Vùng cao Đà Bắc mở rộng vùng nguyên liệu cây gai xanh

Hiện nay, mô hình cây gai xanh AP1 đang được trồng theo hướng liên kết giữa hợp tác xã và nông dân các xã Trung Thành, Đoàn Kết, Mường Chiềng của huyện vùng cao Đà Bắc. Việc đưa vào trồng khảo nghiệm ở các xã trên diện tích khoảng 20ha mang lại kết quả khả quan.

Nông dân xóm Bay, xã Trung Thành (Đà Bắc) được hỗ trợ sơ chế gai xanh tại vườn.

Trên diện tích 3ha đất đồi chuyên canh cây ngô, hộ gia đình ông Lường Văn Dũng ở xóm Trung Tằm, xã Trung Thành mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây gai xanh AP1 được gần 1 năm nay. Những ngày đầu năm 2022, ông Dũng phấn khởi tiến hành thu lứa gai thứ 3. Việc sơ chế, phơi khô được tiến hành ngay tại điểm trồng nguyên liệu. Ông Dũng hồ hởi cho biết: Hồi đầu thực hiện có phần còn chưa dốc sức nhưng càng về sau, gia đình tôi càng quan tâm chăm sóc, kỹ thuật để đạt hiệu quả cao hơn. Trước đây, nếu trồng ngô, trừ hết chi phí sản xuất thì mỗi năm chỉ bỏ ra được 10 - 15 triệu đồng. Hiện tại, khi chuyển sang trồng gai xanh, gia đình tôi thu 120 - 140 triệu đồng. Điều mà nông dân yên tâm khi trồng gai xanh là đầu ra tiêu thụ đã có HTX lo, việc chăm sóc khá nhàn, chu kỳ khai thác dài, mỗi năm thu 4 - 6 lứa mà không phải trồng lại như cây ngô. Đặc biệt là trồng gai xanh giúp cải thiện môi trường sinh thái do không phải sử dụng thuốc trừ cỏ.

Cùng thời điểm thực hiện mô hình nhưng nhờ trồng trên đất vườn, có điều kiện chăm sóc và nguồn nước thuận lợi hơn, gia đình ông Lường Văn Sơn ở xóm Bay, xã Trung Thành là một trong những hộ chuyển đổi đạt hiệu quả cao nhất. Ông Sơn chia sẻ: Trên đà tích cực thâm canh, gia đình tôi thu 5 lứa gai nguyên liệu/năm. Trước đây, tôi từng cải tạo vườn tạp để trồng cây cam, cây bưởi nhưng thổ nhưỡng không phù hợp, chi phí đầu tư lại lớn. Tham gia mô hình trồng gai xanh, nông dân chúng tôi yên tâm về thị trường, lợi nhuận thu được cao gấp 5, gấp 10 lần so với một số cây trồng truyền thống. Ước tính, diện tích gai xanh trồng trên đất vườn của gia đình tôi đạt bình quân thu nhập khoảng 180 triệu đồng/ha/năm.

Với vai trò là đơn vị đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, HTX nông nghiệp Hòa Bình đã đồng hành với bà con nông dân huyện vùng cao Đà Bắc trong suốt quá trình triển khai, thực hiện. Theo anh Lê Minh Hưng, thành viên HTX, hồi đầu triển khai, có không ít hộ dân băn khoăn, nghi ngại bởi trước đó, bà con đã từng bế tắc đầu ra với mô hình trồng thanh hao, trồng ớt xuất khẩu, chanh leo. Với quyết tâm xây dựng vùng nguyên liệu cây gai xanh, sau khi UBND tỉnh thẩm định hồ sơ và cho phép, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ 20 năm cung cấp nguyên liệu cho nhà máy sản xuất bông vải sợi của Tập đoàn An Phước, thuộc huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). Với liên kết này, người dân bỏ đất, bỏ sức lao động và phân bón, HTX cấp giống, chỉ đạo, hướng dẫn sát sao kỹ thuật và cam kết tiêu thụ tại chỗ, ổn định, bền lâu.

Mô hình trồng gai xanh đang thu hút sự tham gia của bà con một số xã vùng cao như Đồng Chum, Cao Sơn. Tại huyện Kim Bôi cũng đã trồng thử nghiệm tại xóm Thung Rếch với diện tích khoảng 3,5 ha. Đồng chí Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng chi cục TT&BVTV cho biết: Không chỉ có doanh nghiệp đồng hành với bà con mà cơ quan quản lý Nhà nước cũng rất quan tâm, tạo điều kiện để cây gai xanh phát triển. Năm 2021, Chi cục TT& BVTV đã đại diện tín chấp mua 8 tấn phân bón cung ứng cho hộ tham gia trồng cây gai xanh theo phương thức trả chậm, giá cả như đại lý. Với sự tác động mang tính thúc đẩy đã kịp thời hỗ trợ bà con nông dân thực hiện chăm sóc, ứng dụng kỹ thuật kịp thời vào quy trình sản xuất. Mặt khác, khẳng định sớm hơn kết quả của mô hình, góp phần phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu đạt khoảng 300 ha trong năm nay và tăng lên hàng nghìn ha vào những năm kế tiếp.

Bùi Minh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/163223/vung-cao-da-bac-mo-rong-vung-nguyen-lieu-cay-gai-xanh.htm