1,05 tỷ tấn thực phẩm toàn cầu bị lãng phí trong khi hàng trăm triệu người bị đói

Theo một báo cáo mới của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) vừa công bố ngày 27/3, trong khi 2,4 tỷ người trên thế giới (tương đương 1/3 nhân loại) phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng hoặc vừa phải và 783 triệu người bị ảnh hưởng bởi nạn đói, thì hơn 1 tỷ bữa ăn đang bị lãng phí mỗi ngày.

Một lượng lớn thực phẩm hỏng hoặc hết hạn bị bỏ đi tại một siêu thị ở Anh. Ảnh: Reuters/NLD

Báo cáo Chỉ số Rác thải thực phẩm năm 2024 của UNEP cho thấy 1,05 tỷ tấn thực phẩm đã bị lãng phí trong năm 2022. Điều này có nghĩa là khoảng 19% tổng lượng thực phẩm sẵn có cho người tiêu dùng trên toàn thế giới đã bị các hộ gia đình, nhà hàng và các bộ phận khác của ngành dịch vụ ăn uống và bán lẻ bỏ phí.

Theo ước tính của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), khoảng 13% lương thực bị thất thoát trong chuỗi cung ứng, từ sau khi thu hoạch cho đến điểm bán hàng.

“Thảm kịch toàn cầu”

“Lãng phí thực phẩm là thảm kịch toàn cầu. Hàng triệu người hôm nay đang bị đói vì thực phẩm bị lãng phí trên khắp thế giới”, Giám đốc điều hành của UNEP Inger Andersen nhấn mạnh. Đáng lưu ý, vấn đề đang diễn ra này không chỉ tác động đến nền kinh tế toàn cầu mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm, ông Andersen cho biết thêm.

Hầu hết rác thải thực phẩm trên thế giới đều đến từ các hộ gia đình, tổng cộng 631 triệu tấn - tức khoảng 60% tổng lượng thực phẩm bị lãng phí, trong khi các lĩnh vực dịch vụ thực phẩm và bán lẻ lần lượt chịu trách nhiệm cho 290 và 131 triệu tấn.

Trung bình mỗi người lãng phí 79 kg thực phẩm mỗi năm. Con số này tương đương với 1,3 bữa ăn mỗi ngày cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi nạn đói trên toàn thế giới.

Theo UNEP, vấn đề này không chỉ giới hạn ở các quốc gia giàu có. Lượng thực phẩm bị lãng phí ở các nước có thu nhập cao và trung bình cao chỉ chênh lệch 7 kg mỗi người mỗi năm so với những nước thu nhập thấp và trung bình thấp.

Trong khi đó, sự chênh lệch lớn hơn đến từ sự khác biệt giữa dân số thành thị và nông thôn.

Ví dụ, ở các nước có thu nhập trung bình, khu vực nông thôn thường ít lãng phí thực phẩm hơn, có thể là do việc tái chế thức ăn thừa cho vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và làm phân bón tại nhà ở nông thôn. Từ đó, báo cáo khuyến nghị cần tập trung nỗ lực vào việc giảm thiểu rác thải thực phẩm và tăng cường ủ phân ở các thành phố.

Rác thải và biến đổi khí hậu

Báo cáo cũng cho thấy có mối tương quan trực tiếp giữa nhiệt độ trung bình và mức độ lãng phí thực phẩm.

Được biết, hiện chỉ có 21 quốc gia đưa tình trạng thất thoát và lãng phí thực phẩm vào kế hoạch khí hậu quốc gia, mặc dù thực tế tình trạng này tạo ra 8% -10% lượng khí thải nhà kính toàn cầu - cao hơn gần gấp 5 lần so với lượng khí thải từ ngành hàng không.

Trong khi tác động đến khí hậu của các chuyến bay tiêu tốn nhiều nhiên liệu đã được đề cập rõ ràng, báo cáo cho thấy tác động của vấn đề lãng phí thực phẩm đã bị bỏ qua.

Thực phẩm cần nhiều tài nguyên để sản xuất, đòi hỏi lượng đất và nước khổng lồ, đồng thời hệ thống thực phẩm chịu trách nhiệm cho khoảng 1/3 tổng lượng khí thải làm nóng hành tinh trên toàn cầu.

Phần lớn rác thải thực phẩm được đưa đến các bãi rác, tạo ra khí metan khi phân hủy. Là một loại khí nhà kính mạnh, khí metan có khả năng làm nóng hành tinh cao hơn khoảng 80 lần so với CO2 trong 20 năm đầu tiên.

60% tổng lượng thực phẩm bị lãng phí đến từ các hộ gia đình. Ảnh: Nhandan

Theo báo cáo, các quốc gia nóng hơn dường như có nhiều rác thải thực phẩm bình quân đầu người trong các hộ gia đình hơn, có thể là do tăng tiêu thụ thực phẩm tươi chứa ít bộ phận ăn được hơn và thiếu các giải pháp bảo quản và làm lạnh hiệu quả.

Nhiệt độ theo mùa cao hơn, các đợt nắng nóng cực độ và hạn hán khiến việc lưu trữ, chế biến, vận chuyển và bán thực phẩm một cách an toàn trở nên khó khăn hơn, thường dẫn đến một lượng lớn thực phẩm bị lãng phí hoặc thất thoát.

Theo định nghĩa của UNEP, “thất thoát thực phẩm” là thực phẩm bị loại bỏ sớm trong chuỗi cung ứng, chẳng hạn như rau thối trên đồng ruộng, hay thịt bị hư hỏng khi không để trong tủ lạnh, khác với “lãng phí thực phẩm” - là những thực phẩm bị các hộ gia đình, nhà hàng và cửa hàng vứt bỏ.

Hy vọng

Báo cáo cho thấy vẫn có những tín hiệu để có thể lạc quan khi quan hệ đối tác công-tư nhằm giảm lãng phí thực phẩm và tác động đến khí hậu – nguồn nước đang được ngày càng nhiều chính quyền các cấp quan tâm và chấp nhận.

Ví dụ: Nhật Bản và Vương quốc Anh đang ghi nhận mức giảm lãng phí thực phẩm lần lượt là 18% và 31%, cho thấy sự thay đổi trên quy mô lớn là có thể xảy ra nếu thực phẩm được phân chia hợp lý.

Được xuất bản trước Ngày quốc tế Không rác thải (30/3), báo cáo Chỉ số Rác thải thực phẩm của UNEP phối hợp với WRAP (một tổ chức phi chính phủ về hành động vì khí hậu của Anh) cung cấp ước tính toàn cầu chính xác nhất về lãng phí thực phẩm ở cấp độ bán lẻ và người tiêu dùng, đồng thời đưa ra hướng dẫn cho các quốc gia về cải thiện việc thu thập dữ liệu và các phương pháp hay nhất, phù hợp với Mục tiêu Phát triển Bền vững 12.3 về giảm 50% rác thải thực phẩm vào năm 2030.

BẢO NGHI (Lược dịch từ UN & CNN)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/1-05-ty-tan-thuc-pham-toan-cau-bi-lang-phi-trong-khi-hang-tram-trieu-nguoi-bi-doi-139306.html