Xã Nhật Tân (Kim Bảng, Hà Nam): Báo động tình trạng tận diệt chim trời

QĐND - Từ nhiều đời nay, người dân ở xã Nhật Tân (Kim Bảng, Hà Nam) vẫn truyền nhau câu nói: “Tháng ba săn cò bợ, tháng tám săn cò giò”. Nhưng một vài năm nay, không cần đợi đến mùa, mà về xã Nhật Tân, thực khách vẫn dễ dàng kiếm được món chim trời đặc sản trong các nhà hàng. Và, vì thế chim trời đang bị tận diệt nghiêm trọng...

Với lợi thế khí hậu, thiên nhiên, đất đai trù phú của vùng đồng quê chiêm trũng, xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng được ví là nơi “đất lành chim đậu”. Chính vì vậy, từ nhiều đời nay người dân nơi đây có thêm nghề săn bắt chim trời.

Anh Nguyễn Văn Hải, một người dân trong vùng dẫn chúng tôi đi thực tế, cho biết: “Ở quê tôi làm cỗ mà thiếu món thịt chim thì chưa gọi là cỗ, khách đến nhà đãi món thịt chim, liên hoan gặp mặt bạn bè, đám cưới cũng vậy”.

Quả thật, đi từ đầu xã đến cuối xã chúng tôi bắt gặp khá nhiều nhà hàng với những biển quảng cáo, băng-rôn to với hình ảnh chim, cò đủ loại. Một số nhà hàng còn gây ấn tượng với thực khách bằng cách treo cả lồng chim ngoài cổng.

Một góc nhà hàng ở xã Nhật Tâm, các đầu bếp đang làm thịt chim phục vụ nhu cầu của thực khách.

Ghé vào quán mang tên Ông Vệ, chúng tôi thấy thực khách ngồi kín cả phòng. Chủ quán dẫn chúng tôi vào ngồi buồng trong nhà vì buồng ngoài hết chỗ. Nhìn lồng chim để sẵn trước cổng, bên trong là những chú vạc, chim, gà đồi, tôi ướm hỏi chủ quán: “Anh ơi, bao tiền một con vạc?”. Chủ quán liền bảo: “Chỗ đó người ta đặt mua để làm quà lên Hà Nội rồi, cả lồng này là 2,5 triệu đồng. Nếu các anh có nhu cầu, tôi gọi điện bảo họ mang đến”.

Được biết, chim, cò ở đây chủ yếu là do dân trong vùng đi bẫy về và bày bán nhiều ở các chợ địa phương, các nhà hàng mua lại. Đi ra phía sau nhà hàng, tôi tận mắt chứng kiến một rừng chim thu nhỏ bị nhốt chặt trong rọ với những tiếng kêu réo rắt. Trên diện tích khoảng 20m2, chủ quán bố trí nhiều lồng, bệ, nhốt chim sống, khu giết mổ, khu nấu nướng. Trên cao treo lồng chim bồ câu, tiếp đến là vạc, gà đồng, một vài chú cò bị trói chặt chân ở cột nhà, đôi mắt bị khâu chỉ. Dưới đất là một bao lưới to nhốt hàng trăm con chim sẻ. Chị đầu bếp mở túi bắt những con chim, bẻ nghéo cổ, vặt lông, rồi ném vào một thùng nước bên cạnh. Chỉ một loáng đã có 7 con chim được mổ bụng, tẩm ướp và chao vào chảo mỡ đang sôi sùng sục để chiên, rán.

Thịt chim được chế biến thành nhiều loại như xào, nướng, hấp... Thực đơn: Chim dẽ là 40.000 đồng/con, gà đồng là 100.000 đồng/con, chim sẻ là 9000 đồng/con, cò là 50.000 đồng/con… Riêng các loại chim quý như: Sâm cầm, móng két thì giá 250.000/kg, vịt trời là 450.000 đồng/con, giang 250.000 đồng/con…

Lãi từ đặc sản chim trời khá lớn, cho nên cứ vào chính mùa săn chim thì nhà nhà ra đồng, mở hàng quán bán chim. Không ít người ở xã Nhật Tân này thành đại gia nhờ chim trời. Không phải chỉ có một nhà hàng mà là hệ thống nhà hàng, tận Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam với những tên quán như “Dân tộc”, “Hồn quê”... được rao mời trên cả internet.

Anh Hải giải thích cho chúng tôi hiểu: Cứ tháng ba, tháng tám, nhìn thấy lúa chớm đỏ đuôi, nước ngang thân lúa, tôm tép, cá cua, ốc, cào cào, châu chấu sinh sôi nảy nở là cò vạc từ trên núi mò xuống ruộng kiếm mồi. Vào mùa này chỉ săn những loại cò con sót lại nhưng cũng nhiều vô kể. Chúng thường đậu thành đàn đặc kín trên ngọn cây sau núi.

Làm sao để bắt được nhiều chim cò như vậy? Tôi hỏi và được anh Hải vui vẻ cho biết: “Dễ ợt ! Đến đại bàng, tu hú, vẹt đỏ còn bị bắt chứ nói gì loài cò thật như đếm ấy. Bí quyết bắt cò nằm ở thứ keo nhựa thông do người dân lấy trên rừng về, bán nhiều ở Nhật Tân. Nhưng muốn chim dính bẫy phải có “công nghệ”. Đó là một bó que tre dài khoảng 40 phân, vót nhỏ hơn thân đũa, đầu có dính keo. Cứ hai que tre thành một cặp, đem cắm ở bờ ruộng, que nọ cách que kia 25cm. Trên một mét vuông cắm khoảng 3-4 cặp que như vậy. Xung quanh đó là một bờ ruộng nhỏ làm chỗ cho cò mồi. Cò mồi thường là cò thật, hai con một buộc chặt chân vào nhau có dây giật ở hai cánh. Khi thấy đàn cò xuất hiện trên trời, người đi săn đứng ở xa giật dây làm hai cánh cò mồi vẫy vẫy, vờ như cò đang sà xuống bờ ruộng kiếm ăn. Thấy vậy đàn cò trên trời đồng loạt hạ cánh. Lúc đáp bờ, cánh chim đang xòe định cụp lại thì lập tức dính vào nhựa keo ở đầu que tre.

Còn ông chủ quán thì cho rằng: “Mặc dù nhiều loài chim đang thuộc diện cấm săn bắt, thế nhưng với người dân địa phương thì đó là loại phá lúa, không bắt thì nó phá hoại hết mùa màng. Bắt chim trời là "nhất cử lưỡng tiện", mùa màng không bị thất bát, lại có thêm thu nhập...".

Trước những gì "mắt thấy tai nghe" ở Nhật Tân, chúng tôi không khỏi băn khoăn, lo lắng. Nếu tình trạng này cứ mãi kéo dài thì tương lai không xa ở Nhật Tân sẽ hết các loại chim trời. Ở nước ta đã có không ít mô hình bảo tồn chim hoang dã, như Vườn cò của bà Vũ Thị Khiêm ở tỉnh Vĩnh Phúc hay đảo cò Hồ Nga ở Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đây là những khu du lịch sinh thái đặc biệt vì là nơi cư ngụ của loài cò hàng chục năm nay, được sự quản lý chặt chẽ của người dân và Nhà nước. Rất mong chính quyền xã Nhật Tân và huyện Kim Bảng, cùng các cơ quan chức năng sớm có biện pháp bảo vệ đàn chim hoang dã ở địa phương mình, trước hết nên vận động người dân trong vùng không săn bắt, buôn bán chim trời.

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/dieu-tra/xa-nhat-tan-kim-bang-ha-nam-bao-dong-tinh-trang-tan-diet-chim-troi/310316.html