Xây dựng thương hiệu sản phẩm 'Made in Ho Chi Minh city'

Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh và Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng một số đơn vị đã phát động Giải thưởng Thương hiệu Vàng Tp. Hồ Chí Minh lần thứ 4 năm 2023, với chủ đề 'Đổi mới và Bền vững'.

Công nhân chế biến sản phẩm yến tại công ty và cơ sở sản xuất Yến Đảo Cần Giờ, huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN

Cùng với các địa phương trên cả nước, Tp. Hồ Chí Minh đã và đang triển khai nhiều chương trình hành động đáp ứng nền kinh tế xanh; trong đó, xây dựng thương hiệu sản phẩm Tp. Hồ Chí Minh gắn liền với sản xuất xanh, tiêu chuẩn xanh đang được ngành công thương đẩy mạnh thông qua thúc đẩy hợp tác liên ngành, cũng như chính quyền địa phương.

Mới đây, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh và Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng một số đơn vị đã phát động Giải thưởng Thương hiệu Vàng Tp. Hồ Chí Minh lần thứ 4 năm 2023 (Giải thưởng Thương hiệu Vàng 2023), với chủ đề “Đổi mới và Bền vững”.

Trên cơ sở vinh danh cộng đồng doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm, dịch vụ mang lại giá trị cho người tiêu dùng, cổ đông, đối tác... giải thưởng thúc đẩy làn sóng thương hiệu “Made in Ho Chi Minh city” trên cả nước, nâng tầm thương hiệu Tp. Hồ Chí Minh ra thị trường khu vực và toàn cầu.

Để đảm bảo tiêu chí như khách quan, chuyên nghiệp, thu hút và lan tỏa hơn nữa giá trị của Giải thưởng Thương hiệu Vàng 2023, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác chiến lược với một số tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Hoạt động mới này, được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp tham gia giải thưởng năm nay hay từng đạt giải thưởng ở những năm trước nhận được sự cố vấn của đội ngũ chuyên gia thương hiệu, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển thương hiệu gắn liền với phát triển năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Sản phẩm muối là một trong những nông đặc sản huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh được đầu tư cả chất lượng lẫn mẫu mã bao bì. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN

Về phương thức bình chọn, khác với những năm trước là bình chọn chủ động thông qua website của chương trình, Giải thưởng Thương hiệu Vàng 2023 lần đầu tiêu có sự tham gia bình chọn của người tiêu dùng Tp. Hồ Chí Minh cho sản phẩm dịch vụ B2C sẽ được thực hiện bởi đơn vị nghiên cứu thị trường quốc tế Kantar World Panel trên diện rộng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp và thương hiệu sẽ cạnh tranh trên từng lĩnh vực hoạt động kinh doanh riêng nhằm đảm bảo tính khách quan và cơ hội đạt giải thưởng ngang nhau.

Cùng với hành trình xây dựng thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp gắn liền với thương hiệu Tp. Hồ Chí Minh, ngành công thương thành phố còn đẩy mạnh phối hợp với chính quyền quận, huyện và thành phố Thủ Đức phát triển thương hiệu nông đặc sản tiềm năng địa phương. Điển hình, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức đoàn khảo sát, gồm sở, ngành, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhà bán lẻ... đến huyện Cần Giờ để tiếp cận thực tế một số mô hình sản xuất, kinh doanh xanh tại địa phương này.

Theo đó, đoàn khảo sát đã tham quan thực tế tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cung ứng nông đặc sản Cần Giờ như công ty Yến Sào Thanh Đảo, Công ty cổ phần Dừa nước Việt Nam (VIETNIPA), cơ sở sản xuất thủy hải sản... Tại đây, đoàn khảo sát không chỉ được chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giới thiệu về mô hình hoạt động và xây dựng thương hiệu sản phẩm, mà còn trực tiếp trải nghiệp quy trình sản xuất, chế biến...

Báo cáo với đoàn khảo sát, ông Phan Minh Tiến, Giám đốc VIETNIPA cho biết, trung bình 1 ha dừa nước được khai thác mật và chế biến, mỗi năm có thể tạo ra 20 tấn đường dừa nước, trị giá hàng chục tỷ đồng. Trong khi đó, tính riêng huyện Cần Giờ đã có khoảng 900 ha rừng dừa nước tự nhiên, còn ước tính cả khu vực Tây Nam bộ có hơn 9.000 ha là nguồn nguyên liệu khổng lồ và được tái tạo tự nhiên.

"Mục tiêu của VIETNIPA không dừng lại ở việc tìm kiếm khách hàng là nhà kinh doanh, phân phối, bán lẻ nội địa quan tâm sản phẩm organic, sản phẩm thuần chay, sản phẩm tự nhiên thay thế chất làm ngọt tổng hợp… mà còn định hướng xây dựng thương hiệu tiến đến xuất khẩu. Do đó, VIETNIPA đã từng bước chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng giấy tờ, chứng nhận lẫn quy mô sản xuất, đáp ứng đơn hàng xuất khẩu bất cứ lúc nào", ông Phan Minh Tiến chia sẻ thêm.

Đoàn khảo sát làm việc tại Công ty Cổ phần Dừa nước Việt Nam (VIETNIPA), huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN

Còn bà Trần Thị Lan Anh, Giám đốc điều hành công ty và cơ sở sản xuất Yến Đảo Cần Giờ cho hay, đơn vị này đã được cơ quan có thẩm quyền đến khảo sát và đánh giá là đạt chuẩn HACCP – (Hazard Analysis and Critical Control Points – Phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn) là những nguyên tắc được sử dụng trong việc thiết lập hệ thống quản lý an toàn thực phẩm. Điều này cho thấy, sản phẩm của doanh nghiệp chứng minh được cam kết về an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng.

Theo bà Trần Thị Lan Anh, Yến Đảo Cần Giờ định vị thương hiệu "Yến xanh Yến sạch từ rừng sinh quyển" nên không ngừng phát triển đa dạng sản phẩm với phong phú chủng loại phục vụ người tiêu dùng. Cụ thể, sản phẩm được chưng đường phèn thiên nhiên, không chất bảo quản; cháo yến, cà phê yến... là những sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng ngày càng yêu cầu cao về chất lượng lẫn sự tiện lợi.

Ở góc độ nhà bán lẻ, bà Đỗ Thị Đậu, Trưởng ban Quản lý hệ thống bán lẻ Tổng công ty thương mại Sài Gòn Một thành viên - SATRA chia sẻ, qua khảo sát thực tế tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thì có thể thấy những đơn vị này có sản phẩm chất lượng và đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu, nhưng muốn chinh phục người tiêu dùng thì cần thêm những câu chuyện đằng sau sản phẩm đó. Điển hình, đơn vị sản xuất kinh doanh phải quảng bá sản phẩm bằng chỉ dẫn địa lý, giới thiệu quy trình sản xuất, tiếp thị yếu tố vùng miền.

Nhà bán lẻ, nhà phân phối khảo sát cửa hàng trưng bày sản phẩm nông đặc sản tại huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN

Cùng với đó, đơn vị sản xuất kinh doanh nên chú trọng đầu tư bao bì, mẫu mã, thông tin... trên sản phẩm và khi đã định vị được thương hiệu thì phải giữ được chất lượng và nâng tầm giá trị hơn nữa. Về định hướng xuất khẩu, thì sở ngành, chính quyền địa phương cần đồng hành cùng đơn vị sản xuất kinh doanh tạo điểm đến giới thiệu văn hóa, thương hiệu… để quảng bá sản phẩm, hay thông qua khách du lịch mang sản phẩm về nước họ và thu hút người mua hàng, nhà xuất nhập khẩu tìm đến.

Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Tp. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, đơn vị sản xuất kinh doanh phải chủ động hoàn thiện sản phẩm của mình trước khi xây dựng thương hiệu thì mới đạt hiệu quả cao.

Theo ông Nguyễn Đình Huệ, muốn xây dựng thương hiệu cho địa phương nói chung và sản phẩm của đơn vị sản xuất kinh doanh nói riêng, cần tạo ra sự khác biệt. Vì vậy, chính quyền địa phương, doanh nghiệp không nên thực hiện cùng lúc nhiều sản phẩm, mà triển khai từng sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm để đảm bảo có những hướng đi phù hợp với cả thị trường trong và ngoài nước.

Liên quan đến phát triển và xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương gắn liền với thương hiệu Tp. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố đánh giá, nhiều sản phẩm nông đặc sản địa phương có chất lượng và tiềm năng xây dựng thương hiệu mạnh. Tuy nhiên, điểm yếu phổ biến của sản phẩm nông đặc sản địa phương là sản lượng và do một chủ cá thể tâm huyết sản xuất, chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối các quy trình nên khó tham gia vào chuỗi cung ứng phân phối, bán lẻ hiện đại hay xuất khẩu.

Cửa hàng giới thiệu sản phẩm Yến Đảo Cần Giờ tại huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN

Ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết thêm, để tăng hiệu quả kinh doanh, địa phương và đơn vị sản xuất kinh doanh sản phẩm nông đặc sản phải đẩy mạnh giải pháp cải thiện mô hình sản xuất kinh doanh, cụ thể hóa sản phẩm đặc trưng, đảm bảo cung cầu bền vững... Qua đó, nâng cao giá trị khác biệt thương hiệu sản phẩm.

Về phía ngành công thương sẽ luôn đồng hành cùng địa phương và đơn vị sản xuất kinh doanh sản phẩm nông đặc sản quảng bá nâng cao thương hiệu và kết nối đưa sản phẩm ra thị trường nội địa, cũng như xuất khẩu./.

Mỹ Phương/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xay-dung-thuong-hieu-san-pham-made-in-ho-chi-minh-city/307751.html