Singapore - kỳ vọng vào thế hệ lãnh đạo mới

Ngày 15.5, ông Lawrence Wong đã tuyên thệ nhậm chức, chính thức trở thành Thủ tướng thứ tư của Singapore. Với việc đề xuất Nội các mới sau lễ nhậm chức, tân Thủ tướng được kỳ vọng vừa kế thừa và tiếp nối những thành tựu to lớn mà cựu Thủ tướng Lý Hiển Long đã gây dựng, vừa tạo điều kiện để những 'thế hệ lãnh đạo mới' thúc đẩy nhiều cải cách hơn nữa, đưa Singapore ngày càng phát triển.

Lãnh đạo thế hệ 4G

Ông Lawrence Wong hiện 51 tuổi đã nắm giữ một số chức vụ quan trọng trong bộ máy của Singapore, bao gồm giám đốc điều hành của Cơ quan Thị trường Năng lượng và Trợ lý riêng của Thủ tướng; ông tham gia chính trường vào năm 2011 và được bổ nhiệm vào ban giám đốc của Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (hay còn gọi là ngân hàng trung ương). Sau đó, ông nắm giữ các danh mục đầu tư về văn hóa, phát triển quốc gia và giáo dục.

Vào năm 2020, ông Lawrence Wong đã trở thành tâm điểm chú ý khi được giao nhiệm vụ đồng lãnh đạo lực lượng đặc biệt của Singapore nhằm chống đại dịch Covid-19 cùng với Bộ trưởng Y tế lúc đó là ông Gan Kim Yong. Cùng với ông Gan và sau đó là Bộ trưởng Y tế kế nhiệm Ong Ye Kung, ông Wong đã chỉ đạo công tác ứng phó của Singapore đối với đại dịch, đồng thời đưa ra các chỉ đạo quan trọng.

Tân Thủ tướng Singapore Lawrence Wong tuyên thệ nhậm chức hôm 15.5. Ảnh: NBC News

Tân Thủ tướng Singapore Lawrence Wong tuyên thệ nhậm chức hôm 15.5. Ảnh: NBC News

Từ tháng 5.2021, ông Wong giữ vai trò Bộ trưởng Tài chính Singapore; tháng 4.2022, ông đã được bổ nhiệm vào nhóm lãnh đạo 4G của Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền. Đến tháng 6 cùng năm, ông được bổ nhiệm chức Phó Thủ tướng Singapore; kể từ đó, ông Lawrence Wong đã có những bài phát biểu quan trọng, trong đó có những bài phát biểu thay cho cựu Thủ tướng Lý Hiển Long.

Theo các nhà quan sát chính trị, chính phong cách lãnh đạo kiên định trong thời kỳ đại dịch Covid-19, cũng như sự giải thích rõ ràng về các chính sách và nắm bắt thông tin chi tiết của mình đã giúp ông Lawrence Wong trở thành ứng viên sáng giá cho chức Thủ tướng Singapore.

Tạo cơ hội cho những “gương mặt mới"

Tân Thủ tướng Lawrence Wong cho biết, nếu Chính phủ mới của ông tái cử, ông dự định sẽ luân chuyển các Bộ trưởng trẻ tuổi thuộc thế hệ thứ 4 (thế hệ 4G) giữ những vị trí khác nhau, nhằm giúp họ tích lũy kinh nghiệm khi phải đối mặt với khó khăn, thử thách. Ông nhấn mạnh, những gương mặt mới này sẽ thay thế các bộ trưởng đến tuổi nghỉ hưu vào cuối nhiệm kỳ hoặc không lâu sau đó, với hy vọng sẽ mang lại sức sống mới và làn gió cải cách cho Chính phủ.

Bên cạnh đó, các ứng cử viên mới cũng được bổ nhiệm đảm đương các chức vụ quan trọng trong Nội các ngay từ đầu; ông đặt mục tiêu tiếp tục thay máu Nội các với các thành viên ở độ 30 - 40 tuổi.

Trước đó, khi công bố thời điểm chuyển giao lãnh đạo ở Singapore hồi tháng 4, ông Lawrence Wong cho biết, hệ thống chính trị tại Singapore hoạt động trên cơ sở liên tục và tiếp nối, đồng thời khẳng định chưa bao giờ xảy ra trường hợp tất cả các bộ trưởng lớn tuổi đều từ chức cùng một lúc khi chuyển giao lãnh đạo tại nước này. Ông cho biết thêm, dù nhường vị trí cho những người trẻ tuổi để có cơ hội phát triển hơn, các vị lãnh đạo cấp cao tại Singapore thường vẫn tiếp tục đóng góp cho đất nước theo nhiều cách khác nhau và đây cũng sẽ là cách tiếp cận của ông khi tiếp quản Nội các mới.

Những thách thức trong nước và quốc tế

Giới phân tích nhận định rằng, ông Lawrence Wong tiếp nhận cương vị Thủ tướng trong bối cảnh Singapore đang tiến những bước dài vững chắc trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Theo tờ The Economist, vào thời điểm giành được độc lập cách đây gần 60 năm, Singapore có điều kiện kinh tế khó khăn hơn nhiều nước châu Phi, tuy nhiên sau gần 60 năm, Đảo quốc Sư tử trở thành ngọn hải đăng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trong 20 năm qua, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore tăng hơn gấp đôi. Mức thu nhập trung bình hàng tháng của người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ bất bình đẳng được thu hẹp, với hệ số Gini - thước đo về bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, giảm từ 0,42 xuống 0,37. Hơn nữa, lĩnh vực giáo dục cũng đặc biệt được chú trọng, với mức chi thường xuyên hàng năm tăng từ 5 tỷ đô la Singapore lên tới 12,9 tỷ đô la Singapore, trong giai đoạn 2004 - 2022.

Bên cạnh đó, nền kinh tế Singapore được hưởng lợi từ việc mở rộng mạng lưới Hiệp định Thương mại tự do (FTA), từ con số khiêm tốn 5 hiệp định vào năm 2004, giờ đã tăng lên 27 FTA. Đảo quốc này cũng trở thành điểm du lịch được yêu thích trên thế giới với lượng du khách quốc tế năm 2023 lên đến 13,6 triệu lượt. Tờ Nikkei Asia dẫn lời Giám đốc điều hành Công ty tư vấn BowerGroupAsia Nydia Ngiow, Singapore đã khẳng định vị thế là một trung tâm kinh doanh, thương mại và du lịch toàn cầu. Vị thế này ngày càng được củng cố vững chắc thông qua hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng chiến lược; mạng lưới tàu điện ngầm tăng gấp đôi trong 2 thập niên qua từ 128km lên 259km; hệ thống cảng biển hiện đại và nhộn nhịp hàng đầu thế giới.

Song, tân Thủ tướng sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức như tỷ lệ sinh giảm, chi phí sinh hoạt tăng cao, biến động của nền kinh tế thế giới… Mặc dù Singapore có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn so với các nước châu Á khác, nhưng chi phí sinh hoạt của Singapore cũng tương đối đắt đỏ, đặc biệt là chi phí nhà ở và giáo dục. Theo số liệu thống kê từ cơ quan quản lý nhà ở được Kyodo News trích dẫn, chi phí thuê một căn hộ ở Singapore đã tăng hơn gấp đôi trong hai thập kỷ qua, và quốc gia này thường xuyên đứng đầu trong các cuộc khảo sát hàng năm về các thành phố đắt đỏ nhất thế giới.

Hơn nữa, Singapore cũng phải đối mặt với bài toán nan giải đến từ thực trạng dân số già. Theo ước tính đến năm 2030, cứ bốn công dân Singapore sẽ có một người từ 65 tuổi trở lên. Trong khi đó, tổng tỷ suất sinh của Singapore trong năm 2023 lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống mức dưới 1 còn 0,97 con/phụ nữ, nối tiếp đà giảm liên tục trong hai năm trước đó. Giới phân tích nhận định rằng, tình trạng dân số già không chỉ khiến thị trường lao động Singapore bị thu hẹp, trở thành rủi ro hàng đầu đối với tăng trưởng kinh tế, đồng thời tạo gánh nặng đáng kể lên hệ thống phúc lợi xã hội. Cùng với đó, tạo thêm việc làm và giảm chi phí sinh hoạt đắt đỏ cũng là những thách thức đáng kể đối với các nhà lãnh đạo tại đảo quốc này.

Bên cạnh đó, những căng thẳng địa chính trị và suy giảm kinh tế toàn cầu cũng tác động không nhỏ đến nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Singapore. Năm 2023, kinh tế Singapore chỉ tăng trưởng 1,1%, thấp hơn nhiều so mức 3,8% năm 2022 và 8,9% năm 2021. Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore nhận định, tăng trưởng kinh tế rơi vào tình trạng ảm đạm do nhu cầu toàn cầu đối với hàng xuất khẩu của Singapore giảm mạnh. Cơ quan này cũng cảnh báo, nguy cơ tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại và tình hình địa chính trị toàn cầu bất ổn sẽ tiếp tục là những cơn gió ngược cản đà phát triển của kinh tế Singapore.

Đối mặt với hàng loạt thách thức, các chuyên gia nhận định rằng, để có thể lèo lái được đất nước vững chắc và gặt hái thêm nhiều thành công hơn, tân Thủ tướng sẽ phải đặt mục tiêu củng cố vị thế của đất nước là một trung tâm tài chính, thương mại và công nghệ cao trong khu vực; đồng thời tăng cường các chương trình an sinh xã hội. Về phần mình, ông Lawrence Wong khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế, và xem tăng trưởng là điều kiện tiên quyết để tạo ra việc làm, cũng như nâng cao mức sống cho người dân.

Như Ý

Theo The Economist; Kyodo News; Associated Press

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/singapore-ky-vong-vao-the-he-lanh-dao-moi-i372014/