'Xin bố đừng đuổi con đi'!

Cho dù có giận dữ con đến thế nào, nhưng xin bố đừng bao giờ nói: 'Cút ra khỏi nhà tao'. Lời nói của bố cứ ám ảnh con! Đó như một thông điệp rằng, bố mẹ không cần con nữa, muốn con xa mãi ngôi nhà thân yêu, để rồi con phải chịu những chuỗi ngày khổ sở và tủi nhục…

Thư gửi con!

Bố vẫn nhớ lần đầu tiên mẹ đưa cho bố xem hình siêu âm của con. Lúc ấy, con còn chưa hình thành đầy đủ cơ thể. Nhưng bố đã nhủ lòng mình sau này sẽ mãi luôn bên cạnh chăm sóc, bảo về và làm người bạn thân thiết của con. Bố sẽ là người chia sẻ mọi niềm vui nỗi buồn với con.

Con chào đời, lớn lên từng ngày trong vòng tay yêu thương của bố mẹ. Và bố cũng đã làm được điều mà bố mong muốn.Trong mỗi miếng ăn, giấc ngủ, lúc vui chơi, học hành của con đều có bố. Hai bố con lúc nào cũng vui vẻ bên nhau rất tâm đầu ý hợp. Nhiều lúc mẹ cũng phải “ghen” với tình cảm thân thiết của bố con mình.

Ảnh minh họa

Thế nhưng thời gian qua đi, con bước vào độ tuổi dậy thì. Cái độ tuổi ương ngạnh và bắt đầu tìm cách tự chủ. Đến lúc này, dường như cậu con trai bé bỏng của bố đã vuột ra khỏi tầm tay bố. Con không còn là cậu nhóc lúc nào cũng nắm lấy ngón tay út của bố để bố dẫn đi trên đường. Giờ đây, con có chân trời riêng của con, có bạn bè, có nhiều mối quan tâm ngoài xã hội.

Điểm chung giữa hai bố con mình ngày một ít dần. Mọi điều trước đây bố nói, con không còn nghe lời như trước, thậm chí con bắt đầu cãi lại. Dường như có khoảng cách vô hình giữa hai bố con chúng ta ngày một lớn hơn. Bố đã cố sức vượt qua nhưng chẳng thể, bởi cứ càng cố thì khoảng cách càng rộng. Bố cảm nhận chính con cũng là người góp phần tạo nên rào cản đó. Con không cho bố đến gần, không muốn bố xâm phạm vào không gian riêng của con. Bố cảm thấy thực sự bất lực và bế tắc.

Nhiều lúc, bố cảm tưởng như mình không chỉ đánh mất một đứa con mà còn đánh mất một người bạn thân thiết bao nhiêu năm trời. Con vẫn sống cùng nhà nhưng lại như cách xa tận ở phương trời nào. Chính vì thế, mỗi khi hai bố con có chuyện xung đột, nỗi buồn phiền trong lòng bố lại trỗi dậy. Bố không thể kìm chế được cảm xúc của mình, buột ra thành những lời nhiếc móc, thậm chí thóa mạ con. Sau mỗi lần như thế, bố buồn lắm con biết không. Bởi làm con đau một thì bố cảm thấy đau gấp mười. Hơn thế, bố lại càng cắn rứt vì làm cho hố sâu ngăn cách giữa hai bố con ngày càng dài rộng mãi.

Tối đó, bố con ta lại cãi vã. Bố lại không giữ được bình tĩnh. Nhưng mẹ đi công tác, không có ở nhà để hòa giải giữa bố con ta. Sau khi trút cơn thịnh nộ, bố bỏ về phòng. Bố không ngờ con đã tự ái bỏ nhà ra đi. Giờ đây, bố mẹ đi tìm con khắp ngả mà không thấy con đâu. Tại sao con lại hành động nông nổi đến thế. Con có biết rằng con bỏ nhà ra đi, bố mẹ lo lắng đến thế nào không. Giờ này con đang ở đâu!?

Thư gửi bố!

Sau trận cãi vã với bố, con lặng lẽ xách túi đồ bước ra khỏi nhà. Chắc bố nghĩ hành động của con chỉ là nảy sinh trong lúc bồng bột, nhưng không phải thế. Con đã giữ trong đầu ý định bỏ nhà đi này từ rất lâu rồi. Dường như con càng lớn, con với bố càng không hợp nhau. Con nhận thấy bố không hiểu con, lúc nào cũng tỏ ra khắt khe với con trong mọi chuyện. Con đi đâu và làm gì bố đều tra khảo như không tin tưởng con có thể làm điều đúng đắn. Nhưng điều con buồn nhất là mỗi lần con không làm điều gì khiến bố hài lòng, bố đều mắng: “Không nghe lời thì cút ra khỏi nhà tao”. Những đứa bạn của con cũng có lúc tranh cãi với bố mẹ, nhưng con đã hỏi bọn nó, bố mẹ bọn nó không bao giờ đuổi con như thế. Cái điệp khúc “Cút ra khỏi nhà” cứ ám ảnh suốt trong đầu con, thôi thúc con phải ra đi.

Con mang theo vài bộ quần áo và số tiền dành dụm ít ỏi rời khỏi nhà. Con không muốn bố mẹ tìm ra mình nên không đến ở nhờ nhà người bạn nào mà đi thuê một nhà trọ ở bờ sông. Hàng ngày, con tha thẩn ra bờ sông chơi với đám trẻ con trong xóm trọ. Thỉnh thoảng nghĩ về gia đình, con hả hê nghĩ rằng mình đã “trả thù” được bố, khiến bố phải ân hận vì đã đuổi con đi. Số tiền giúp con trả tiền trọ và mua cơm bình dân trong tuần đầu tiên. Nhưng tiền cứ hết dần, con bắt đầu nghĩ sẽ phải kiếm tiền để có thể trang trải cuộc sống sau này. Nhưng trong tay con không có giấy tờ tùy thân, lại còn quá nhỏ để có thể làm việc chân tay nặng nhọc nên không ai nhận. Mấy ngày liền ròng rã đi hết công trường nọ đến quán ăn kia, con đều chỉ nhận được những cái lắc đầu.

Nhìn khoản tiền ít ỏi còn lại, con chỉ còn có thể cầm cự thêm một tuần. Con trả phòng trọ và quyết định dành tiền để mua đồ ăn. Con lang thang đến những khu nhà bỏ hoang để có chỗ trú chân. Nhưng hiểm họa luôn rình rập khi con gặp phải những tên lưu manh sẵn sàng đánh người chẳng vì lý do gì. Con cũng trở thành nạn nhân của chúng chỉ vì chúng “thấy ngứa mắt”. Chúng cũng cướp đi số tiền cuối cùng trong người con. Soi bóng mình trong hố nước, con thấy hiện lên hình ảnh một đứa trẻ nhếch nhác, quần áo cũ rách, tóc tai bù xù bết bát, mình mẩy bị đánh thâm tím. Con không thể kìm nổi bật lên tiếng khóc nức nở. Con thấy tủi thân quá. Con nghĩ về gia đình. Con thấy ân hận vì mình đã bỏ nhà ra đi, nhưng cũng vô cùng oán trách bố đã quá nghiêm khắc với con, đẩy con đến chỗ chẳng có đường lùi. Con đã nghĩ đến việc quay về nhà xin lỗi bố mẹ. Thế rồi, sĩ diện của con không cho phép con làm thế, con luôn tự nhủ lòng mình “bước chân đi cấm kỳ trở lại”.

Con quyết định đi ăn xin. Nhưng bây giờ người ta không còn dễ dàng mủi lòng thương xót đối với những người kém may mắn. Phần vì cuộc sống của họ quá vội vã, phần vì họ sợ mình bị lừa. Cả ngày ngồi lê la ở chợ, con chỉ được cho 5000 đồng, đủ để mua 2 chiếc bánh mì mà người ta bán rẻ cho. Con đến các tiệm ăn xin nước lã để uống. Nhưng không phải ngày nào con cũng được người ta cho tiền. Những ngày như thế, con phải ôm bụng đói nằm trên vệ đường mà ngủ.

Không được ăn uống, lại ngấm mưa lạnh, con bị sốt gục trên vỉa hè. Con mơ màng thấy bố mẹ đến đón con. Nhưng khi con tỉnh dậy thì thấy mình đang trong nhà trọ. Thì ra một bác đạp xích lô cùng xóm trọ tình cờ thấy con nên đã chở về khu này. Bác ấy hỏi: “Tao thấy mày đợt mới đến xóm trọ còn tinh tươm sạch sẽ, giờ sao ra nông nỗi này. Có phải là bỏ nhà đi không?”. Khi con khẽ gật đầu, bác ấy nói: “Tao biết ngay mà. Tuổi trẻ bây giờ nông nổi lắm. Có biết bỏ nhà đi thì người khổ nhất trước hết là ai không. Chính là chúng mày đó. Quen được nuông chiều rồi, giờ ra đời chịu khổ sao được. Mà còn nhỏ tuổi, đã làm sao mà có sức lao động như người lớn được”. Trầm ngâm một lúc, bác ấy khẽ bảo: “Trước đây tao còn nhỏ, cũng từng bỏ nhà đi rồi. Hồi đó đi, nghĩ rằng trả đũa bố mẹ, cho họ phải khổ sở vì mất con. Nhưng giờ tao cũng làm bố rồi, thì hiểu thấu mọi chuyện con ạ. Bố mẹ là người có công sinh ra mình, có công nuôi dưỡng mình, không phải là kẻ thù để mình trả thù, trả đũa. Để cái đó mà dành cho những người làm hại mình ấy con ạ. Chứ bố mẹ thương con cái không hết, có làm điều gì hại cho con đâu. Con nỡ lòng để cho người thương yêu con phải khổ sở thì không nên. Còn ba cái vụ xung đột lẻ tẻ, phải ngồi nói chuyện mới ra vấn đề, mới giải quyết với nhau được. Chứ dùng cách bỏ nhà đi như thế này làm chi cho khổ hả con”. Cách xưng hô của bác ấy từ mày tao, chuyển sang gọi là con nhẹ nhàng tâm sự khiến con rất cảm động và hiểu ra mọi chuyện. Con cứ nằm xoay lưng vào vách mà cố kìm nước mắt.

Hôm sau bác chở con về nhà để xin lỗi bố mẹ. Con làm như lời bác ấy nói, mọi chuyện phải cùng giải quyết với nhau. Khi bố đọc lá thư này, con chắc chắn rằng bố sẽ hiểu con hơn và sau này bố con mình sẽ là những người bạn như trước đây, bố nhé.

Ngộ nghĩnh chùm ảnh vui hoán đổi vị trí cha mẹ và con

Thụy An

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/gia-dinh/nep-nha/xin-bo-dung-duoi-con-di-d103470.html