Xứng đáng là 'trái tim' của Đô thị di sản thiên niên kỷ

Với phương châm quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị di sản một cách bền vững, sau 10 năm kể từ thời điểm được ghi danh, Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trở thành thương hiệu riêng có của Ninh Bình.

Lễ hội Tràng An năm 2023. Ảnh: Minh Đường.

Di sản đã và đang chứng minh là vai trò trung tâm thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển theo mục tiêu tăng trưởng xanh, xứng đáng là hạt nhân, là "trái tim" của Đô thị di sản thiên niên kỷ trong tương lai. Nhân kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch để cùng nhìn lại những nỗ lực trong một thập kỷ qua cũng như những định hướng tiếp theo trong việc phát huy bền vững và hiệu quả giá trị di sản.Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, sau hành trình 10 năm được ghi danh là Di sản thế giới, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Quần thể danh thắng Tràng An đã đạt được những kết quả nào?

Đồng chí (Đ/c) Bùi Văn Mạnh: Sau 10 năm được ghi danh, Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Trong đó, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về di sản được nâng cao. Ninh Bình đã kịp thời ban hành các nghị quyết, kế hoạch và các quy định để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Ngoài ra, Ninh Bình cũng thực hiện tốt các khuyến nghị về bảo tồn của Ủy ban Di sản thế giới, như hỗ trợ nghiên cứu và xuất bản các công trình nghiên cứu khoa học. Qua đó góp phần bổ sung, củng cố thêm thông tin về di sản, làm giàu các giá trị văn hóa và tự nhiên trước thích ứng của biến đổi khí hậu.

Việc điều chỉnh ranh giới, thực hiện đánh giá sức tải du khách cũng như các khuyến nghị khác của Ủy ban Di sản thế giới về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng được thực hiện một cách nghiêm ngặt. Cùng với đó, công tác tuyên truyền quảng bá các giá trị Di sản Tràng An gắn với phát triển du lịch được quan tâm, thực hiện hiệu quả.

Đặc biệt, công tác quản lý môi trường, cảnh quan vùng di sản được thực hiện thường xuyên, liên tục, như tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, đôn đốc các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư chấp hành các quy định về bảo vệ cảnh quan, môi trường khu di sản; tổ chức tuần tra, kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm các quy định về trật tự xây dựng, kinh doanh lưu trú...

Trong 10 năm qua, ngành đã phối hợp với các chuyên gia, tổ chức trong nước và quốc tế thực hiện thành công nhiều dự án, nghiên cứu bảo tồn di sản, như tái thả thành công loài voọc mông trắng tại Tràng An, Dự án thúc đẩy quản lý di sản và phát triển du lịch bền vững tại Di sản Văn hóa và Thế giới Tràng An, Dự án quản lý các khu di sản thế giới hậu COVID-19…

Những kết quả trên đã được các cấp, các ngành, tổ chức cũng như Ủy ban Di sản Thế giới, Trung tâm Di sản Thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Di sản Tràng An năm 2022, Tổng Giám đốc UNESCO đã nhận xét: "Tràng An là một trong những mô hình mẫu mực, tiêu biểu nhất trên thế giới về sự kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững". Đây là động lực để Ninh Bình tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các khuyến nghị nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản Tràng An trong chặng đường tiếp theo.

Đường vào Tam Cốc. Ảnh: Trường Huy

PV: Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm đã được triển khai thực hiện đến đâu, thưa đồng chí?

Đ/c Bùi Văn Mạnh: Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Du lịch đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh thành lập Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

Các cơ quan, đơn vị đã triển khai xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ và triển khai thực hiện đúng tiến độ. Sở đã phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá mục đích, ý nghĩa sự kiện cũng như vẻ đẹp, tiềm năng của đất và người Cố đô.

Qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, đưa hình ảnh Ninh Bình ngày càng đậm nét trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Sở đã phối hợp, khảo sát các cơ sở dịch vụ du lịch, khu vực tổ chức hoạt động, các tuyến đường chính, đường vào các khu, điểm du lịch để lên phương án, dự toán tiến hành đấu thầu theo quy định.

Đối với chương trình Lễ kỷ niệm, dự kiến diễn ra vào ngày 26/4, ngành Du lịch cùng các đơn vị tổ chức sự kiện xây dựng kịch bản chương trình nghệ thuật và kế hoạch tổ chức các hoạt động chào mừng.

PV: Ninh Bình đang nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ, trong đó Di sản Tràng An được coi là nguồn lực, là "trái tim" để hiện thực hóa mục tiêu này. Theo đồng chí, các hoạt động kỷ niệm sắp diễn ra có ý nghĩa như thế nào cho nỗ lực đó của tỉnh?

Đ/c Bùi Văn Mạnh: Không chỉ tập trung các giá trị vô giá về văn hóa, Di sản Tràng An còn hội tụ đầy đủ cảnh quan của một Đô thị di sản thiên niên kỷ như không gian kinh thành xưa với đặc trưng là các bức tường thành thiên tạo, lịch sử và tiếp nối; cơ sở hạ tầng của di sản; tốc độ phát triển kinh tế-xã hội; giá trị gia tăng, lan tỏa của di sản…

Tuy nhiên, những giá trị vô giá của Di sản Tràng An đến nay vẫn còn chứa đựng nhiều ẩn số đang được các chuyên gia, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, giải mã để có thể truyền tải và diễn giải cho Nhân dân và du khách hiểu rõ hơn trong thời gian tới.

Chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm là một dịp để ghi nhận, biểu dương những đóng góp to lớn của các cấp, các ngành, cá nhân, tổ chức, chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cũng như toàn thể Nhân dân. Đồng thời, qua đó giới thiệu, tôn vinh và nâng tầm giá trị Di sản Tràng An là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, về con người hiền hòa, thân thiện, thanh lịch và mến khách.

Thông qua kết quả của chuỗi hoạt động sẽ giúp Ninh Bình huy động sự tham gia tích cực của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học nhằm làm rõ hơn các luận cứ và giá trị vô giá của Tràng An trong tiến trình xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ.

Sự kiện trọng đại này còn góp phần đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế trong việc phát huy giá trị di sản giữa Ninh Bình với các tỉnh, thành phố có di sản trong cả nước và các quốc gia trên thế giới. Từ đó Ninh Bình sẽ tranh thủ được thời cơ, lợi thế cũng như các bài học kinh nghiệm, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII đã đề ra cũng như mục tiêu xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ trong tương lai.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Minh Hải (thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/xung-dang-la-trai-tim-cua-do-thi-di-san-thien-nien-ky/d20240329093632620.htm