Xếp xó ô tô vì xăng tăng cao kỷ lục

Xăng tăng giá tới 32.800 đồng/lít, trong khi thu nhập không tăng, khiến nhiều người tiêu dùng phải 'đắp chiếu' ô tô, chuyển đi xe máy hay các phương tiện công cộng để tiết giảm chi phí.

Chị Hà Thu Hằng nhân viên kế toán một công ty ở Cầu giấy thường di chuyển bằng ô tô từ nhà tới cơ quan là 12km.

Tại thời điểm giá 23.295 đồng/lít, mỗi lần chị đổ xăng hết 1,2triệu- 1,5triệu đồng là đầy bình đi làm trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng liên tiếp tăng cao kỷ lục với xăng 32.870 đồng/lít, tính ra mỗi tháng chị Hằng phải mất 3 triệu đồng cho tiền xăng đi làm. Đó là chưa kể những lúc đi xa như về quê hay đi chơi; trong khi, thu nhập của chị vẫn giữ nguyên.

“Giá xăng tăng cao quá, lên gấp đôi trong vòng có 3 tháng. Xăng tăng khiến mọi thứ đều tăng theo. Đó là chưa kể tiền bảo dưỡng, tiền gửi xe. Tôi không cầm cự nổi phải chuyển đi xe máy cho tiết kiệm”, chị Thu Hằng than vãn.

Chuyển sang đi xe máy, chị tiết kiệm được 2,6 triệu đồng/tháng. Để xe không bị hỏng, mỗi tuần chị đi đến cơ quan từ 1 đến 2 lần. “Biết là không tốt những tôi cũng đành chấp nhận vì không biết làm sao với bài toán tăng giá”, chị Hằng chán nản.

Chị Hằng cho biết, không chỉ bản thân chị mà tại cơ quan, tất cả nhân viên kinh doanh trong công ty thời điểm trước còn sử dụng ô tô đi làm thì nay cũng chuyển sang đi xe máy, xe máy điện.

“Họ cũng muốn đi tàu điện, xe bus nhưng vì không thuận tiện hướng di chuyển nên đi xe máy là hướng lựa chọn thời điểm này”, chị Hằng nói thêm.

Ô tô "nằm yên" vì xăng tăng chóng mặt

Để cắt giảm chi phí, anh Nguyễn Văn Hải thời gian này cũng phải "đắp chiếu" chiếc xe Mazda 6. Từ nhà anh Hải ở Nguyễn Du đến cơ quan phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy mất hơn 10km. Nếu trước đây anh đổ đầy bình khoảng 1 triệu đồng, thì nay giá xăng ngày càng tăng cao, mỗi lần đổ gần 1,4 triệu đồng.

"Xăng tăng cao rồi tắc đường đó là lý do để tôi chuyển sang xe máy điện để tiết kiệm, chủ động hơn trong việc đi lại. Đi xe máy điện vừa nhẹ, mỗi lần sạc điện chỉ mất hơn 2 số điện, tôi có thể đi được 90km. Tính ra tôi đến cơ quan nhanh hơn, tiết kiệm được tiền xăng và đảm bảo cho môi trường", anh Hải cho hay.

Chuyển hướng đi xe máy điện nhưng anh Hải đành chấp nhận “cất” ô tô, chấp nhận để xe xuống cấp. Anh Hải cho biết để tránh xe bị hỏng, xăng thối, anh duy trì nổ máy 1 lần hoặc sử dụng ô tô vào ngày cuối tuần cho gia đình về quê hoặc đi du lịch.

Còn với anh Đăng Khoa, đồng lương hàng tháng gắn với chiếc xe nên việc xăng tăng cao cũng khiến anh vất vả hơn với bài toán chi phí. Thời điểm giá xăng chưa tăng cao, anh chạy cho các ứng dụng như Grab hay Bee. Nay chạy cho các ứng dụng chiết khấu tăng cao, không được hỗ trợ nhiều từ hãng, anh chuyển sang chạy khách quen, khách lẻ và thay đổi giờ thời gian chạy xe.

“Như đợt nắng vừa rồi hoặc vào giờ cao điểm là tôi không đi xe vì hao tốn nhiên liệu, trừ chi phí chẳng có đồng lãi nào. Bắt buộc những lái xe như tôi phải thay đổi cách làm việc”, anh Đăng Khoa nói.

Cũng theo anh Khoa, nếu giá xăng tăng tiếp, anh sẽ dừng chạy xe và chuyển hẳn sang công việc khác để đảm bảo thu nhập và lo cho gia đình.

Áp lực giá cả và kinh tế khiến rất nhiều người phải chuyển phương tiện đi làm. Ngay tại thời điểm này, với nhiều người tiêu dùng cắt giảm chi phí xăng dầu, bảo dưỡng là đã giảm được một khoản chi phí khá lớn giúp họ dành tiền để cho những chi phí cần thiết hơn trong cơn "bão giá" hiện nay.

Bích Thảo

Tin liên quan Xăng tăng giá, khách đỏ mắt tìm taxi, xe công nghệ
Xăng tăng giá - Cơ hội để xe buýt lấy lại khách

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/xep-xo-o-to-vi-xang-tang-cao-ky-luc-d201756.html