Đoàn chuyên gia Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO làm việc tại Cao Bằng

Ngày 21/5, Đoàn chuyên gia Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO do ông Guy Martini, chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO làm trưởng đoàn đến làm việc với tỉnh về công tác chuẩn bị Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng. Cùng đi có PGS.TS. Trần Tân Văn, chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO thành viên.

Làm việc với đoàn có Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh; lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) và lãnh đạo một số các sở, ngành liên quan.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở VH-TT&DL báo cáo tiến độ về công tác chuẩn bị hội nghị gồm: Ban hành kế hoạch tổ chức hội nghị; thành lập ban tổ chức và các tiểu ban: Nội dung, hậu cần, khánh tiết, truyền thông, an ninh, trật tự, y tế; làm việc với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao tại Hà Nội; gửi thư mời các chuyên gia Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO tham gia Ban cố vấn và Hội đồng khoa học; vận hành Cổng đăng ký tham dự Hội nghị cho các đại biểu quốc tế; Họp với nhóm làm việc CVĐC toàn cầu UNESCO Châu Á - Thái Bình Dương để xác định nhiệm vụ, đề xuất nội dung nghị sự, các hoạt động bên lề Hội nhị, phương án bố trí nguồn nhân lực hỗ trợ tổ chức, làm sản phẩm quà lưu niệm; tập huấn cho tình nguyện viên tham gia phục vụ hội nghị (sinh viên ngoại ngữ, chủ nhà hàng, khách sạn, xe chở đại biểu và khách mời).

Ông Guy Martini, chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Guy Martini, chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại hội nghị, ông Guy Martini đánh giá cao công tác chuẩn bị đúng tiến độ và tiếp tục triển khai đúng kế hoạch. Đồng thời, đề nghị: Đây là Hội nghị quốc tế quan trọng, sau đại dịch Covid-19 nên số lượng khách quốc tế tham gia đông, Cao Bằng cần phải xây dựng kịch bản tổng thể chi tiết và phải thể hiện sự độc đáo, hấp dẫn về văn hóa đặc sắc trong Mạng lưới CVĐV toàn cầu UNESCO; lan tỏa thông điệp vế kết nối CVĐC Non nước Cao Bằng với Mạng lưới CVĐV toàn cầu UNESCO. Bên cạnh hoạt động chính, cần tổ chức sự kiện bên lề kỷ niệm 25 năm thành lập Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO như: Thi sáng tác ảnh, trả lời câu hỏi về hoạt động Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO, tìm hiểu về CVĐC Việt Nam các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Đắk Nông; đẩy mạnh truyền thông trên các báo chí Trung ương, địa phương, mạng xã hội; phát tờ rơi quảng bá về tổ chức hội nghị; quan tâm, theo dõi Cổng thông tin đăng ký đại biểu quốc tế để tiếp nhận đại biểu đăng ký, tài liệu, báo cáo tham dự hội nghị, hội thảo.

Thông tin, giới thiệu các tuyến trải nghiệm CVĐV toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng trước để cho khách quốc tế đăng ký đi trải nghiệm ngay sau khi Hội nghị kết thúc. Tổ chức hội thảo các chuyên gia nghiên cứu địa chất núi đá vôi và công bố các đề tài khoa học mới.

Quan tâm làm mới các sản phẩm làng nghề truyền thống trong CVĐC Non nước Cao Bằng như giấy bản, hương thơm, ngói thủ công âm dương… xây dựng sản phẩm bản địa chất lượng, mang dấu ấn của Hội nghị để giới thiệu, bán cho khách quốc tế; trình diễn thời trang với mẫu thiết kế từ chất liệu văn hóa bản địa đặc sắc gắn với phong cách hiện đại để giới thiệu, bán sản phẩm thêu, dệt thủ công, trang phục dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao… Xây dựng điểm Checkin độc đáo trên sông Bằng lấy chủ đề văn hóa Cao Bằng để du khách trong nước và quốc tế đi bộ dọc bờ sông (Phía sau phố đi bộ Kim Đồng) ngắm cảnh, chụp ảnh, quảng bá văn hóa đặc sắc của Cao Bằng…

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh phát biểu kết luận buổi làm việc.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh phát biểu kết luận buổi làm việc.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh nhất trí các phương án, ý kiến đóng góp của chuyên gia Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO. Ban Tổ chức hội nghị sẽ triển khai công tác chuẩn bị theokế hoạch xây dựng; bổ sung các ý kiến, nội dung chuyên gia đóng góp để hội nghị diễn ra xứng tầm quốc tế, tạo ấn tượng tốt đẹp, lan tỏa thông điệp “Tuyên bố Cao Bằng” để kết nối du lịch, văn hóa, khoa học địa chất của CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng với bạn bè quốc tế.

Trước đó, Đoàn chuyên gia khảo sát tại các điểm, nơi diễn ra hoạt động chính của hội nghị như: Trung tâm hội nghị tỉnh; đường Võ Nguyên Giáp; Vườn hoa trung tâm Thành phố; tuyến Phố đi bộ Kim Đồng và phố đi bộ ven sông Bằng; cơ sở hạ tầng phục vụ hội nghị.

Trường Hà

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/doan-chuyen-gia-mang-luoi-cong-vien-dia-chat-toan-cau-unesco-lam-viec-tai-cao-bang-3169368.html