Ý nghĩa của mâm cỗ tất niên truyền thống

Việc chuẩn bị mâm cỗ cúng tất niên sao cho thật chỉnh chu chính là cách để con cháu bày tỏ lòng hiếu kính của mình đối với ông bà, tổ tiên và thần linh.

Năm nào cũng vậy, cứ vào chiều 30 Tết, con cháu gia đình lại tất bật chuẩn bị mâm cỗ đầy, trước để kính mời ông bà, tổ tiên về thăm con cháu, sau là để đoàn tụ cả gia đình quây quần bên mâm cơm cuối năm.

Trên bàn thờ tổ tiên không thể thiếu mâm ngũ quả, các đồ lễ. Tùy vào từng gia đình mà có thêm câu đối đỏ hay đôi mía còn đủ ngọn, tươi tốt, buộc khum vào nhau ở bên bàn thờ gọi là “gậy ông vải”.

Việc chuẩn bị mâm cơm cúng tất niên sao cho thật chỉnh chu chính là cách để con cháu bày tỏ lòng hiếu kính của mình đối với ông bà, tổ tiên và thần linh.

Mâm cơm cúng tất niên là một trong những phong tục không thể thiếu của mỗi gia đình Việt trước thời khắc đón chào năm mới. Tùy vào phong tục mỗi vùng miền, các món ăn trong mâm cúng tất niên sẽ được thay đổi sao cho phù hợp với truyền thống của từng nơi. Trong đó, mâm cơm cúng tất niên miền Bắc được xem là phiên bản nguyên vẹn nhất theo tập tục cũ, với những món ăn truyền thống mang đậm vị xưa của người Á Đông.

Trong ngày cuối cùng của năm cũ, người miền Bắc thường chuẩn bị những món ăn mặn như:

- Bánh chưng: Nhắc đến Tết là nhắc đến bánh chưng, một loại bánh có lịch sử lâu đời trong nền văn hóa ẩm thực của người Việt Nam. Bánh chưng mặn vuông vức, có độ dẻo của nếp, kết hợp với nhân thịt heo bùi béo và đậu xanh ngậy vị bên trong, mang lại một hương vị rất Tết cho cả gia đình.

- Giò các loại (giò lụa, giò xào, giò bò): Khi chuẩn bị mâm cỗ cổ truyền của người miền bắc thì chắc chắn các bạn không thể quên món giò. Những khoanh giò trắng mịn là món dễ ăn và tiện lợi.

- Gà luộc: Một món ăn ngon ngày tết tuy đơn giản nhưng không thể thiếu là thịt gà luộc. Những miếng thịt gà có màu vàng tươi, được rắc thêm những sợi lá chanh thái nhỏ chấm với gia vị chanh ớt tạo nên một hương vị khó quên.

- Thịt đông: Một món ăn ngon đặc trưng của mùa đông ở miền Bắc đó là thịt đông. Tiết trời se lạnh mà thưởng thức món thịt đông sẽ mang lại cảm giác rất lạ nhưng lại hấp dẫn người ăn.

- Nem rán: Nem rán một món ăn độc đáo không chỉ quen thuộc ở bữa cơm gia đình hàng ngày mà còn là món không thể thiếu trong mâm cỗ tết miền Bắc. Những miếng nem được rán vàng với lớp vỏ giòn rụm, nhân bên trong có thịt, trứng, mộc nhĩ, giá thơm mềm. Món ăn này được rất nhiều người ưa thích còn được coi là "quốc hồn quốc túy” của người Việt.

- Canh măng: Một bát canh măng thơm lừng và béo ngậy cũng là một món ăn cũng không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết miền Bắc. Canh măng được nấu từ măng khô nấu với xương sườn hoặc móng giò.

- Chè kho: Một món ăn được dùng để đãi khách trong ngày Tết nữa đó chính là chè kho. Chè có một hương vị đặc biệt thơm thơm mùi của đỗ xanh, chút thoang thoảng của nước hoa bưởi ăn vừa mát vừa mềm mịn.

Ngoài những món ăn quen thuộc ở trên, các gia đình miền Bắc còn có thể chuẩn bị thêm các món ăn như dưa hành muối, nộm đu đủ thịt bò khô hoặc nộm su hào, các món xào thập cẩm (su hào, mộc nhĩ, miến, lòng gà) và canh miến để bữa cơm đỡ ngán và tròn vị Tết hơn.

Cũng tùy vào điều kiện của mỗi gia đình và khẩu vị từng người mà các món ăn sẽ được thêm, bớt, gia giảm một số nguyên liệu và gia vị khác nhau.

Bữa cơm chiều 30 Tết là bữa cơm gắn kết mọi thành viên, thế hệ trong gia đình mà mọi người trong gia đình đều có mặt đầy đủ.

Hà Trần

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/y-nghia-cua-mam-co-tat-nien-truyen-thong-299007.html