Yên Bái, điểm đến hấp dẫn và thân thiện

Đến Yên Bái những ngày tháng 9, đi đâu cũng bắt gặp hình ảnh du khách tấp lập vui chơi lễ hội từ thành phố đến các huyện, thị xã. Đây là chuỗi sự kiện nhằm giới thiệu nét văn hóa đặc sắc, quảng bá tiềm năng du lịch, thu hút đầu tư, kích cầu du lịch với mong muốn trở thành 'điểm đến hấp dẫn và thân thiện'.

Để di sản không im lặng

Có thể thấy, vài năm trở lại đây, để khai thác lợi thế và tiềm năng to lớn từ “mỏ vàng” di sản, danh thắng như: Nghệ thuật Xòe Thái; ruộng bậc thang Mù Cang Chải; đảo ngọc hồ Thác Bà; đỉnh Tà Xùa, Khau Phạ, Hồ Thác Bà…, Yên Bái đã có những bước chuyển đổi mạnh mẽ, định hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn các di sản. Từ đó, phát huy được thế mạnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.

"Nghệ thuật Xòe Thái" Yên Bái được UNESCO vinh danh Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Nắm rõ lợi thế này, Yên Bái đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khơi thông tiềm năng. Trong đó, có Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cùng nhiều chương trình, kế hoạch khác là đòn bẩy, tạo nguồn lực, điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp, địa phương cùng chung tay phát triển du lịch. Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Thị Thanh Bình, thực hiện kế hoạch, từ đầu năm đến nay, Yên Bái đã tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội để kích cầu du lịch. Mới đây nhất là tham dự Hội nghị xúc tiến du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng tại TP. Hồ Chí Minh; tổ chức quảng bá những sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh tại Cần Thơ. Qua đây, du khách có dịp được trải nghiệm những sản phẩm du lịch độc đáo của Tây Bắc ngay tại phương Nam. Đặc biệt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lich liên tục tổ chức các đoàn công tác khảo sát, đánh giá tiềm năng và định hướng cho các địa phương phát triển du lịch… Nhờ đó, nhiều huyện, xã đã nỗ lực làm mới các sản phẩm du lịch bằng cách chú trọng khai thác yếu tố bản sắc vùng miền.

Điều này thể hiện rõ thông qua các hoạt động, sự kiện dịp nghỉ lễ 30.4 -1.5 vừa qua. Ngoài các sự kiện du lịch truyền thống đã thành thương hiệu như: Lễ hội Văn hóa và Du lịch Mường Lò và khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn… thì lần đầu tiên, vào một dịp nghỉ lễ, 9 huyện, thị, thành phố đồng loạt tổ chức nhiều hoạt động, đưa ra những sản phẩm du lịch mới hấp dẫn như: Chương trình “Sắc màu các dân tộc Yên Bái” tại thành phố Yên Bái; Hội thi “Lung linh vòng xòe” tại thị xã Nghĩa Lộ; Chương trình cắm trại, ẩm thực, trình diễn khèn Mông tại huyện Trạm Tấu; “Thác Minh Khai - Chào hè 2023” của huyện Văn Yên…

“Đặc biệt, ngay trong tháng 9, Yên Bái tổ chức 3 lễ hội văn hóa, du lịch lớn là: Lễ hội Văn hóa, du lịch Mường Lò và Ngày hội văn hóa các dân tộc Yên Bái năm 2023; Lễ hội Trà Shan tuyết; Festival trình diễn khèn Mông và công bố Quyết định đưa Nghệ thuật khèn của người Mông ba huyện phía Tây vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc tổ chức các lễ hội, hoạt động du lịch đặc sắc nhằm đưa Yên Bái trở thành điểm đến yêu thích trên hành trình khám phá Tây Bắc, góp phần hoàn thành kế hoạch đón 1,5 triệu lượt khách du lịch trong năm 2023”, bà Bình nói.

Xây dựng sản phẩm đặc thù địa phương thu hút du khách

Năm 2023, Yên Bái xác định chủ đề phát triển du lịch là “Yên Bái - Điểm đến di sản thiên nhiên và văn hóa”, với phương châm hành động “Chuyển tài nguyên con người và tài nguyên văn hóa thành tài nguyên du lịch”. Mỗi tuần một sự kiện, mỗi huyện phấn đấu xây dựng và duy trì một sản phẩm văn hóa - du lịch chủ đạo nhằm xây dựng thương hiệu, định vị và nhận diện sản phẩm du lịch của mỗi địa phương cũng như của tỉnh Yên Bái; phấn đấu năm 2023 thu hút khoảng 1,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 10% khách quốc tế, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 1.350 tỷ đồng.

Để thực hiện mục tiêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh cho biết: Yên Bái luôn xác định “biến di sản thành tài sản” phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, từng bước xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch khác biệt nhằm tạo sức hút, nhất là đối với sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm. Công tác xúc tiến, quảng bá giới thiệu thế mạnh, tiềm năng, thu hút đầu tư phát triển du lịch địa phương cũng được đẩy mạnh.

Đặc biệt, Yên Bái luôn tạo môi trường thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng để thu hút nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án có quy mô lớn, mang tính đột phá để phát triển 4 vùng du lịch của tỉnh; chú trọng xây dựng văn hóa, văn minh du lịch, khuyến khích mỗi người dân có trách nhiệm cùng chung tay xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và bền vững.

“Yên Bái hiện đang ưu tiên dành các nguồn lực để phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ. Trong đó, sẽ triển khai nhiệm vụ trọng tâm phát triển du lịch gắn với chuyển đổi số, tạo lập cơ sở dữ liệu chung với toàn ngành. Việc thúc đẩy chuyển đổi số sẽ góp phần quảng bá mạnh mẽ về du lịch Yên Bái, thay đổi nhận thức, tư duy của người dân để thấy được giá trị của du lịch, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước và kinh doanh du lịch, khẳng định thương hiệu Yên Bái - Điểm đến hấp dẫn và thân thiện” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hiền Hạnh nhấn mạnh.

TRỌNG HIẾU

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/yen-bai-diem-den-hap-dan-va-than-thien-i344071/