Xây dựng mô hình 'Dân vận khéo' gắn với lợi ích thiết thân của hội viên, phụ nữ

Thấm nhuần lời Bác dạy: 'Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công', thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã sáng tạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua 'Dân vận khéo'. Các mô hình, điển hình 'Dân vận khéo' được xây dựng gắn với lợi ích thiết thân của phụ nữ đã thực sự mang lại hiệu quả, được nhân rộng, qua đó khơi dậy và phát huy tiềm năng của phụ nữ, tham gia có hiệu quả vào các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.

Năm 2023, phụ nữ xóm Cầu, xã Yên Từ (Yên Mô) xây dựng mô hình đường cau dài 700m với trên 1.400 cây, tạo không gian sống xanh, sạch, đẹp. Đây là một trong những mô hình "Dân vận khéo" tiêu biểu của phụ nữ xã Yên Từ.

Đồng chí Vũ Thị Hà, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ: Triển khai phong trào thi đua "Dân vận khéo", Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã xây dựng 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đó là: xây dựng các chỉ tiêu thi đua thực hiện, đảm bảo khoa học, phù hợp với tình hình thực tế; các tiêu chí đánh giá mô hình "Dân vận khéo" hiệu quả phải là mô hình được lãnh đạo địa phương ghi nhận, đánh giá cao, được đông đảo phụ nữ, nhân dân hưởng ứng; việc lựa chọn xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình, điển hình phải đảm bảo hiệu quả, thực chất, tránh hình thức. Trong quá trình triển khai thực hiện, các cấp Hội coi trọng việc tổ chức tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ Hội, nhất là các chi hội trưởng về kỹ năng làm công tác dân vận và phương pháp xây dựng các mô hình, điển hình "Dân vận khéo". Tổ chức tham quan, học tập mô hình hiệu quả và đánh giá rút kinh nghiệm trước khi nhân diện rộng. Với cách làm bài bản, khoa học và trên cơ sở nhận thức đúng đắn, nhiều Hội cơ sở đã kiên trì, sáng tạo trong cách thức triển khai phong trào, qua đó đem lại lợi ích thiết thực cho phụ nữ, nhân dân, từ đó có sức lan tỏa trong cộng đồng.

Bám sát sự chỉ đạo của Hội LHPN tỉnh, các cơ sở Hội trong toàn tỉnh đã triển khai thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" gắn với thực hiện nhiệm vụ của tổ chức Hội và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong đó chú trọng nhân diện các mô hình mang thương hiệu của Hội, như mô hình: "Đường cây, đường hoa phụ nữ"; "Nhà sạch, vườn đẹp", đường đẹp, phố đẹp; "Chi hội thu hút 100% phụ nữ Công giáo/dân tộc Mường tham gia tổ chức Hội"; thành lập và duy trì hoạt động CLB Dân vũ thể thao… Đồng thời tích cực thực hiện tốt công tác vận động hội viên, phụ nữ chấp hành chính sách giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh. Các cấp Hội chủ động phối hợp với Công an tổ chức các buổi sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề "An toàn cho phụ nữ, trẻ em trên không gian mạng"; phối hợp với Đoàn thanh niên, Ban CHQS các xã, phường, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thanh niên vững bước lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ công an nhân dân…

Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương và nhu cầu của hội viên, phụ nữ, các cấp Hội còn tổ chức triển khai xây dựng nhiều mô hình mới. Trong năm 2023, các cấp Hội đã xây dựng mới 106 mô hình "Dân vận khéo". Tiêu biểu là các mô hình: Mô hình chi hội phụ nữ kiểu mẫu tại xã Khánh Cư (Yên Khánh), đến nay đã nhân diện tại 40 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Mô hình "Gia đình 5 có, 3 sạch", đến nay đã nhân diện tại 63 chi hội phụ nữ, ở 55 cơ sở thuộc các xã NTM nâng cao, kiểu mẫu và khu vực đô thị; mô hình "Mười phút sạch nhà, sạch ngõ" tại xã Ninh Hòa, hiện nay được cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, hỗ trợ triển khai ra 11 xã, thị trấn của huyện.

Sự vào cuộc tích cực của các cấp Hội Phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở, phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã thực sự có sức lan tỏa. Hiện nay, các cấp Hội tiếp tục duy trì 304 mô hình, điển hình "Dân vận khéo". Trong đó có 40 mô hình trên lĩnh vực phát triển kinh tế, 179 mô hình trên lĩnh vực văn hóa-xã hội, 26 mô hình trên lĩnh vực an ninh-quốc phòng, 55 mô hình trên lĩnh vực xây đựng hệ thống chính trị và 4 điển hình "Dân vận khéo".

Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo", đồng chí Vũ Thị Hà, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho rằng đối với mỗi mô hình, điển hình sẽ có những nội dung, yêu cầu và phương pháp cụ thể riêng, khác nhau, song về cơ bản cần xác định rõ mục tiêu cụ thể theo từng tháng, quý; kiên trì thực hiện thường xuyên, liên tục, tạo thành thói quen, tạo dư luận để thúc đẩy cùng làm. Phát huy tính tự chủ, sáng tạo của cơ sở, của chị em, phụ nữ, làm cho họ tự nhận thức và thấy cần thay đổi. Đặc biệt, phải phát huy tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ Hội, chủ động tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào; phải tôn trọng, lắng nghe và thực sự thấu hiểu để cùng đồng hành với hội viên, phụ nữ trong triển khai thực hiện phong trào.

Để phong trào đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thực chất, điều tiên quyết là các cấp Hội cần xác định nội dung phù hợp với nhu cầu thiết thân, thiết thực của phụ nữ gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh. Có như vậy, khi triển khai các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" mới nhận được sự đồng tâm, hợp lực của các cấp, các ngành và sức chung tay, góp sức từ hội viên, phụ nữ.

Bài, ảnh: Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/xay-dung-mo-hinh-dan-van-kheo-gan-voi-loi-ich-thiet-than-cua/d20240306150640696.htm