Vượt lên nỗi đau da cam

Chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ, song những mất mát, đau thương vẫn hiện hữu trong không ít gia đình những người từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên khắp các vùng quê do di chứng chất độc hóa học quân đội Mỹ rải xuống chiến trường miền Nam.

Cha con cựu chiến binh - nạn nhân chất độc da cam Dương Viết Lý ở thôn Dân Chủ, xã Thượng Long, huyện Yên Lập

(baophutho.vn) - Chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ, song những mất mát, đau thương vẫn hiện hữu trong không ít gia đình những người từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên khắp các vùng quê do di chứng chất độc hóa học quân đội Mỹ rải xuống chiến trường miền Nam. Trong trận chiến đấu mới không tiếng súng, bằng ý chí, nghị lực kiên cường của bộ đội Cụ Hồ, họ đã mạnh mẽ vượt lên nỗi đau da cam, vươn lên trong cuộc sống.
Nỗ lực vượt khó
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Hữu Thiện ở thôn Dân Chủ, xã Thượng Long, huyện Yên Lập vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7) và Ngày vì nạn nhân chất độc Da cam/dioxin (NNCĐDC) Việt Nam (10/8). Trong ngôi nhà hai tầng nằm giữa những quả đồi bao quanh bởi màu xanh của quế và cây nguyên liệu, chúng tôi được nghe ông kể về cuộc đời binh nghiệp của mình. Năm 1974, ông Thiện khi đó vừa tròn 18 tuổi đã tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ. Sau ba tháng huấn luyện, ông được biên chế vào đơn vị đặc công bộ binh thuộc C20 Sư đoàn 10, Binh đoàn Tây Nguyên, tham gia chiến đấu ở các cánh rừng Tây Nguyên, từ Đường 9-Khe Sanh đến Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam năm 1975, rồi giúp nước bạn Campuchia.Trong một lần nghỉ phép (năm 1981), cha mẹ hai bên se duyên cho ông Thiện và cô thôn nữ xóm bên nên vợ chồng. Sau hai năm, gia đình đón đứa con gái đầu lòng tên là Nguyễn Thị Hòa. Đứa bé sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng bốn tuổi mới biết đi, ốm đau quanh năm. Thương con, thương vợ cứ có dịp về phép là ông lại đưa con đi các bệnh viện chạy chữa, nhưng bệnh tình không thuyên giảm do di chứng chất độc hóa học từ chính ông để lại. Sau thời gian dài phục vụ trong quân ngũ, ông Thiện được nghỉ chế độ hưởng mức trợ cấp 61% đối với người tham gia kháng chiến bị hậu quả trực tiếp của chất độc hóa học. Tiếp nối truyền thống bộ đội Cụ Hồ, với trách nhiệm là Chi hội phó Chi hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Thượng Long, ông luôn đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào do các cấp phát động; động viên các con phát triển kinh tế, chăm lo xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc. Đến nay gia đình ông có hàng trăm cây quế cho thu hoạch, chăn nuôi cá, gà, vịt, lợn, mỗi năm thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Vừa là đồng đội và cũng ở cùng xã với ông Thiện là cựu chiến binh Nguyễn Văn Dũng- Chi hội trưởng Chi hội nạn nhân chất độc Da cam/dioxin xã Thượng Long, huyện Yên Lập- người luôn nỗ lực vì công việc chung của thôn, xóm và các gia đình hội viên, nạn nhân. Ông chia sẻ: “Ngày trở về, dẫu mang trong mình chất độc hóa học, nhưng tôi đã may mắn hơn hàng trăm, hàng ngàn đồng đội nằm xuống nơi chiến trường. Thế nên, dù cuộc sống thường nhật có khó khăn, vất vả đến đâu, tôi cũng không đầu hàng”. Trở về sau cuộc chiến, nhiều người là thương binh, bệnh binh, bị phơi nhiễm chất độc hóa học, vượt lên số phận nghiệt ngã, những người lính năm xưa nay về với đời thường tích cực tham gia vào các hoạt động tại địa phương, nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nông thôn mới. Nhiều cán bộ Hội tuổi cao, sức khỏe yếu do bệnh tật và hầu hết không có phụ cấp, song bằng sự nhiệt huyết, lòng nhân ái, họ đã động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ, vận động các hội viên, nạn nhân đóng góp xây dựng quỹ hội tạo nguồn kinh phí từ 20-65 triệu đồng để thăm hỏi các hội viên, nạn nhân khi ốm đau, hiếu, hỷ; cho vay không tính lãi để phát triển kinh tế. Điển hình như ở các Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Trưng Vương (TP Việt Trì), Vĩnh Lại, Tiên Kiên, Cao Xá (Lâm Thao), thị trấn Hạ Hòa (Hạ Hòa), Xuân An, Lương Sơn, thị trấn Yên Lập (Yên Lập). Không những đóng góp quỹ hội để hỗ trợ nhau, các hội viên, nạn nhân còn tích cực tham gia hiến hàng ngàn mét vuông đất, ngày công lao động và ủng hộ trên 100 triệu đồng xây dựng nông thôn mới. Điển hình như các huyện hội: Cẩm Khê, Hạ Hòa, Thanh Sơn, Yên Lập…

Các cựu chiến binh nạn nhân chất độc da cam huyện Yên Lập động viên nhau thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình.
Xoa dịu nỗi đau
Thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các gia đình có công với cách mạng, các gia đình thương binh, liệt sĩ, nạn nhân chất độc da cam/dioxin như: Trợ cấp thường xuyên và đột xuất, hỗ trợ chăm sóc nuôi dưỡng tại cộng đồng, tại các cơ sở bảo trợ xã hội, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, học bổng và tìm kiếm việc làm, giúp đỡ nạn nhân với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”.Sau năm năm thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội đã nhận thức sâu sắc, quan tâm hơn đến việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh và công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Chế độ, chính sách đối với nạn nhân được bảo đảm đúng quy định; nhiều chế độ, chính sách tiếp tục được bổ sung, sửa đổi phù hợp, kịp thời. Công tác tuyên truyền, vận động, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam được phối hợp triển khai chặt chẽ, kiên trì, bước đầu đạt được kết quả khả quan.Trên địa bàn tỉnh hiện có 6.070 trường hợp bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó có 3.735 trường hợp trực tiếp tham gia hoạt động kháng chiến và 2.335 trường hợp là con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Đồng chí Phạm Ngọc Quỳnh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết: Hầu hết nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh đều có cuộc sống hết sức khó khăn, thường xuyên phải chịu đau đớn bệnh tật. Để kịp thời động viên, xoa dịu nỗi đau da cam, những năm qua, tỉnh đã quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho nạn nhân chất độc da cam. Tùy thuộc vào mức độ suy giảm khả năng lao động, nạn nhân chất độc da cam sẽ được hưởng các mức trợ cấp khác nhau”. Hiện toàn tỉnh có 582 nạn nhân được hưởng mức trợ cấp cao nhất là 81% với số tiền hơn 3,7 triệu đồng/tháng, còn lại hưởng các mức hỗ trợ khác nhau theo quy định.Cùng với việc quan tâm thực hiện đầy đủ chế độ chính sách, hàng năm, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh còn tích cực vận động, kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Trong 10 năm (2011-2021) các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân đã ủng hộ trên 28 tỉ đồng để thăm hỏi, tặng 374 xe lăn, 902 suất quà, 100 chiếc giường, cấp học bổng cho 39 cháu, 892 bộ quần áo, 252 chăn màn, 1.000kg gạo… Từ nguồn hỗ trợ, Hội đã sửa chữa và xây mới 144 nhà “Tình nghĩa”; cho 442 gia đình nạn nhân vay vốn phát triển kinh tế… Hội phối hợp với các cơ sở y tế, Sở LĐ,TB&XH, khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, giải quyết chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến và con của họ bị nhiễm chất độc hóa học... Trong thời gian tới, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” đến cán bộ, hội viên, quần chúng nhân dân. Qua đó, vận động cộng đồng xã hội chung tay ủng hộ, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng sự chung tay của xã hội, những đau thương, mất mát của các gia đình nạn nhân chất độc da cam sẽ phần nào được vơi bớt tiếp thêm niềm tin, sức mạnh giúp họ vượt qua những di chứng của chiến tranh để lại, xây dựng cuộc sống hạnh phúc.

Thúy Hằng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202108/vuot-len-noi-dau-da-cam-178640