Xét xử vụ án xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội

Sáng 10/12, TAND TP. Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án 'Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng' xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội (CDC Hà Nội). Cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm và 9 đồng phạm bước đầu được tòa thẩm vấn.

10 bị cáo gồm: Nguyễn Nhật Cảm (SN 1963, Giám đốc CDC Hà Nội), Nguyễn Vũ Hà Thanh (SN 1979, Trưởng phòng Tài chính kế toán, CDC Hà Nội), Nguyễn Thị Kim Dung (SN 1973, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, CDC Hà Nội), Nguyễn Ngọc Quỳnh (SN 1975, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, CDC Hà Nội), Hoàng Kim Thư (SN 1987, Kế toán trưởng, Phó trưởng phòng Tài chính kế toán, CDC Hà Nội), Lê Xuân Tuấn (SN 1982, cán bộ CDC Hà Nội), Nguyễn Ngọc Nhất (SN 1986, nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech), Đào Thế Vinh (SN 1975, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam - MST), Nguyễn Trần Duy (SN 1980, cựu Tổng Giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá Nhân Thành), Nguyễn Thanh Tuyền (SN 1985, nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông) bị truy tố về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222 BLHS năm 2015).

Trả lời thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm thừa nhận việc chỉ định thầu và làm hồ sơ thầu là không đúng luật đấu thầu. Theo lời khai của bị cáo Cảm, trước sức ép phải làm nhanh cho đúng tiến độ nên bị cáo đã làm sai quy định và bị cáo đã không báo cáo cơ quan chủ quản về vấn đề này. “Nếu làm theo quy định lựa chọn thầu thông thường với các bước thì phải mất khoảng hai tháng. Nhưng thời điểm đó, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 nên UBND TP.Hà Nội ấn định CDC Hà Nội thời gian thực hiện nhanh, và đưa thiết bị xét nghiệm vào hoạt động phải xong trong hai tuần”, bị cáo trình bày. Bị cáo Cảm dù thừa nhận đã làm sai quy định nhưng cho rằng, việc làm sai đó không phải để được hưởng tiền phần trăm của gói thầu và bị cáo cũng chưa bao giờ nghe ai nói về về việc bị cáo sẽ được phần trăm của gói thầu.

Khai báo trước tòa, bị cáo Nguyễn Trần Duy cho biết ngoài chứng thư thẩm định của gói thầu số 15, bị cáo còn ký chứng thư thẩm định của một số gói thầu khác thuộc CDC Hà Nội. Việc ký chứng thư thẩm định số 15, bị cáo giao cho nhân viên của công ty (không phải là thẩm định viên về giá) xây dựng quy trình thẩm định và bị cáo đã thẩm tra lại.

Các bị cáo tại phiên xét xử.

Về việc giá trong chứng thư thẩm định trùng khớp với giá mà CDC Hà Nội dự toán, bị cáo Duy cho rằng có một số máy móc mang tính đặc thù nên trong quá trình thu thập thông tin về giá có gặp khó khăn nhất định. Khi được nhân viên báo cáo, CDC Hà Nội chuyển hồ sơ có thông số kỹ thuật, thấy giá trên thị trường còn cao hơn giá mà CDC cung cấp nên bị cáo mới đưa ra giá trị như vậy trong chứng thư thẩm định.

Về phần mình, bị cáo Lê Xuân Tuấn (cán bộ CDC Hà Nội) khẳng định bản thân chỉ liên hệ với Công ty thẩm định giá Nhân Thành, chuyển công văn và các thủ tục liên quan. Đối với gói thầu số 15, bị cáo chuyển tiếp qua nhân viên của Công ty Nhân Thành. Ngoài gói thầu 15 có đề nghị ghi lùi ngày, một số gói thầu khác cũng được đề nghị ghi lùi ngày. Trong vụ án này, bị cáo Tuấn tự xác định bản thân chỉ sai phạm có mức độ.

Cáo trạng nêu rõ, theo chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Nhật Cảm và theo phân công nhiệm vụ, bị cáo Nguyễn Thị Kim Dung giao người khác liên hệ với Nguyễn Ngọc Nhất và Đào Thế Vinh để lấy các thông số kỹ thuật, góp ý chỉnh sửa xây dựng Báo cáo kinh tế kỹ thuật và hồ sơ yêu cầu gói thầu số 15. Bị cáo Dung ký tờ trình đề nghị phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật mua sắm máy móc, trang thiết bị các gói thầu trong đó có gói thầu số 15.

Bị cáo Dung còn ký duyệt nội dung để bị cáo Cảm ký quyết định về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trong đó xác định giá thầu gói thầu số 15 có giá trị hơn 9,5 tỷ đồng, theo đúng giá bị cáo Cảm đã thỏa thuận mua bán với bị cáo Nhất, bị cáo Vinh và bị cáo Nguyễn Thanh Tuyền từ trước.

Trong khi CDC Hà Nội chưa tiến hành đánh giá hồ sơ đề xuất của nhà thầu, chưa tiến hành thương thảo hợp đồng mua sắm gói thầu số 15 và chưa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhưng ngày 29/2, bị cáo Nhất và một số nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông đã chuyển hệ thống Realtime PCR và các máy móc, thiết bị thuộc gói thầu số 15 đến lắp đặt tại CDC Hà Nội...

Cáo trạng khẳng định, bị cáo Cảm đã lợi dụng tình hình dịch bệnh, vì động cơ vụ lợi trực tiếp thỏa thuận, thống nhất giá mua sắm các máy, thiết bị y tế với bị cáo Nhất, bị cáo Tuyền và bị cáo Vinh ấn định mức giá gói thầu là 9,5 tỷ đồng trước khi thực hiện quy trình chỉ định thầu thông thường. Bị cáo Cảm cũng trực tiếp ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thẩm định giá với bị cáo Nguyễn Trần Duy để bị cáo này giả mạo hồ sơ đấu thầu, chỉ định công ty MST trúng thầu trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng.

Thế Vinh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/xet-xu-vu-an-xay-ra-tai-trung-tam-kiem-soat-benh-tat-tp-ha-noi-n184030.html