Xanh hóa trong sản xuất, gia tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp

Xanh hóa trong sản xuất là xu hướng tất yếu của cộng đồng doanh nghiệp (DN), đây cũng là giải pháp giúp DN nâng cao năng lực, chinh phục thị trường xuất khẩu.

Tại hội thảo chuyên đề “Xanh hóa” năng lượng trong sản xuất với giải pháp điện mặt trời áp mái (điện mặt trời mái nhà) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Công ty CP Global PR Hub tổ chức vào chiều ngày 8/5, nhiều doanh nghiệp đã ý thức được vai trò quan trọng của việc xanh hóa trong hoạt động sản xuất kinh doanh, và một trong những giải pháp đang được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm đó là điện mặt trời mái nhà.

Xanh hóa trong sản xuất đang được đánh giá là xu hướng tất yếu của doanh nghiệp

Chia sẻ tại sự kiện, ông Trần Hải Đăng - Tổng giám đốc điều hành Công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật Hàng Không (AESC) cho biết: AESC là một doanh nghiệp có quy mô khoảng 200 cán bộ, công nhân viên, có nhà máy tại Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội), chuyên sửa chữa trang thiết bị cho ngành hàng không, cụ thể là máy bay.

“Với vai trò là một doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường, chúng tôi đang học hỏi để chuyển đổi sang sản xuất xanh” - ông Trần Hải Đăng thông tin và cho biết, không chỉ AESC, hiện rất nhiều doanh nghiệp đang mong muốn hướng tới mục tiêu sản xuất xanh.

Ông Nguyễn Đức Bình – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Xanh hóa sản xuất, giảm phát thải carbon đang là xu hướng chung toàn cầu, với hàng loạt các tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử có trách nhiệm với môi trường, xã hội và quản trị (ESG) được đưa vào áp dụng cho các nhà cung cấp.

Để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xanh hóa trong sản xuất, thực tế trong những năm qua, VCCI cùng với các đối tác trong nước và quốc tế đã có nhiều hoạt động, chương trình, dự án hỗ trợ cộng đồng và doanh nghiệp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, trong đó có các chương trình tư vấn đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng liên quan đến các chủ đề như: Xanh hóa sản xuất, chuyển dịch Năng lượng, kiểm toán năng lượng, kiểm kê khí nhà kính, thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon,… nhằm chia sẻ và cập nhật thông tin về các chính sách nổi bật trong ngành năng lượng và các kết quả nghiên cứu của các chương trình, dự án hỗ trợ “xanh hóa”, hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng giải quyết các thách thức về năng lượng, góp phần hiện thực hóa cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Ngành dệt may - thời trang hướng tới sản xuất xanh, bền vững

Thông tin tại hội thảo cũng cho thấy, một trong những giải pháp đang được nhiều doanh nghiệp chú trọng nhằm xanh hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh đó là lắp điện mặt trời mái nhà. Cụ thể, theo ông Trần Quốc Hải – đại diện đến từ SP Group: Hiện các doanh nghiệp có nhu cầu lắp đặt điện mặt trời mái nhà rất cao. Đặc biệt theo chia sẻ của các chuyên gia tại hội thảo, việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, không thể giúp nâng cao khả năng cạnh tranh mà còn giúp sản phẩm của doanh nghiệp đáp ứng tốt hơn nhu cầu tại các thị trường khó tính.

“Doanh nghiệp đang có hàng hóa vào những thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, nếu không đạt tiêu chuẩn về phát thải thì phải trả tiền thuế” – ông Phạm Đăng An - Phó Tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group chia sẻ. Như vậy, xanh hóa sản xuất không chỉ đơn giản là cam kết cùng với Chính phủ thực hiện phát thải ròng bằng 0 như cam kết, mà đó còn là cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh.

Có thể nói, điện mặt trời mái nhà đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, tuy nhiên, để thuận lợi cho việc thực hiện lắp đặt, bên cạnh tìm hiểu kỹ cơ chế, chính sách, các chuyên gia cho rằng điều quan trọng là doanh nghiệp phải chọn được đơn vị tư vấn uy tín, có kinh nghiệm và bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy.

Về phía cơ quan chức năng, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện lắp đặt điện mặt trời mái nhà, phát biểu tại hội thảo, ông Ngô Văn Trường - Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương cho biết: Hiện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đang tham mưu cho Bộ Công Thương trình Chính phủ Nghị định quy định về cơ chế, chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu. Hiện dự thảo Nghị định đã được đăng thông tin trên cổng thông tin của Bộ Công Thương và gửi các cơ quan, ban ngành để lấy ý kiến, nhằm hoàn thiện nội dung và thủ tục ban hành theo quy định của pháp luật.

Nói về sự cần thiết của Nghị định trên, ông Ngô Văn Trường cho rằng, ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nêu “Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước”.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương nghiên cứu, trình, ban hành chính sách về phát triển điện mặt trời mái nhà. Qua đó, Bộ Công Thương nhận thấy cần phải đề xuất Chính phủ xây dựng Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để đáp ứng nhu cầu lắp đặt của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xanh-hoa-trong-san-xuat-gia-tang-nang-luc-canh-tranh-cho-doanh-nghiep-318998.html