Hải Dương siết chặt an toàn lò nung, lò hơi

Trước nhiều vụ tai nạn lao động liên quan đến lò hơi, lo quay, lò nung, lò luyện… xảy ra tại nhiều địa phương, Hải Dương siết chặt công tác quản lý, vận hành các thiết bị này.

Chuyên gia giám sát an toàn vệ sinh lao động hướng dẫn công nhân Công ty TNHH May Mayfair (Kinh Môn) quy trình kiểm soát an toàn lò hơi điện

Chuyên gia giám sát an toàn vệ sinh lao động hướng dẫn công nhân Công ty TNHH May Mayfair (Kinh Môn) quy trình kiểm soát an toàn lò hơi điện

Nguy hiểm

Nhiều hộ làm nghề sản xuất bánh đa ở làng Lộ Cương, phường Tứ Minh (TP Hải Dương) đầu tư hàng trăm triệu đồng lắp nồi hơi, lò hơi để tráng và sấy bánh, nhưng quy trình vận hành an toàn thì nhiều người chưa nắm chắc.

Anh P.V.Q., một lao động chuyên vận hành lò hơi tại làng nghề Lộ Cương chỉ biết hằng ngày cho củi vào lò đốt để nồi hơi hoạt động chứ chưa tìm hiểu những cách xử lý khi xảy ra sự cố.

Nhiều lao động ở làng nghề sản xuất bánh đa Lộ Cương (TP Hải Dương) chưa nắm chắc quy trình xử lý sự cố lò hơi

Nhiều lao động ở làng nghề sản xuất bánh đa Lộ Cương (TP Hải Dương) chưa nắm chắc quy trình xử lý sự cố lò hơi

Được ví như những "quả bom", nồi hơi tại các cơ sở sản xuất có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào nếu vận hành sai. Gần đây, một vụ nổ nồi hơi ở làng nghề sản xuất bánh đa của huyện Đô Lương (Nghệ An) đã khiến một người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Vụ nổ còn khiến cửa kính của nhà xung quanh bị vỡ. Nguy cơ này cũng luôn hiện hữu nếu các nồi hơi tại các làng nghề, doanh nghiệp của Hải Dương không bảo đảm an toàn, người vận hành thiếu kiến thức.

Các lo nung, lò luyện, lò quay, máy trộn cũng rất nguy hiểm nếu không tuân thủ đúng quy trình vận hành, sửa chữa. Hai năm trước, vì không làm đúng quy trình sửa chữa lò quay trộn nguyên liệu nên một lao động ở Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tuấn Tú (Kim Thành) bị thương nặng. Theo lời kể của ông N.V.P., người bị nạn, khi đang ở trong lò để hàn cánh trộn nguyên liệu thì bất ngờ máy hoạt động. Khi máy chạy ông P. bị văng quật bên trong. Sau này ông P. mới biết do một phụ kho xuống kiểm tra hàng và đã nhấn nút khởi động khiến ông P. bị nạn.

Người lao động không nắm chắc quy trình vận hành nồi hơi, lò nung có thể phát sinh tai nạn lao động (ảnh minh họa)

Người lao động không nắm chắc quy trình vận hành nồi hơi, lò nung có thể phát sinh tai nạn lao động (ảnh minh họa)

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã xác minh nguyên nhân vụ tai nạn tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tuấn Tú do 2 người sửa máy không ngắt điện ở tủ chính mà chỉ ngắt nút khởi động máy ở tường nhà kho. Trong quá trình sửa chữa cũng không có người giám sát hay biển cảnh báo. Quy trình sửa chữa, bảo trì máy móc đã không được tuân thủ đúng quy định.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, chuyên gia giám sát, đánh giá an toàn vệ sinh lao động, Giám đốc Công ty TNHH An toàn và Môi trường Green (TP Hải Dương) thì quy trình vận hành thiết bị sản xuất rất quan trọng. Ngay cả khi sửa chữa thiết bị, máy móc nếu không tuân thủ quy định rất dễ gây ra tai nạn lao động như những bài học đã thấy ở vụ tai nạn lò quay tại Yên Bái khiến 7 người thương vong và vụ nổ nồi hơi tại Đồng Nai làm 6 người chết ngay trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024.

Kiểm soát chặt

Cán bộ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội kiểm tra quy trình vận hành máy móc sản xuất tại Công ty CP Thép Hòa Phát

Cán bộ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội kiểm tra quy trình vận hành máy móc sản xuất tại Công ty CP Thép Hòa Phát

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng như đã nêu ở trên. Dù đã có những bài học đắt giá nhưng nhiều nơi cả chủ doanh nghiệp và người lao động vẫn chủ quan, buông lỏng quản lý.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương đã đề nghị UBND cấp huyện, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động, nhất là tại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, gia đình sử dụng lò hơi, lò quay, lò nung, bình khí chịu áp lực… Sở cũng phối hợp tổ chức các đoàn kiểm tra, cử cán bộ an toàn trực tiếp hướng dẫn quy trình vận hành, sửa chữa, bảo trì các thiết bị.

Trong quá trình sửa chữa, vận hành lò nung, nồi hơi, lò luyện cần có sự giám sát và tuân thủ nghiêm quy định an toàn lao động

Trong quá trình sửa chữa, vận hành lò nung, nồi hơi, lò luyện cần có sự giám sát và tuân thủ nghiêm quy định an toàn lao động

Tại Công ty CP Thép Hòa Phát (Kinh Môn), công tác an toàn vệ sinh lao động, nhất là các lò luyện, lò nung hiện nay được kiểm soát chặt chẽ hơn. Anh Vũ Đình Tuân, Phó trưởng Phòng An toàn môi trường công ty cho biết để phòng ngừa sự cố tai nạn lao động, bộ phận an toàn của công ty lập kế hoạch cụ thể từ trước, thông báo đến các bộ phận liên quan. Khi sửa chữa phải treo biển báo, rào ngăn. Tại những khu vực có máy móc, thiết bị dễ xảy ra sự cố khi sửa chữa thì ngoài bộ phận đóng ngắt điện tự động do một công nhân đảm nhiệm, giám sát chặt suốt thời gian bảo trì, công ty còn có tủ điện gần khu vực máy móc để đóng ngắt một lần nữa bằng tay tránh trường hợp người khác bật điện từ phòng điều khiển trung tâm.

Để tránh tai nạn lao động, người lao động cần trang bị đầy đủ bảo hộ và tuân thủ quy trình vận hành lò nung, lò hơi...

Để tránh tai nạn lao động, người lao động cần trang bị đầy đủ bảo hộ và tuân thủ quy trình vận hành lò nung, lò hơi...

Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp đang sử dụng lò hơi, nồi hơi, bình chịu áp lực và có khoảng 30 doanh nghiệp sử dụng lò quay, lò nung, lò luyện... Ngoài ra còn nhiều cơ sở sản xuất ở các làng nghề mộc, bánh đa, bún, nấu rượu cũng sử dụng nồi hơi và thiết bị sinh nhiệt…

Với số lượng lớn doanh nghiệp, cơ sở sử dụng các lò nung, lò quay, lò hơi như trên thì việc kiểm soát an toàn lao động, kiểm tra quy trình vận hành, sửa chữa cần được đặc biệt quan tâm, không để sự chủ quan, thờ ơ gây hậu quả tai nạn lao động.

HƯƠNG LAN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/hai-duong-siet-chat-an-toan-lo-nung-lo-hoi-381723.html