Xây dựng mô hình điểm về giáo dục pháp luật tại 10 xã vùng biên giới, hải đảo

NDĐT- Sáng 12-11, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Đề án “Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013-2016”.

Đây là một trong sáu đề án được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tương, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân cho biết, tại các vùng biên giới, hải đảo, đa số người dân, nhất là ngư dân còn thiếu kiến thức về pháp luật, nhất là pháp luật quốc tế, về giới hạn ngư trường được đánh bắt. Nhiều tàu đánh cá liều lĩnh quăng chài, thả lưới ngay cả trên những vùng biển thuộc khu vực cấm. Do vậy, lực lượng Hải quân xác định nội dung tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo là hoạt động hết sức quan trọng, đem lại hiệu quả lớn, thiết thực.

Trong khi đó, Chuẩn Đô đốc, Chính ủy Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương đã đưa ra số liệu: Mười tháng đầu năm 2013, số lượng tàu của Việt Nam bị các lực lượng chức năng các nước có vùng biển phía Tây Nam bắt giữ tăng hơn so với năm 2012 là 26 vụ. Nhiều trường hợp do thiếu kiến thức pháp luật, nhất là luật biển, Công ước Quốc tế về Luật Biển dẫn đến nhiều vụ việc đáng tiếc.

Chuẩn Đô đốc Nguyễn Văn Tương cho rằng: Việc giáo dục phổ biến pháp luật, bao gồm cả phổ biến những kiến thức về phòng ngừa và ứng cứu trên biển hết sức quan trọng. Khi người dân biết có lực lượng này, họ sẽ gọi điện thoại trực tiếp đến cho lực lượng chức năng. Khi chúng tôi có thông tin sớm hơn về những vụ tai nạn, rủi ro trên biển, chắc chắn sẽ giảm thiểu những hậu quả về người và tài sản.

Tại Hội nghị, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án đã giao Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chủ trì xây dựng kế hoạch thực hiện đề án từng giai đoạn để trình Thủ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành. Trên cơ sở đó, xây dựng các kế hoạch chi tiết, phối hợp cơ quan chức năng của các bộ, ngành T.Ư, địa phương, cơ quan, đơn vị quân đội có liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch.

Theo đó, Đề án được triển khai tại 44 tỉnh, thành phố có biên giới, hải đảo. Giai đoạn một sẽ xây dựng mô hình điểm về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại 10 xã vùng biên giới, hải đảo thuộc 10 tỉnh: Lào Cai, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Kom Tum, An Giang, Sóc Trăng, Bà Rịa-Vũng Tàu nhằm thực hiện các hoạt động phổ biến pháp luật.

Những hoạt động chính gồm: Tổ chức sinh hoạt “Ngày pháp luật” tại các đồn biên phòng, đơn vị hải quân, cảnh sát biển và các xã vùng biên giới, hải đảo; Tổ chức xét xử lưu động một số vụ án hình sự, xây dựng các câu lạc bộ, trung tâm tư vấn pháp luật-hướng nghiệp, thành lập các tổ, đội Tuyên truyền văn hóa của Bộ đội Biên phòng để phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo bằng hình thức sân khấu hóa. Đề án cũng tập trung tập huấn nghiệp vụ, phổ biến pháp luật và nghiệp vụ cho cán bộ cấp xã, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, đồng bào dân tộc, chức sắc tôn giáo ở các xã vùng biên giới, hải đảo…

Sau khi xây dựng mô hình điểm thành công, Ban chỉ đạo sẽ nhân rộng ra 44 tỉnh, thành phố có biên giới, hải đảo. Quán triệt tinh thần Hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo đề án nhấn mạnh, việc tổ chức triển khai thực hiện đề án là hết sức quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt góp phần bảo đảm an ninh crính trị, an toàn xã hội. Bên cạnh đó, đề án cũng góp phần nâng cao nhận thức, bảo đảm việc chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khu vực biên giới, hải đảo tốt hơn.

THÁI SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/21633302-xay-dung-mo-hinh-diem-ve-giao-duc-phap-luat-tai-10-xa-vung-bien-gioi-hai-dao.html