cung cấp khả năng giám sát, tình báo theo thời gian thực, định hình tổng thể thực địa chiến trường giúp đưa ra các quyết định quân sự sáng suốt.

Một mẫu robot diễn tập cứu hộ chiến trường. Ảnh: USNews

Dữ liệu lớn và phân tích

Lợi thế chiến lược phụ thuộc nhiều vào thông tin và phân tích sâu sắc thông tin. Các công nghệ tính toán lượng tử sẽ phát triển, giúp ích cho phân tích mật mã và chạy mô phỏng để đưa ra quyết định sáng suốt, đồng thời phân tích hiệu quả dữ liệu được thu thập từ cơ sở hạ tầng IoMT. Từ đó, phân tích dự đoán ngăn chặn các mối đe dọa và cải thiện tính an toàn cũng như hiệu quả của các nhiệm vụ nguy hiểm.

Năng lượng

Đối với khí tài, việc thay đổi năng lượng là xu hướng tất yếu nhằm tạo ra sức mạnh vượt bậc. Điển hình như phát triển máy bay phản lực siêu thanh; vũ khí năng lượng định hướng; vũ khí sử dụng các nguyên lý vật lý mới…

Ngành công nghiệp quốc phòng toàn cầu được dự báo sẽ xuất hiện các cuộc đầu tư quy mô lớn về kỹ thuật điện khí hóa chiến trường, thông qua động cơ điện và nhiên liệu hydro. Cùng với đó là các công nghệ sinh học, công nghệ nano… cũng sẽ tạo ra sự cải tiến lớn đối với khí tài, trang thiết bị quân sự.

Kết nối 5G, sạc điện trong không khí

Với yêu cầu về lượng dữ liệu lớn và tính kịp thời, tất yếu phải có tốc độ truyền tải cao và an toàn. Những ưu việt của kết nối 5G chắc chắn sẽ kiến tạo nền tảng vô cùng quan trọng cho các quyết định quân sự theo thời gian thực. Đặc biệt, 5G cho phép kết nối siêu hội tụ; truyền lượng dữ liệu khổng lồ giữa các cảm biến và vũ khí ở xa trong mạng lưới chiến trường.

Để có được ưu thế này, cần sớm có phát triển đột phá về hạ tầng 5G riêng biệt và tính năng sạc điện không dây thông qua năng lượng mục tiêu trong không khí.

Internet vạn vật quân sự (IoMT)

Các ứng dụng của IoT(Internet of Things)tạo ra mạng lưới kết nối giữa căn cứ điều hành với tàu, máy bay, xe tăng, máy bay không người lái, các cảm biến và điện toán gắn trên người binh lính… Kết hợp với đó là điện toán ranh giới, AI và kết nối 5G giúp hỗ trợ luồng dữ liệu trôi chảy trên tất cả các nhánh của quân đội, từ đó củng cố cấu trúc chỉ huy và kiểm soát.

Hình minh họa về một tổ hợp máy bay không người lái chiến thuật. Ảnh: Getty

Chiến tranh mạng

Đi kèm với sự phát triển mạng lưới kết nối là chiến thuật chiến tranh mạng. Tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cuộc tấn công mạng đang gia tăng đều đặn và chắc chắn sẽ ngày càng được nâng tầm về quy mô và năng lực tinh vi. Tất yếu, công nghệ bảo mật trước chiến tranh mạng sẽ phát triển liên tục, bao gồm những đột phá từ AI mang tới. Nổi bật như các giải pháp: Phát hiện và phản hồi điểm cuối (EDR); an ninh mạng hợp nhất (UTM); từ chối dịch vụ phân tán (DDoS) dựa trên AI…

Blockchain (công nghệ chuỗi - khối)

Blockchain cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa trên hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp. Blockchain được thiết kế để chống lại việc gian lận, thay đổi của dữ liêụtrong khi chia sẻ dữ liệu với tất cả các bên liên quan. Đây cũng là ưu tiên quan trọng hàng đầu trong bối cảnh quân sự ngày càng phụ thuộc vào công nghệ dữ liệu. Bảo mật dữ liệu quốc phòng trong bộ lưu trữ chống giả mạo sẽ ngày càng được tăng cường với giải pháp chính là tạo thành nhiều lớp bảo vệ ở mọi cấp độ, bao gồm cả lớp bảo vệ cho lớp bảo vệ.

Công nghệ nhập vai

Để củng cố sự linh hoạt, công nghệ nhập vai tất yếu sẽ được nhân rộng để phục vụ huấn luyện, diễn tập nâng cao khả năng sẵn sàng, cũng như tối ưu hiệu quả tác chiến của binh lính và các đơn vị chiến đấu. Công nghệ đang được tối ưu hóa là thực tế ảo (VR) để xây dựng môi trường huấn luyện tổng hợp (STE)…

Công nghệ sản xuất bồi đắp

Công nghệ này cung cấp phương pháp chế tạo sản phẩm bằng cách đắp từng lớp vật liệu lên nhau. Các lớp vật liệu được thi công tự động theo các bản thiết kế được vẽ trên máy tính, sau đó ghép chồng lại. Điều này tạo sự khác biệt đáng kể vềtiết kiệm vật liệu; giảm trọng lượng; cải thiện hiệu suất, tốc độ, công suất, mức tiêu thụ nhiên liệu… Đặc biệt là đáp ứng yêu cầu kỹ thuật thiết kế, sản xuất tinh vi; tạo ra các tổ hợp vật liệu mới cho áo giáp, sưởi ấm, đạn dược…

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/10-xu-huong-phat-trien-cong-nghe-quan-su-cua-the-gioi-post472922.html