Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP

Chương trình OCOP đã được triển khai sâu rộng tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, từ đó xây dựng được nhiều sản phẩm thế mạnh, không chỉ tiêu thụ rộng rãi ở thị trường trong tỉnh mà còn tham gia vào thị trường xuất khẩu. Thông qua việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ, sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa đã trở nên quen thuộc, ngày càng đến gần hơn với người tiêu dùng.

Sản phẩm của HTX Nông nghiệp xanh Duy Linh (Quan Sơn) được quảng bá, giới thiệu tại TP Thanh Hóa dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Sau gần 5 năm triển khai, tỉnh Thanh Hóa đã phát triển được 469 sản phẩm OCOP. Khảo sát đánh giá tại các cơ sở sản xuất và các chủ thể OCOP của ngành chuyên môn cho thấy, các sản phẩm sau khi được công nhận xếp hạng OCOP cấp tỉnh đều tăng trưởng cả về quy mô, số lượng và doanh thu bán hàng khoảng 15 - 20%. Để duy trì sự phát triển, các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP của tỉnh đã chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư máy móc, kỹ thuật hiện đại và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm. Từ đó, hình thành các vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị, với nhiều sản phẩm OCOP được tiêu thụ tại các chuỗi cửa hàng, siêu thị uy tín trên cả nước.

Miến gạo Thăng Long, xã Thăng Long (Nông Cống) là một trong những sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể và được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao. Ông Trương Hữu Hoa, Giám đốc HTX Dịch vụ miến gạo Thăng Long, cho biết: "Để xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững, HTX đã hướng dẫn người dân phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo phục vụ sản xuất. Đồng thời, tập huấn cho các hộ thành viên đầu tư máy móc sản xuất theo tiêu chuẩn quy định để tạo ra sản phẩm chất lượng. Cùng với đó, HTX luôn chú trọng quảng bá, phát triển thị trường tiêu thụ và thu mua, hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm. Khi đã xây dựng được quy trình sản xuất đạt chuẩn, sản phẩm uy tín chất lượng, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng thì sản phẩm phát triển bền vững, khẳng định được vị thế trên thị trường". Đến nay, sản phẩm miến gạo Thăng Long không chỉ được tiêu thụ qua kênh truyền thống tại chợ, đại lý, gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP mà còn được bán rộng rãi trên nền tảng số; doanh thu hàng năm đạt gần 20 tỷ đồng.

Nhằm nâng cao tính cạnh tranh và giá trị kinh tế cho sản phẩm OCOP, nhiều chủ thể đã chú trọng đăng ký mã số, mã vạch cho sản phẩm; quan tâm mẫu mã, bao bì đóng gói, nhãn mác, chứng nhận về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ, khoa học công nghệ, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử... Mặc dù phát triển tại huyện miền núi Quan Sơn, song HTX Nông nghiệp xanh Duy Linh đã xây dựng, phát triển được 2 sản phẩm OCOP 3 sao là nếp Cay Nọi Mường Xia và thịt bò khô Mường Hạ. Bà Phạm Thị Tý, Giám đốc HTX cho biết: “HTX đặc biệt chú trọng đến quy trình sản xuất an toàn từ nguyên liệu đến thành phẩm. Việc xây dựng chuỗi liên kết góp phần nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của các thành viên và hộ tham gia. Nguyên liệu gạo, thịt bò được HTX liên kết với các hộ nông dân trên địa bàn, sản xuất theo quy trình VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất tiêu chuẩn, bền vững, hiện nay, HTX có đủ năng lực cung ứng khoảng 5 tấn gạo, 10 tấn thịt trâu khô cho thị trường trong, ngoài tỉnh. Ngoài ra, HTX còn liên kết hỗ trợ người dân địa phương tiêu thụ một số mặt hàng nông sản, đặc sản vùng miền.

Theo đánh giá của Tổ quản lý Chương trình OCOP (Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa), việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP là một trong những giải pháp thiết thực, không chỉ giúp các chủ thể chủ động được nguồn nguyên liệu để cung ứng theo nhu cầu của thị trường, khách hàng mà còn giúp chủ thể duy trì, bảo đảm được chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quy định. Hiện nay, trong số 469 sản phẩm OCOP của tỉnh thì có hơn 300 sản phẩm (đạt khoảng 65%) đã xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, hầu hết các sản phẩm đã mở rộng được thị trường tiêu thụ trong, ngoài tỉnh và có 25 sản phẩm OCOP tham gia xuất khẩu sang các thị trường khó tính, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản...

Nhằm phát huy hiệu quả của các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm OCOP, tỉnh đã và đang triển khai các hoạt động liên kết, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu giữa các chủ thể có sản phẩm OCOP với các siêu thị, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, ngoài chính sách chung của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố cũng quan tâm hỗ trợ chủ thể hình thành vùng nguyên liệu, đào tạo lao động, đầu tư nâng cấp hệ thống sản xuất và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người dân, nhất là ở khu vực nông thôn.

Bài và ảnh: Lê Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/review-ocop/xay-dung-chuoi-lien-ket-tieu-thu-san-pham-ocop/207078.htm