10 câu chuyện thú vị về rồng

Trong 12 con giáp, con rồng là con giáp không có thật nhưng liên quan đến nhiều câu chuyện lưu truyền trong dân gian.

1. Theo huyền thoại con Rồng cháu Tiên, Lạc Long Quân thuộc dòng dõi Rồng lấy nàng Tiên Âu Cơ, sinh ra một bọc có trăm trứng nở ra trăm người con. Một hôm, Lạc Long Quân cảm thấy mình không thể sống mãi trên cạn được, đành từ biệt Âu Cơ và dẫn năm mươi con xuống biển, sau đó Âu Cơ đưa năm mươi con lên núi. Người con trưởng theo Âu Cơ được tôn làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang. Mười mấy đời truyền nối vua đều lấy hiệu là Hùng Vương. Bởi sự tích này mà người Việt Nam khi nhắc đến nguồn gốc của mình thường xưng là con Rồng cháu Tiên.

Hình tượng Long mã tại Tổ đình Từ Hiếu (TP Huế), mang trên lưng Luật Tạng.

2. Chuyện kể rằng, có một cửa biển Rồng, ở đó có Vũ Môn, bất kì chú cá chép nào vượt qua Vũ Môn đều có thể hóa thành rồng. Một số cá chép thử vài lần rồi bỏ cuộc. Nhưng, cũng có một số cá chép sau vài lần thất bại đã biết kiên trì luyện tập và biết tìm cách lợi dụng sức gió cùng những con sóng to vượt được Vũ Môn để hóa rồng. Do đó, tuy xuất thân từ cá chép nhưng rồng chắc chắn không còn là một chú cá chép tầm thường sống ở một góc sông nho nhỏ nữa.

3. Trong lịch sử cung hoàng đạo Trung Quốc được dân gian lưu truyền, Ngọc Hoàng mở hội thi vượt sông, hứa rằng con vật nào đến nơi trước sẽ được thưởng. Rồng dù có ưu thế bay lượn và đáng lẽ phải là con vật đến đầu tiên, tuy nhiên nó gặp một ngôi làng đang hứng chịu trận hỏa hoạn. Vì ra tay tương trợ, cứu người nên chỉ có thể đến thứ năm (sau chuột, trâu, hổ, thỏ và xếp trên rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó, lợn).

4. Theo câu chuyện dân gian lưu truyền ở Trung Quốc, rồng muốn làm vua các loài thú thay vị trí của hổ. Vì thế mà thế gian xảy ra trận chiến giữa rồng và hổ, được gọi là long tranh hổ đấu - trận chiến bất phân thắng bại. Cuối cùng, Ngọc Hoàng phải cho gọi hai loài lên trời để phân xử. Tại cung đình, Ngọc Hoàng thấy hai loài hổ và rồng đều rất uy phong, liền phong cho hổ làm vua thú ở trên đất liền, rồng làm vua thú ở dưới nước.

Hình tượng Long mã tại trường Quốc Học Huế, đây là nguyên mẫu của Long mã trên logo Festival Huế.

5. Rồng sinh được 9 người con là Bị Hí, Si Vẫn, Bồ Lao, Bệ Ngạn, Thao Thiết, Công Phúc, Nhai Xế, Toan Nghê, Tiêu Đồ.

Bị Hí là con trưởng của rồng - linh vật có hình dáng thân rùa, đầu rồng, có sức mạnh vượt bậc, chịu được trọng lượng lớn. Trong xây dựng, Bị Hí thường được chạm khắc trang trí làm bệ đỡ cho các bệ đá, cột đá, bia đá...

Si Vẫn là con thứ hai của rồng, là linh vật có đầu rồng, miệng rộng, thân ngắn, tương truyền thích ngắm cảnh và thường giúp dân diệt hỏa hoạn. Si Vẫn được chạm khắc làm vật trang trí trên nóc các cung điện cổ, chùa chiền, đền đài... ngụ ý cầu trấn hỏa, bảo vệ bình yên cho công trình.

Bồ Lao là con thứ ba của rồng, là linh vật thích âm thanh lớn. Trong đời sống thường được đúc trên quai chuông với mong muốn chiếc chuông được đúc có âm thanh như ý muốn.

Bệ Ngạn là con thứ tư của rồng, có hình dáng giống hổ, răng nanh dài và sắc, có sức thị uy lớn. Theo truyền thuyết, Bệ Ngạn rất thích lý lẽ và có tài cãi lý đòi sự công bằng khi có bất công. Do đó, Bệ Ngạn thường được đặt ở cửa nhà ngục hay pháp đường, ngụ ý răn đe người phạm tội và nhắc nhở mọi người nên sống lương thiện.

Thao Thiết là con thứ năm của rồng, là linh vật có đôi mắt to, miệng rộng, dáng vẻ kỳ lạ và tham ăn vô độ. Thao Thiết được đúc trên các đồ dùng trong ăn uống như ngụ ý nhắc nhở người ăn đừng háo ăn mà trở nên bất lịch sự.

Công Phúc là con thứ sáu của rồng, là linh vật thích nước. Trong đời sống, Công Phúc được khắc làm vật trang trí ở các công trình hay phương tiện giao thông đường thủy như cầu, rãnh dẫn nước, đập nước, bến tàu, thuyền bè... với mong muốn Công Phúc luôn tiếp xúc, cai quản, trông coi lượng nước phục vụ muôn dân.

Nhai Xế là con thứ bảy của rồng - là linh vật có tính khí hung hăng, thường nổi cơn thịnh nộ và ham sát sinh. Nhai Xế thường được chạm khắc trên các vũ khí như đao, búa, kiếm, xà... ngụ ý thị uy, làm tăng thêm sức mạnh và lòng can đảm của các chiến binh nơi trận mạc.

Toan Nghê là con thứ tám của rồng - linh vật có mình sư tử, đầu rồng, thích sự tĩnh lặng và thường ngồi yên ngắm cảnh khói hương tỏa lên nghi ngút. Toan Nghê được đúc làm vật trang trí trên các lò đốt trầm hương, ngụ ý mong muốn hương thơm của trầm luôn tỏa ngát.

Tiêu Đồ là con thứ chín của rồng - là linh vật có tính khí lười biếng, thường cuộn tròn nằm ngủ, không thích có kẻ lạ xâm nhập lãnh địa của mình. Tiêu Đồ được khắc trên cánh cửa ra vào, đúng vào vị trí tay cầm khi mở, ngụ ý răn đe kẻ lạ muốn xâm nhập nhằm bảo vệ sự an toàn cho chủ nhà.

Hình tượng Long mã trước nhà thờ dòng họ Nguyễn Tư, đường Chi Lăng (TP Huế).

6. Các vị hoàng đế Trung Quốc xưa thì cho mình là những con rồng do Ngọc Hoàng Thượng đế sinh ra. Chiếc giường mà vua ngủ, vì vậy, được gọi là “long sàng”, ngai vàng được gọi là “ngai rồng”, những bộ trang phục thiết triều được gọi là “long bào”, xe mà vua đi thì được gọi là “long xa”; thậm chí, hoàng hậu có thai thì cái thai ấy được cung kính gọi là “long thai - thai rồng”...

7. Long Câu là để chỉ con ngựa mạnh khỏe như rồng, có sức chạy xa muôn dặm. Tương truyền, trong một ngọn núi có một vực thẳm là nơi ẩn trú của loài Giao Long. Đến mùa xuân, dân chúng bắt một con ngựa cái còn trinh, cột tại đó. Một lúc sau trời bỗng nổi cơn gió mưa mù mịt, Giao Long từ dưới vực bay lên phủ lên con ngựa cái. Ngựa mang thai và đẻ ra Long Câu.

8. Rồng Komodo được tìm thấy ở đảo Komodo, đảo Rinca, đảo Flores và đảo Motang ở miền Đông Indonesia. Người châu Âu không phát hiện ra sự tồn tại của rồng Komodo cho đến năm 1910. Lúc đầu, người ta nghĩ nó là “cá sấu cạn”, có người còn tưởng nó là khủng long sống nên mới đặt tên là rồng Komodo.

Ngai rồng của nhà Nguyễn

9. Về việc đặt tên thành Đại La thành thành Thăng Long của Vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn), “Đại Việt sử ký toàn thư” có chép: “Vua từ thành Hoa Lư dời đô ra kinh phủ ở thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên nơi thuyền ngự. Nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long”. Việc định đô ở Thăng Long (vùng đất rồng bay lên) vào năm 1010 của Vua Lý Thái Tổ là cột mốc lớn mở đầu lịch sử Thăng Long - Hà Nội, đánh dấu bước ngoặt của lịch sử đất nước Việt Nam.

10. Long Mã (ngựa hóa rồng) là con vật mình ngựa có vảy rồng, đầu rồng, lưng mang bảng Bát quái Tiên thiên. Ngoài ra, Long Mã còn là linh vật của Phật giáo, bởi nó cũng thường cõng trên lưng Luật Tạng, một trong 3 bộ phận của Tam Tạng Kinh.

Trong nhận thức của mình, người kinh đô Huế xưa thường hiểu rằng: Rồng thường ở trên cao, khi ẩn khi hiện trong mây, vùng vẫy khắp không gian, biểu trưng cho những gì có tính chất cao thượng, mạnh mẽ, linh hoạt, thuộc Dương và thuộc Tiên thiên, nghĩa là tung, tượng trưng cho kinh tuyến, thời gian. Mã là ngựa, tuy không thuộc linh vật, nhưng là vật rất hữu dụng trong nhân gian, di chuyển nhanh trên mặt đất theo đường thẳng ngang, chở nặng, có sức bền bỉ, có nghĩa khí, thuộc Hậu thiên, là hoành, tượng trưng cho vĩ tuyến, không gian. Như vậy, Long Mã tượng trưng cho sự tung hoành của nam nhi, cho thời gian và không gian, Long Mã chạy là biểu hiện cho vũ trụ vận động, đồng thời tượng trưng cho thánh nhân.

Chính vì vậy, tại các đình chùa, điện thờ, miếu mạo ở Huế, Long Mã thường được khắc họa hay đúc tượng trên các vật thể như bình phong, hoành phi để vừa trang trí chốn tôn nghiêm, vừa có công dụng phong thủy trừ tà, khử trược. Long Mã cũng xuất hiện trong các cung môn, miếu môn trong cung và lăng tẩm các vua triều Nguyễn và thường đi kèm với các linh vật khác như: Quy (ở Trường An Môn của Trường Sanh cung), Quy và Phụng (ở Dục Khánh Môn và Hưng Khánh Môn của Hưng Miếu)...

Nhưng, có thể nói, hình tượng Long Mã xuất hiện nhiều nhất ở Huế vẫn là trên các bức bình phong. Bình phong là một sản phẩm đặc trưng của xứ Huế. Bình phong Long Mã nổi tiếng nhất là bức được làm vào thời Thành Thái thứ tám (1898) tại Trường Quốc học Huế hiện nay. Long Mã trên bức bình phong này cũng là nguyên bản của Long Mã trên logo Festival Huế.

Toàn Nguyễn

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/do-day/10-cau-chuyen-thu-vi-ve-rong-i720296/