Xuất khẩu cá tra dự kiến cán đích 1,77 tỷ USD

Hiện các doanh nghiệp thủy sản rất phấn khởi vì sau nhiều tháng giảm sâu, xuất khẩu cá tra đã có tín hiệu khả quan từ nhiều thị trường. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, nếu thuận lợi, xuất khẩu cá tra sẽ mang về 1,77 tỷ USD, giảm hơn 0,5 tỷ USD so với mục tiêu 2,3 tỷ USD.

Tin vui từ các thị trường

Theo VASEP,lũy kế 9 tháng, xuất khẩu cá tra đạt 1,4 tỷ USD, vẫn giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, trong tháng 9, xuất khẩu cá tra đã phục hồi toàn toàn và tăng trưởng 9% so với cùng kỳ năm 2022, góp phần "kéo" kim ngạch thủy sản sang các Mỹ, Trung Quốc, EU tăng 4 - 17% so với cùng kỳ năm 2022.

Dự kiến năm 2023 xuất khẩu cá tra sẽ cán đích 1,77 tỷ USD

Trong 8 tháng năm 2023, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) chi 378 triệu USD mua các sản phẩm cá tra Việt Nam và vẫn là thị trường dẫn đầu. Đứng thứ hai là Mỹ, đã nhập khẩu 195 triệu USD tính đến ngày 15.9.

Hiện, lượng hàng tồn kho giảm nhanh ở Mỹ, cộng với sự kiện Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện là những tín hiệu tích cực cho xuất khẩu cá tra tăng tốc trong những tháng cuối năm. Ngoài ra, theo kết quả sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cho đợt rà soát lần thứ 19 (POR19), có 2 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ đã nhận được mức giảm thuế chống bán phá giá về 0 USD/kg và từ 3,87 USD/kg về 0,14 USD/kg (Công ty CP Vĩnh Hoàn và Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ). Đồng thời, có 1 doanh nghiệp nhận thuế suất riêng rẽ giảm từ 1,94 USD/kg xuống còn 0,14 USD/kg và 32 công ty nhận thuế suất toàn quốc giảm từ 2,39 USD/kg về 0,14 USD/kg.

Nửa đầu tháng 9, xuất khẩu cá tra sang các thị trường trong khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, CPTPP nhập khẩu gần 9 triệu USD cá tra, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Với EU, xuất khẩu cá tra đến nhiều thị trường vẫn tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái: Thụy Điển tăng 28%, Đức tăng 19%, Đan Mạch tăng 18%. Đặc biệt, một số thị trường ghi nhận xuất khẩu cá tra tăng trưởng rất cao như: Estonia tăng 138%, Phần Lan tăng gấp hơn 11 lần.

Tăng chế biến sâu, bảo đảm điều kiện sản xuất tốt

Các doanh nghiệp hiện rất phấn khởi vì sau nhiều tháng giảm sâu, xuất khẩu cá tra đã có tín hiệu khả quan từ nhiều thị trường, góp phần thúc đẩy phục hồi trong những tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024. Công ty CP Thủy sản Vĩnh Hoàn cũng cho biết, trong quý III, xuất khẩu cá tra của doanh nghiệp này đã cải thiện so với quý II cả về sản lượng và giá tiêu thụ.

VASEP dự kiến, nếu thị trường thuận lợi, nông dân và doanh nghiệp có nguồn vốn tốt để duy trì sản xuất, các doanh nghiệp chế biến tiếp tục trụ vững, xuất khẩu cá tra cả năm nay có thể đạt 1,77 tỷ USD; giảm hơn 0,5 tỷ USD so với mục tiêu 2,3 tỷ USD.VASEP cũng khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cần tính toán lượng cá tồn kho tại các thị trường, tập trung cho chế biến sâu. Bởi, hiện cá tra phi lê xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong khi sản lượng chế biến xuất khẩu chỉ chiếm 2%.

Ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang cho rằng, thách thức lớn nhất để hồi phục xuất khẩu là giảm lượng tồn kho bằng cách giảm sản lượng mùa vụ tiếp theo. Mục tiêu chung là nuôi giảm mật độ để tránh dịch bệnh, tăng trọng nhanh hơn, hệ số FCR (hệ số chuyển đổi thức ăn trong nuôi cá tra và tôm) sẽ thấp và giá thành sẽ giảm. Cần kéo giá thành nguyên liệu cá tra bằng những năm trước ở mức 1 USD/kg (hiện nay là 1,2 USD/kg), giảm giá thành 20% để có điều kiện cạnh tranh với các loại cá thịt trắng khác trên thế giới, ông Văn nói.

Cũng theo doanh nhân này, ngành cần có chiến lược để nâng cao hình ảnh cho cá tra của Việt Nam ra các thị trường trọng điểm, tạo ấn tượng tốt về chất lượng nuôi dưỡng ở môi trường sạch, được Nhà nước kiểm soát an toàn vệ sinh, thân thiện với môi trường xung quanh bằng các chứng nhận quốc tế.

Liên quan đến bảo đảm an toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến, khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện tập trung 100% hoạt động nuôi, sản xuất và chế biến cá tra; 94% sản lượng phục vụ xuất khẩu nhưng vẫn phát hiện sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi cá tra, khâu xử lý chưa triệt để. Một số cơ sở nuôi chưa bảo đảm điều kiện, cơ sở hạ tầng vùng nuôi. Công đoạn chế biến một số cơ sở duy trì điều kiện vệ sinh nhà xưởng, trang thiết bị chưa tốt. Còn tình trạng lạm dụng phụ gia, mạ băng…

Trước tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường xây dựng kế hoạch triển khai mô hình điểm các chuỗi cung ứng hàng hóa; bảo đảm an toàn thực phẩm từ con giống, vùng nuôi đến sơ chế, chế biến. Các địa phương trong vùng cần có kế hoạch quản lý các cơ sở giống để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm trong chuỗi.

Về thị trường, Bộ lưu ý, ngành hàng nên tìm kiếm, mở rộng thị trường tiềm năng; xây dựng lại chuỗi cung ứng bị đứt gãy như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngoài ra, nên tăng cường thị trường Nam Mỹ, chuẩn bị nguồn hàng vào các thị trường đã cạn nguồn dự trữ, xây dựng chuỗi cung ứng đã đứt gãy do nguồn cầu thấp.

Lam Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/xuat-khau-ca-tra-du-kien-can-dich-177-ty-usd-i346129/