Xử lý cán bộ dùng 'bằng giả' ở Thạch Bình: Liệu có nhẹ tay?

Một cán bộ ở xã Thạch Bình (TP. Hà Tĩnh) bị phát hiện sử dụng bằng tốt nghiệp THPT không hợp pháp. Tuy nhiên, Đảng ủy xã chỉ xử lý cảnh cáo khiến dư luận đặt câu hỏi: Liệu có nhẹ tay trong trường hợp này?

Bà Trần Thị Mai - Phó Bí thư Đảng ủy xã Thạch Bình (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Trên cơ sở tham mưu của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, ngày 12/8/2016, Đảng ủy xã đã ban hành Quyết định số 19-QĐ/ĐU về việc thi hành kỷ luật đồng chí Võ Thị Vinh – Đảng ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN xã Thạch Bình bằng hình thức cảnh cáo”. Nguyên nhân cán bộ này phải nhận hình thức kỷ luật là do sử dụng bằng tốt nghiệp THPT không hợp pháp.

“Theo giải trình của chị Vinh, đang học dở THPT thì có lí do nên xin nghỉ. Đến năm 2012, khi đang học lớp trung cấp chuyên môn, do cần phải có bằng THPT nên chị đã đi xin (?!). Qua xác minh, thẩm tra của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy thì bằng tốt nghiệp THPT mà chị Vinh sử dụng là bằng không hợp pháp” - Phó Bí thư Đảng ủy xã Trần Thị Mai xác nhận.

Mặc dù sử dụng bằng tốt nghiệp THPT không hợp pháp nhưng chị Võ Thị Vinh lại có bằng trung cấp chuyên môn – chuyên ngành nông nghiệp. Về vấn đề này, Chủ nhiệm UBKT Thành ủy TP Hà Tĩnh Nguyễn Duy Biểu cho rằng, Đảng ủy xã phải kiểm điểm trách nhiệm về việc thiếu kiểm tra khi cử cán bộ đi học. Tuy nhiên, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Huy Nam lại giải thích: “Không nghĩ bằng THPT của chị Vinh lại là bằng không hợp pháp”. Thực tế, câu trả lời này so với lời của Phó Bí thư Đảng ủy còn có sự “chênh” nhau, bởi theo xác nhận của bà Trần Thị Mai, chị Vinh “xin” bằng THPT khi đang đi học trung cấp.

Một chi tiết khác, giữa hồ sơ khai trong lý lịch đảng và hồ sơ khi ứng cử đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2016-2021 của chị Vinh chưa khớp nhau - điều mà Bí thư Đảng ủy xã này, người có nhiều năm làm Phó Bí thư Đảng ủy, phụ trách công tác cán bộ chắc là rõ hơn ai hết. Tìm hiểu cụ thể hơn, được biết, trong giai đoạn phấn đấu về đích nông thôn mới, xã Thạch Bình chủ trương tạo điều kiện để cán bộ, công chức đi học bổ sung bằng cấp, nâng cao trình độ, tối thiểu cán bộ phải có bằng trung cấp - một điều kiện để xã được công nhận về đích (Thạch Bình được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015).

Đến thời điểm này, Đảng ủy xã Thạch Bình vẫn chưa tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của Đảng ủy đối với sai phạm của đảng viên. Theo lời Phó Bí thư Đảng ủy xã Thạch Bình, hiện tại, Đảng ủy đang “giao cho chị Vinh đi học để lấy bằng THPT”. Động thái này được nhiều người cho rằng, chẳng khác nào “hợp lý hóa hồ sơ”.

Về xử lý sai phạm của Chủ tịch Hội LHPN xã Thạch Bình, đến nay, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 1714, ngày 9/9/2016 xử lý cán bộ này với hình thức cảnh cáo. Chủ tịch Hội LHPN thành phố Trần Thị Phương cho hay: “Thành hội đang báo cáo với Tỉnh hội để xin ý kiến. Do điều lệ hội quy định không rõ nên Thành hội gặp khó khăn, chưa biết xử lý thế nào”.

Về việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Điều 21 của Quy định 181-QĐ/TW, ngày 30/3/2013 của BCH Trung ương Đảng đã quy định cụ thể đối với đảng viên vi phạm sử dụng bằng cấp, chứng chỉ không hợp pháp. Trong Điều 21 có 3 khoản, quy định rất cụ thể, trong đó, xử lý kỷ luật cách chức đảng viên nếu có chức vụ. Từ trước tới nay, UBKT cấp huyện trở lên đã áp dụng nghiêm túc quy định này (vì cấp cơ sở, mức xử lý kỷ luật cao nhất chỉ là cảnh cáo), xử lý nhiều trường hợp đảng viên có chức vụ vi phạm, tạo sự thống nhất và nghiêm minh trong xử lý cán bộ sai phạm. Tuy nhiên, không hiểu sao, trường hợp sai phạm sử dụng bằng không hợp pháp của một cấp ủy viên, đứng đầu một tổ chức đoàn thể ở cơ sở, thẩm quyền xử lý lại được giao cho đảng ủy xã. Và, với thẩm quyền theo quy định, đảng ủy xã chỉ xử lý mức cao nhất là cảnh cáo. Thực tế đó đang khiến dư luận đặt câu hỏi: Liệu có nhẹ tay trong trường hợp này?

Trung Dân

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/dieu-tra-don-thu/xu-ly-can-bo-dung-bang-gia-o-thach-binh-lieu-co-nhe-tay/124286.htm