Xưởng làm linh vật SEA Games đặc biệt

Đồng hành với SEA Games 31 tại Hà Nội, xưởng sản xuất thú nhồi bông của doanh nghiệp xã hội Kym Việt được ban tổ chức SEA Games Việt Nam cấp phép sản xuất các con Sao La - linh vật của SEA Games 31. Điều đặc biệt là những con Sao La này được tạo nên với độ hoàn thiện rất cao từ đôi tay khéo léo, lành nghề của các nghệ nhân khuyết tật.

Không tiếng nói, tiếng cười, không chuyện trò trao đổi, không khí làm việc tại xưởng sản xuất thú nhồi bông của doanh nghiệp xã hội Kym Việt cả tháng nay vẫn tất bật…

Tất cả công nhân ở đây đều là người khuyết tật. Trong đó, 85% là người khiếm thính, 10% là người khuyết tật vận động và 5% là người bị thiểu năng trí tuệ. Hằng ngày, họ tập trung sản xuất thú nhồi bông với nhiều mẫu mã khác nhau. Tuy nhiên, đồng hành với SEA Games 31, Kym Việt đã thiết kế mẫu búp bê linh vật Sao La với hình ảnh khỏe khoắn, đáng yêu. Những con Sao La này không phải linh vật chính thức của đại hội thể thao, mà đây là một sản phẩm đồng hành và đã được ban tổ chức SEA Games 31 cấp phép sản xuất với thiết kế tươi vui, lạ mắt. Ông Phạm Việt Hoài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Kym Việt cho biết: “Khác với những con Sao La chính thức từ SEA Games 31, Sao La nhồi bông của Kym Việt chủ yếu được cắt may, thêu thủ công. Mỗi con Sao La có khoảng 37 chi tiết, để làm thành một sản phẩm hoàn thiện phải mất nửa ngày. Tất cả đều được làm từ đôi tay khéo léo của những người khuyết tật”.

Không thể đến sân để cổ vũ, động viên tinh thần cho các tuyển thủ Việt Nam, thiết kế mẫu búp bê linh vật Sao La với hình tượng khỏe khoắn, đáng yêu, những công nhân đặc biệt của Công ty Kym Việt mong muốn truyền đi thông điệp khỏe khoắn để đạt thành tích cao và cùng nhau bảo vệ động vật hoang dã nói chung và loài Sao La - Kỳ Lân châu Á nói riêng.

Ngừng tay làm việc, chị Đào Thị Huế, một công nhân đã làm việc tại Công ty Kym Việt nhiều năm dùng ngôn ngữ ký hiệu, bày tỏ: "Tôi rất thích bóng đá, chúng tôi vẫn ngồi với nhau để cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam. Khi làm những con Sao La này, tôi cảm thấy rất vui. Cảm giác như mình cũng được góp phần nhỏ vào không khí của SEA Games vậy".

Chị Đào Thị Huế (áo trắng) và các nghệ nhân miệt mài với công việc

Từ lúc SEA Games 31 diễn ra đến nay, Công ty Kym Việt đã hoàn thành hàng trăm đơn hàng với khoảng 150 con Sao La mỗi ngày. Hầu hết các công đoạn đều phải làm thủ công nên xưởng không thể đáp ứng đủ yêu cầu của khách hàng, thậm chí có người từ xa xôi lặn lội tìm đến cũng đành quay về hoặc đặt hàng nhờ chuyển qua bưu điện.

Ông Nguyễn Hữu Thành đến từ huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh hôm nay cũng đến xưởng của Công ty Kym Việt để mua thú nhồi bông Sao La. Ông Thành cho biết rất tự hào vì Sao La là con vật chỉ sống ở Vườn quốc gia Pù Mát (tỉnh Nghệ An) và khu vực vùng núi huyện Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) - quê hương của ông. Vì thế ông Thành nhất quyết phải sở hữu cho được một con Sao La để mang về làm kỷ niệm. “Không chỉ đơn thuần là một sản phẩm thú nhồi bông, Sao La tại xưởng Kym Việt còn mang theo tâm huyết của nhà thiết kế, của những người thợ khuyết tật tạo nên một linh vật có sức sống bền bỉ, để mỗi khi bạn bè quốc tế nhìn thấy linh vật lại nhớ đến SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam, tôi tự hào về họ” - ông Thành chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Hữu Thành vui vẻ trò chuyện cùng chủ xưởng may Sao La Kym Việt (trái)

Sao La tại xưởng Kym Việt được làm từ vải da lộn cao cấp. Loại vải này được xưởng may Kym Việt lựa chọn kỹ lưỡng. Theo chị Huế, phải chọn đúng loại vải không có độ co giãn thì khuôn mặt, hình dáng Sao La mới có thể cứng cáp và không bị méo. Ngoài đảm bảo yêu cầu khắt khe về thiết kế, bố cục, các nghệ nhân khuyết tật ở đây còn chuyển tải thông điệp tích cực hướng về SEA Games 31, gắn kết mọi người dân trong khu vực xích lại gần nhau hơn, đồng thời truyền cảm hứng tinh thần bảo vệ thiên nhiên, tinh thần thể thao, tinh thần SEA Games của người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Hưng Cát - Phạm Tăng - Nguyễn Tấn

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/18/133168/xuong-lam-linh-vat-sea-games-dac-biet