Hồ Chí Minh - bậc thầy về việc sử dụng ngôn ngữ

Chủ tịch Hồ Chí Minh là chính trị gia xuất sắc và cũng là bậc thầy về việc sử dụng ngôn từ như một công cụ, vũ khí để đạt tới mục đích chính trị. Một trong những công cụ của ngôn ngữ thường được người sử dụng trong các bài nói, bài viết của mình chính là lập luận. Hồ Chủ tịch vốn nổi tiếng với những lập luận sắc sảo, đanh thép tuyên bố về chủ quyền, độc lập tự do của dân tộc và những vấn đề khác.

Hát múa ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: MINH NGUYỆT

Hát múa ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: MINH NGUYỆT

Dùng văn chính luận để đấu tranh chính trị

Văn chính luận của Hồ Chí Minh thường ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, giàu tính luận chiến và đa dạng về bút pháp; bộc lộ tư duy sắc sảo, giàu tri thức văn hóa, gắn lý luận với thực tiễn. Giọng văn chính luận của Bác cũng đa dạng: “Khi ôn tồn, thấu tình, đạt lý, khi đanh thép, mạnh mẽ, hùng hồn”.

Người sáng tác văn chính luận với mục đích đấu tranh chính trị, tấn công trực diện vào kẻ thù, giác ngộ quần chúng, thể hiện nhiệm vụ cách mạng của dân tộc qua những chặng đường lịch sử. Có những áng văn chính luận của Bác không chỉ là những tác phẩm mang tính chính trị nóng hổi của thời đại, những tác phẩm thể hiện tư tưởng mang tầm vóc nhân loại mà nó còn nổi bật với nghệ thuật viết văn điêu luyện, xuất sắc.

Bản án chế độ thực dân Pháp tố cáo tội ác của thực dân Pháp ở thuộc địa. Tác phẩm đã lên án chính sách tàn bạo, tội ác tày trời, âm mưu thâm độc, bản tính xấu xa của bọn thực dân, kêu gọi người nô lệ đoàn kết đấu tranh giải phóng dân tộc. Tác phẩm không những là văn kiện quý giá về lịch sử, về lý luận mà còn có giá trị lớn về văn học, mang tính thời sự sâu sắc nên dễ đi sâu vào lòng người đọc.

Đọc sách báo về Đảng và Bác Hồ tại Thư viện tỉnh. Ảnh: MINH NGUYỆT

Tuyên ngôn độc lập là văn kiện lịch sử công bố với toàn dân tộc và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam độc lập. Tác phẩm có bố cục ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, lý lẽ đanh thép, bằng chứng xác thực, ngôn ngữ hùng hồn, giàu tính biểu cảm đã thể hiện những tình cảm cao đẹp của Bác với dân tộc, Nhân dân, nhân loại: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Và như vậy, sức thuyết phục của áng văn chính luận đối với người đọc không chỉ ở hệ thống lập luận sắc sảo, mẫu mực của nó, mà còn ở tình cảm chan chứa, sâu sắc của tác giả.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là “Hịch cứu nước”, đã cổ vũ tinh thần yêu nước của toàn dân đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân cứu nước”. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là áng hùng văn mở đầu cuộc kháng chiến toàn dân chống thực dân Pháp kéo dài 9 năm và kết thúc bằng thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.

Không có gì quý hơn độc lập tự do là thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam được đúc kết qua hàng nghìn năm chiến đấu chống giặc ngoại xâm, dựng nước và giữ nước. Đó là một chân lý bất hủ, có ý nghĩa lý luận, thực tiễn và giá trị thời đại sâu sắc; là nguồn sức mạnh tạo nên chiến thắng của Nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc. Đồng thời, đó cũng là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với nhân loại tiến bộ, đặc biệt đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới vùng lên đấu tranh vì hòa bình, tự do, hạnh phúc.

Chặt chẽ, logic và dễ đi vào lòng người

Văn chính luận đòi hỏi phải có lý lẽ, lập luận chặt chẽ với những luận điểm, luận cứ, luận chứng rõ ràng, mạch lạc. Do đó, trong văn chính luận của mình, Bác thường sử dụng nhiều từ ngữ liên kết như: và, với, hoặc, tuy, nhưng, để, mà, do đó, bởi vậy… để tăng sức thuyết phục, tạo cho văn bản chính luận chặt chẽ, logic và dễ đi vào lòng người. Chẳng hạn, khi bàn về đạo đức của người cách mạng, Bác viết: “Nói tóm lại: Tự kiêu nhất định sẽ đi đến thất bại. Vì kiêu ắt đi đôi với nịnh. Đã kiêu thì ắt ghét người tài giỏi hơn mình, ưa những kẻ nịnh hót mình. Thân cận là những người vô tài bất lực, nhưng khéo nịnh hót, a dua. Xa cách hoặc dìm hãm những người có tài, có đức hay bàn ngay thẳng. Như thế thì sao tránh khỏi hỏng việc”.

Văn chính luận muốn đạt hiệu quả cao thì phải có sức hấp dẫn và truyền cảm mạnh mẽ. Ngoài giá trị lập luận, văn bản chính luận còn thể hiện giá trị ở giọng văn hùng hồn, tha thiết, bộc lộ sự nhiệt tình của người viết. Để khẳng định ý chí kiên cường, bất khuất, kiên quyết đấu tranh vì độc lập, tự do, Người viết: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía đồng minh chống phát xít mấy năm nay. Dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”.

Thái độ tuyên bố hùng hồn, mạnh mẽ, lý lẽ đanh thép, chắc chắn của người viết tạo sức hấp dẫn, truyền cảm mạnh mẽ đến người nghe, người đọc: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Lời khẳng định đanh thép ấy được Bác đặt ở cuối bản Tuyên ngôn độc lập đã có sức truyền cảm mạnh mẽ. Nó được sắp xếp theo luân lý thông thường trong suy nghĩ của đông đảo quần chúng nhân dân cho nên rất dễ dàng xuyên thấu vào nhận thức của họ.

Hồ Chí Minh luôn xem ngôn ngữ là phương tiện quan trọng phục vụ cho công cuộc truyền bá lý tưởng cách mạng, là vũ khí chiến đấu để chống lại kẻ thù, là công cụ hữu hiệu để biểu đạt tư duy, ý nghĩ, tình cảm. Vì thế những bài viết, bài nói của Người luôn gần gũi, giản dị, chân thực, sâu sắc, có sức lay động và dễ đi vào lòng người.

Di chúc là lời căn dặn và tình cảm thiết tha, là niềm tin sâu sắc của Người gửi lại toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và các thế hệ mai sau. Nói đến việc ra đi, Bác đã nhẹ nhàng làm “mềm hóa” vấn đề bằng việc dẫn thơ của Đỗ Phủ: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Việc dẫn đó, Bác muốn nhấn mạnh: thọ tới 79 tuổi thuộc diện hiếm đối với mọi người… Nhưng dù sao thì việc ra đi bất thường là rất có thể xảy ra; vì vậy, việc viết “mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác” là cần thiết… Đoạn mở đầu đơn giản, độc đáo, đậm chất nhân văn và có sức thuyết phục cao, làm lay động lòng người. Bởi cách nói của Bác rất có lý, có tình. Có lý là đoạn văn được viết một cách logic, có tính lập luận. Còn có tình là mỗi câu, mỗi chữ đều toát lên tình cảm thiết tha của Người.

Để phát huy được hiệu quả của thể loại văn chính luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt đến việc sử dụng ngôn ngữ và Người được mệnh danh là bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ. Bác đã có một phong cách viết rất riêng, rất đặc sắc. Chữ ít nhưng ý sâu, so sánh rất cụ thể, lập luận sắc bén, chặt chẽ và kết luận chính xác. Những vấn đề dù lớn đến mấy, phức tạp và trừu tượng đến mấy nhưng bằng lối hành văn trong sáng, từ ngữ chọn lọc tinh tế của Người đã tạo cho bài viết ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu, dễ thuyết phục người tiếp nhận.

Hồ Chí Minh đã dùng ngòi bút làm vũ khí để phục vụ cho mục đích chính trị của mình. Văn chính luận của Người có nhiều thể loại khác nhau như: Lời hịch, lời kêu gọi, tuyên ngôn, báo cáo chính trị, các bài xã luận, bình luận trên báo chí, phát thanh và truyền hình, nói chuyện thời sự… đã mở đầu cho dòng văn học chính luận tiên tiến của giai cấp vô sản nước ta, góp phần tạo nên sức hấp dẫn của văn chính luận Việt Nam hiện đại.

MINH NGUYỆT

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/76/316399/ho-chi-minh-bac-thay-ve-viec-su-dung-ngon-ngu.html