10 thảm họa khí hậu khủng khiếp do con người tạo ra

Từ một mùa hè nắng nóng khắc nghiệt và lũ lụt kỉ lục, đến những đợt băng giá kinh hoàng và những cuộc xâm lăng của châu chấu..., các chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu do con người gây ra đang tàn phá toàn thế giới.

Địa Trung Hải bốc cháy

Đợt nắng nóng tồi tệ nhất của Hy Lạp trong nhiều thập kỉ qua đã gây ra những vụ cháy rừng thảm khốc thiêu rụi gần 100.000 ha (tương đương 250.000 mẫu Anh) trong năm nay. Trận cháy rừng này được coi là "thảm họa sinh thái lớn nhất trong nhiều thập kỉ" của đất nước Hy Lạp.

Đợt nắng nóng tồi tệ nhất của Hy Lạp trong nhiều thập kỉ đã thiêu rụi gần 100.000 ha rừng.

Bên cạnh đó, các vụ cháy trong mùa hè đã khiến khoảng 80 người ở Algeria và Thổ Nhĩ Kỳ tử vong, cùng với Italia và Tây Ban Nha cũng bị tàn phá bởi hỏa hoạn không kiểm soát.

Theo nhận định của các nhà khoa học, vành đai Địa Trung Hải là một "điểm nóng" về biến đổi khí hậu với mức độ tồi tệ hơn sắp xảy ra trong thời gian tới.

Canada đối mặt với “vòm nhiệt”

Vào cuối tháng 6, hiện tượng "vòm nhiệt" đã gây ra nhiệt độ thiêu đốt, duy trì trên phần lớn miền Tây Canada và khu vực Tây Bắc Hoa Kỳ.

Tháng 6 vừa qua, miền Tây Canada đã đối mặt với “vòm nhiệt” - hiện tượng xuất hiện khi hơi ẩm kết hợp cùng nhiệt độ cao. Nước này đã ghi nhận những mức nhiệt cao nhất, lên tới 49,6 độ C ở làng Lytton hôm 30/6 vừa qua.

Cư dân ở thành phố Lytton của British Columbia đã ghi nhận mức nhiệt cao nhất, lên tới 49,6 độ C (121 độ F) vào ngày 30/6. Những ngày sau đó, thị trấn đã bị phá hủy phần lớn bởi một trận cháy rừng.

Tổ chức khoa học World Weather Attribution (WWA) cho biết, nhiệt độ khắc nghiệt gần như không thể xảy ra nếu không có biến đổi về khí hậu do con người gây ra.

Lũ lụt càn quét Tây Âu

Trận lũ lụt tồi tệ nhất trong lịch sử tại nước Đức đã làm 165 người tử vong vào tháng 7 sau khi lượng mưa lớn ập xuống đất nước này. Cùng với đó, Thụy Sĩ, Luxembourg, Hà Lan, Áo và Bỉ cũng chịu ảnh hưởng bởi trận lũ lụt kinh hoàng.

Trận lụt tồi tệ nhất trong lịch sử đã tấn công Đức vào tháng 7 khiến 165 người thiệt mạng.

WWA cho biết, khí hậu ấm lên làm tăng khả năng xảy ra các trận mưa lớn kéo sau lũ lên đến khoảng 20%. Theo các nhà khoa học, khi nhiệt độ Trái Đất ấm dần lên, bầu khí quyển có thể giữ độ ẩm cao hơn khoảng 7%.

Chết đuối trên tàu điện ngầm ở Trung Quốc

Trận lũ lụt hồi tháng 7 ở Trung Quốc đã làm hơn 300 người thiệt mạng khi thành phố Trịnh Châu bị chìm trong biển nước. Chỉ trong 3 ngày, trận mưa lũ kỉ lục lớn nhất trong năm khiến nhiều người dân mắc kẹt trong các hầm đường bộ và hệ thống tàu điện ngầm khi nước dâng cao. Nhiều người không kịp rời khỏi hầm đã chết đuối.

Chạy trốn lũ lụt ở Australia

Vào tháng 3/2021, ở phía Đông của Australia hàng nghìn người phải sơ tán khỏi vùng lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỉ, chỉ 1 năm sau khi khu vực này hứng chịu hạn hán và cháy rừng khắc nghiệt.

Những trận mưa kỉ lục đã khiến các lượng nước tại các con sông ở bang đông dân nhất Australia đạt mức cao nhất trong 3 thập kỉ.

Các nhà khoa học đã cảnh báo Australia có thể xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên hơn và khắc nghiệt hơn do hậu quả của biến đổi khí hậu.

Băng giá tàn phá ở Pháp

Mùa xuân năm nay chứng kiến đợt sương giá muộn tàn phá các vườn nho của Pháp. Theo đó, nhiệt độ giảm mạnh đã quét sạch gần 1/3 sản lượng nho của nước này, gây thiệt hại lên tới hai tỉ euro (2,3 tỉ USD).

Mùa xuân năm nay đã chứng kiến băng giá tàn phá các vườn nho và vườn cây ăn quả của Pháp.

Phân tích của WWA cho biết biến đổi khí hậu làm cho các đợt rét đậm lịch sử có khả năng xảy ra nhiều hơn khoảng 70%, đã tàn phá hầu hết các vùng sản xuất rượu của Pháp.

Con đường tàn phá của cơn bão Ida

Vào cuối tháng 8, cơn bão Ida đã càn quét từ Louisiana trên khắp vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, khiến hơn 100 người tử vong và gây thiệt hại khoảng 100 tỉ USD.

Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), 4 trong số 6 cơn bão lớn nhất đối với nước Mỹ, bao gồm cả Ida, đều xảy ra trong vòng 5 năm qua.

Cuộc “xâm lược” của châu chấu tại vùng Đông Phi...

Các chuyên gia cho rằng thời tiết khắc nghiệt cộng với khí hậu - bao gồm cả lượng mưa cực đoan - đã khiến hàng tỉ con châu chấu tràn vào Đông Phi vào tháng 1/2020, đe dọa khu vực này cùng với một cuộc khủng hoảng lương thực.

Hàng tỉ con châu chấu tràn ngập Đông Phi vào đầu năm 2020 đe dọa khu vực rộng lớn này với một cuộc khủng hoảng lương thực.

Từng là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi những đợt hạn hán và lũ lụt tồi tệ liên tiếp, những đám mây dày đặc của côn trùng đã lan từ Ethiopia và Somalia vào Kenya.

... Trước lũ lụt chết người

Những trận mưa dữ dội vào tháng 10/2019 đã khiến hàng chục nghìn người ở Somalia phải di dời, nhấn chìm toàn bộ các thị trấn ở Nam Sudan và hàng chục người thiệt mạng trong các trận lũ quét và lở đất ở Kenya, Ethiopia và Tanzania.

Bên cạnh đó, hiện tượng khí hậu cực đoan ở Ấn Độ Dương mạnh hơn bất kỳ hiện tượng nào xảy ra trong nhiều năm qua đã gây ra những trận mưa hủy diệt và lũ lụt khắp Đông Phi.

Hạn hán kỉ lục nhất trong 500 năm qua

Miền Tây nước Mỹ tiếp tục chìm sâu hơn vào "siêu hạn hán" nghiêm trọng nhất tấn công khu vực trong ít nhất 500 năm qua.

Theo nghiên cứu trên tạp chí Science, hạn hán khiến tình trạng ấm lên toàn cầu trở nên tồi tệ hơn, đợt khô hạn có thể tiếp diễn trong nhiều thập kỉ.

Lan Anh (Theo Phys.org)

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/10-tham-hoa-khi-hau-khung-khiep-do-con-nguoi-tao-ra-60011.html