Xã 'giúp' nhà máy nhựa không phép mọc trong khu dân cư

Dù chỉ mới được thống nhất chủ trương cho phép nghiên cứu đầu tư, chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý về đất đai, xây dựng nhưng Cty TNHH MTV Da Nang Plastic (viết tắt: Cty Da Nang Plastic) đã huy động công nhân, phương tiện thi công rầm rộ Nhà máy sản xuất và gia công áo mưa, bao bì, hạt nhựa, tấm màng nhựa các loại (viết tắt: nhà máy) tại thôn Đông Lãnh, xã Điện Trung, TX Điện Bàn, Quảng Nam. Khi phát hiện vụ việc, chính quyền và ngành chức năng đã yêu cầu Cty này dừng ngay việc xây dựng. Phớt lờ lệnh này, nhà máy vẫn dần hoàn thiện bằng việc bật đèn xanh của xã Điện Trung.

Người dân thôn Đông Lãnh đang lo ngại về nguy cơ ô nhiễm môi trường khi nhà máy tồn tại, hoạt động trong khu dân cư. Ảnh: C.KHANH

Cấp trên "tuýt còi", cấp dưới "bật đèn xanh"

Sau thời gian xem xét đề nghị của Cty Da Nang Plastic và thực tế ở địa phương, ngày 15-4-2016, UBND TX Điện Bàn có tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc xem xét thống nhất chủ trương cho phép đầu tư dự án song song với việc hoàn tất các thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, chỉ mấy ngày sau, Cty này đã huy động phương tiện, công nhân gấp rút thi công nhà máy mà chưa hề có các loại giấy phép cần thiết theo quy định của pháp luật.

Từ phản ánh của người dân địa phương, UBND TX Điện Bàn đã chỉ đạo Đội Kiểm tra quy tắc đô thị tiến hành kiểm tra và phát hiện Cty này chưa hề có giấy phép xây dựng nên lập biên bản đình chỉ thi công, đồng thời yêu cầu Cty này phải hoàn thành thủ tục theo quy định. Phớt lờ yêu cầu của ngành chức năng, chỉ vài ngày sau, công trình xây dựng nhà máy tiếp tục được triển khai với tiến độ "thần tốc" hơn. Đến ngày 31-8, qua kiểm tra, Cty vẫn chưa hề có giấy phép xây dựng cũng như các loại hồ sơ, thủ tục pháp lý nên lực lượng chức năng tiếp tục yêu cầu tạm dừng thi công.

Theo ông Nguyễn Đình Chấn, Đội trưởng Đội Kiểm tra quy tắc đô thị TX Điện Bàn, Cty này thiếu giấy phép xây dựng có nghĩa là còn thiếu nhiều giấy phép khác như đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy, giấy phép giao đất... Khi được hỏi doanh nghiệp làm theo kiểu "tiền trảm hậu tấu", coi thường pháp luật như vậy thì trách nhiệm thuộc về ai, ông Chấn khẳng định: "Sát sườn là UBND xã Điện Trung. Họ xây dựng ngay cạnh trụ sở xã, đáng lẽ Chủ tịch xã phải thông tin kịp thời để lực lượng chức năng đi kiểm tra, xử lý. Họ xây dựng trái phép kiểu này mà lỡ có sự cố gì xảy ra, quy tắc đô thị phải chịu trách nhiệm thì đúng rồi, nhưng mà chủ tịch xã Điện Trung chịu trước đã".

Dù UBND TX Điện Bàn và ngành chức năng khẳng định đã yêu cầu Cty Da Nang Plastic dừng thi công trong thời gian hoàn chỉnh hồ sơ nhưng theo quan sát của P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, chiều 10-10, công nhân vẫn tiếp tục thi công một số hạng mục của nhà máy cũng như các công trình khối văn phòng. Một người dân cho biết: "Chúng tôi không hiểu vì sao một nhà máy như thế lại mọc lên trong khu dân cư. Giải quyết việc làm cho người dân địa phương là quý nhưng không biết hậu quả về ô nhiễm môi trường sẽ như thế nào. Thị xã nói tạm dừng thi công, còn chúng tôi thấy họ làm suốt ngày, giờ nhà máy mọc chình ình lên rồi".

Dù bị yêu cầu dừng thi công nhưng nhà máy và các công trình khác của dự án vẫn đang được hoàn thiện. Ảnh: C.KHANH

"Xã nhiệt tình quá mức"!

Điều khó hiểu là công trình nằm ngay cạnh UBND xã Điện Trung nhưng trong suốt thời gian bị đình chỉ, tạm dừng thi công, rất nhiều công trình thuộc dự án có tổng diện tích 9.000m2 vẫn dần dần được hoàn thiện. P.V đã liên hệ để làm việc với lãnh đạo xã Điện Trung nhưng được cán bộ Văn phòng báo cả Chủ tịch và Phó Chủ tịch xã đều đi vắng.

Ông Trần Úc, Chủ tịch UBND TX Điện Bàn hết sức ngạc nhiên khi biết Cty Da Nang Plastic coi thường lệnh cấm, tiếp tục cho thi công nhà máy một cách gấp rút trong những ngày qua. "Tôi đảm bảo với các anh là chính quyền thị xã và ngành chức năng đã yêu cầu Cty này tạm dừng thi công. Chúng tôi cam kết sẽ lập tức kiểm tra và xử lý nghiêm", ông Úc cương quyết. Ông cũng khẳng định, chủ trương cho xây dựng nhà máy gần như là một đặc cách, chính quyền từ cấp tỉnh tạo điều kiện để doanh nghiệp có môi trường thông thoáng đầu tư, người dân cũng được hưởng lợi. Tuy vậy, ông cho rằng: "Có vừa chạy vừa xếp hàng thì cũng phải tuân thủ quy định cần thiết. Doanh nghiệp phải có đánh giá tác động môi trường, lập dự án, hoàn thành thủ tục đất đai. Chứ như thế là không ổn".

Khi được hỏi trong câu chuyện "đã rồi" này, trách nhiệm thuộc về ai, ông Úc cũng khẳng định, là của lãnh đạo xã Điện Trung, cụ thể là Chủ tịch và Phó Chủ tịch xã phụ trách. Hỏi liệu có phải xã đã qua mặt cấp trên để bật đèn xanh cho doanh nghiệp tự tung tự tác, ông Úc nói: "Xã đã nhiệt tình quá mức. Tôi khẳng định trách nhiệm trước hết thuộc về xã. Tôi đã khiển trách, rút kinh nghiệm đối với anh Sơn (ông Phạm Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Trung), phải tạo điều kiện, nhưng đừng có để doanh nghiệp họ dắt mũi mình đi như vậy".

Trao đổi với P.V, lãnh đạo các cơ quan chức năng của thị xã Điện Bàn cũng như người dân lo ngại về những ảnh hưởng trước mắt cũng như hệ lụy mà nhà máy mang lại sẽ như Nhà máy thép Việt-Pháp từng gây ra cho người dân P. Điện Nam Đông (TX Điện Bàn) và hiện tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương di dời lên địa bàn H. Nam Giang (Quảng Nam) đang gây bức xúc trong dư luận. Ông Trần Úc cho biết, đáng lẽ Nhà máy phải nằm trong Khu công nghiệp chứ không phải trong khu dân cư. Khi được tỉnh đồng ý chủ trương với các điều kiện đi kèm, xã đã nôn nóng làm công tác di dời, giải tỏa để dự án triển khai nhanh mà không quan tâm đến thủ tục. "Mình có Nhà máy thép Việt-Pháp đã chết rồi, giờ chịu không nổi, nuốt không trôi, khổ ghê gớm".

Công Khanh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_156002_xa-giu-p-nha-ma-y-nhu-a-khong-phe-p-mo-c-trong-khu.aspx