Yên Bái tăng tốc thực hiện Đề án 06

Yên Bái là một trong ba tỉnh đầu tiên hoàn thành kết nối Cổng dịch vụ công của tỉnh với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; là một trong những tỉnh đầu tiên tích hợp hệ thống định danh và xác thực điện tử trên hệ thống Cổng dịch vụ công của tỉnh.

Bộ phận một cửa Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Sau hai năm triển khai Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử để hỗ trợ chuyển đổi số quốc gia trong giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06), tỉnh Yên Bái đang từng bước xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và công dân số. Điều này đồng nghĩa với việc cải thiện và đơn giản hóa mọi thủ tục hành chính, giao dịch tài chính, thúc đẩy mạnh mẽ việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phục vụ nhân dân.

Để Đề án 06 thực sự đi vào cuộc sống, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về Đề án 06 đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn thông qua nhiều kênh tuyên truyền phong phú, đa dạng, dễ tiếp thu. Đặc biệt, tỉnh đã ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch cao điểm tổ chức tuyên truyền về các nội dung của Đề án.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, ủng hộ của người dân, qua hai năm triển khai, Yên Bái là một trong ba tỉnh đầu tiên hoàn thành kết nối Cổng dịch vụ công của tỉnh với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; là một trong những tỉnh đầu tiên tích hợp hệ thống định danh và xác thực điện tử trên hệ thống Cổng dịch vụ công của tỉnh, đạt 77,6 điểm, đứng thứ 12/63 tỉnh về bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp; hoàn thành trước thời hạn công tác cấp căn cước công dân, hoàn thành nhập dữ liệu hộ tịch trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước thời hạn 14 tháng, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng chi phí cho ngân sách Nhà nước.

>> Văn Yên - địa phương duy nhất của tỉnh Yên Bái được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thực hiện Đề án 06

Mặc dù là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, song Yên Bái đã quyết liệt triển khai đầy đủ 25/25 dịch vụ công thiết yếu trên Cổng dịch vụ công của tỉnh để người dân tra cứu, nộp hồ sơ trực tuyến. Tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến trong 2 năm đạt 71,43%, trong đó một số thủ tục đạt tỷ lệ 100%. Hiện nay, tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động của 179 mô hình điểm hướng dẫn dịch vụ công để hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) thông qua môi trường số; triển khai thực hiện 16/21 mô hình Đề án 06 theo Kế hoạch của UBND tỉnh.

Đến ngày 14/6/2023, Công an tỉnh đã hoàn thành công tác cấp căn cước công dân cho công dân đủ điều kiện; đến ngày 14/12/2023, Công an tỉnh đã thu nhận, cấp mới trên 90% căn cước công dân cho công dân đủ 14 tuổi trở lên, thu nhận trên 550.000 tài khoản định danh điện tử, đạt tỷ lệ 140%; kích hoạt trên 400.000 tài khoản, đạt tỷ lệ 103,1%. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã thực hiện chia sẻ, kết nối 24 hệ thống cơ sở dữ liệu.

Ngoài ra, Trung tâm Hành chính công tỉnh đã phối hợp với Viettel và VNPT Yên Bái thực hiện kết nối Cổng dịch vụ công của tỉnh với hệ thống phần mềm Quản lý văn bản (Voffice) của tỉnh; 100% thủ tục hành chính có thực hiện nghĩa vụ tài chính đều sử dụng biên lai điện tử trong thu phí, lệ phí.

Trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án 06, bên cạnh những thuận lợi, tỉnh cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như: chưa xây dựng xong Kho lưu trữ dữ liệu điện tử cho tổ chức, cá nhân nên việc số hóa và lưu trữ hồ sơ số hóa còn gặp khó khăn. Người dân sử dụng thiết bị thông minh và tiếp cận công nghệ thông tin chưa cao, nhu cầu sử dụng các dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế, trình độ người dân chưa đồng đều, nhất là ở địa bàn vùng cao, vùng sâu; một số tài khoản công dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia liên kết sang Cổng dịch vụ công của tỉnh báo lỗi không nộp được hồ sơ trực tuyến...

Hiện nay, toàn tỉnh còn 27 thôn, bản, tổ dân phố chưa phủ sóng 4G nên khó khăn trong truy cập và kết nối các ứng dụng trực tuyến; việc mở tài khoản tại các ngân hàng còn khó khăn đối với người dân ở vùng cao, vùng xa. Để khắc phục những khó khăn trên, thời gian tới UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã tiếp tục rà soát các nhiệm vụ được giao; trong đó tập trung ưu tiên nguồn lực triển khai thực hiện đối với 25 dịch vụ công thiết yếu và các dịch vụ theo Quyết định số 422 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo lộ trình thực hiện và theo hướng dẫn của bộ, ngành trung ương.

Tiếp tục chủ động, tích cực triển khai hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06, chỉ đạo lực lượng công an các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tiến hành làm sạch dữ liệu của các ngành, các cấp, phục vụ hiệu quả công tác đồng bộ và kết nối chia sẻ dữ liệu; kịp thời tổng hợp, đề xuất tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Đề án.

Tập trung, đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính; huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phổ biến, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tuyên truyền, triển khai ứng dụng các tính năng của chip điện tử gắn trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNeID trong các lĩnh vực của đời sống, xã hội. Chủ động trong tổ chức triển khai thực hiện, không trông chờ, ỷ lại vào trung ương; đưa kết quả triển khai thực hiện Đề án 06 vào tiêu chí đánh giá bình xét thi đua khen thưởng hàng năm.

Anh Dũng

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/266/306491/yen-bai-tang-toc-thuc-hien-de-an-06.aspx