Vùng cách mạng 'chuyển mình'

Nhà thơ Giang Nam trong bài thơ qua sông Vàm Cỏ có viết: Một Đức Tân chỉ có đồng, có lá/ Vây quân thù với lựu đạn, hầm chông. Đến xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An hôm nay không còn những hầm chông năm nào, thay vào đó là những cánh đồng thanh long xanh mượt, vùng chuyên canh tôm gắn với đường làng, ngõ xóm được trải nhựa, bêtông hóa,... Vùng đất cách mạng 2 lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đã có bước 'chuyển mình' trên lĩnh vực KT-XH.

Đức Tân anh hùng

Xã Đức Tân nằm ở trung tâm đi về các xã vùng hạ của huyện Tân Trụ, là nơi trú đóng của Chi khu Tân Trụ; Văn phòng tổng Cửu Cư Hạ. Vì vậy, trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Đức Tân luôn là chiến trường ác liệt, nơi tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. Được nghe những người dân sinh sống lâu năm tại xã kể về truyền thống đấu tranh chống giặc của địa phương, chúng tôi mới hiểu hết một vùng đất không rộng, người không đông nhưng lại đánh bại kẻ thù hùng mạnh.

Lãnh đạo xã Đức Tân đón nhận Bằng công nhận xã nông thôn mới

Trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, cuối năm 1945, giặc Pháp đưa quân đánh xuống địa bàn Tân Trụ. Ngoài lực lượng ở các đồn bót, địch đã đưa một đại đội lính Lê Dương đóng tại chợ Tân Trụ với nhiệm vụ cơ động hỗ trợ, tiếp sức cho bọn lính ở Bình Tịnh đóng đồn, bình định kiểm soát các nơi còn lại trong huyện. Ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Đức Tân đã chịu áp lực quân sự khá lớn từ phía địch. Giặc khá mạnh nhưng với truyền thống yêu nước, quân và dân xã Đức Tân đã vượt khó khăn; hy sinh, bám đánh quyết liệt, vừa bảo vệ địa bàn, vừa góp phần “chia lửa” với các xã vùng hạ của huyện. Có nhiều tấm gương chiến đấu mưu trí, dũng cảm của các cán bộ tiền bối 2 làng Tân Trụ, Triêm Đức. Điển hình như Trịnh Văn Do, Nguyễn Văn Kiết, Đoàn Tấn Tỏ, Võ Văn Liên, Nguyễn Văn Túc, Võ Văn Hạt,…

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, Đức Tân là địa bàn trọng điểm bình định, đánh phá của địch. Nơi đây, địch lần lượt cho đóng các đồn tua dày đặc và tăng dần quân số đồn trú, áp lực lực lượng tại chỗ còn được tăng cường bởi 2 ban tề, 2 phân chi khu, 2 cuộc cánh sát, 2 đoàn cán bộ bình định và mỗi ấp có 1 toàn nhân dân tự vệ.

Không những vậy, địch thường xuyên xua lính bảo an quận, tỉnh, lính viễn chinh Mỹ được pháo binh, máy bay, tàu chiến, xe thiếc giáp yểm trợ càn vào Đức Tân. Tất cả âm mưu, thủ đoạn của địch đều thất bại, phong trào cách mạng tại xã Đức Tân vẫn diễn ra liên tục và bền bỉ dưới sự lãnh đạo của Đảng, phương châm đấu tranh “hai chân, ba mũi” được vận dụng linh hoạt và sáng tạo, hiệu quả cao trong hoạt động đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận.

Qua thực tế chiến trường, đội du kích xã càng chiến đấu càng trưởng thành, là chỗ dựa vững chắc cho phong trào cách mạng xã Đức Tân. Có nhiều cá nhân xuất sắc như Huỳnh Văn Đảnh - người anh hùng thiện xạ với danh truyền 76 viên đạn, 78 quân thù. Đồng chí Võ Văn Mùi xuất thân từ đội viên du kích, sau là Xã đội trưởng rồi Bí thư chi bộ xã, sau chuyển lên làm Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động thị xã Tân An. Đó là đồng chí Phạm Công Hùng - Đội trưởng biệt động thị trấn với danh hiệu “xuất quỷ nhập thần”; đó còn là cán bộ, chiến sĩ du kích mà tên tuổi họ gắn liền với những chiến công còn lưu truyền mãi trong nhân dân xã Đức Tân.

Đức Tân không có địa thế thuận lợi cho hình thức đấu tranh vũ trang, vì vậy, địa phương có cách riêng của mình để đánh giặc. Chi bộ xã lãnh đạo chiến đấu với trận đồ “bát quái”, hầm chông và lựu đạn, nhân dân đồng lòng hưởng ứng với khẩu hiệu “mỗi hầm chông là một du kích” làm cho địch khiếp sợ.

Làng quê đổi mới

Đức Tân sau nhiều năm đổi mới, nhất là sau 10 năm xây dựng nông thôn mới đã có nhiều thay đổi đáng tự hào. Diện mạo làng quê khởi sắc, kết cấu hạ tầng được xây dựng khang trang, sản xuất phát triển không ngừng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Trong trí nhớ của Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Bình Hòa - Trần Văn Giác, thời kỳ chiến tranh, Đức Tân là vùng căn cứ cách mạng. Sau khi hòa bình lập lại, nơi đây được mệnh danh là vùng đất “chết”, bởi đất nông nghiệp bị nhiễm phèn nặng, cuộc sống người dân vô cùng vất vả. Đường sá đi lại khó khăn, nước sạch chưa có để sử dụng,... Sau này, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là trong thời gian phát động Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chính quyền cải tạo, nạo vét hệ thống kênh, mương thủy lợi; tập huấn kiến thức về sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ vốn vay; khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hợp lý nhằm tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.

Nông dân xã Đức Tân chuyển đổi cây trồng từ lúa sang thanh long

“Bây giờ, người dân chuyển từ trồng lúa sang trồng thanh long và nuôi tôm, khu vực gần nhà tôi cũng được quy hoạch. Cuộc sống người dân đỡ vất vả hơn xưa. Họ tham gia các phong trào, hiến đất, góp tiền để xây dựng đường giao thông nông thôn” - ông Giác nói.

Ngày nay, đến xã Đức Tân, kết cấu hạ tầng từng bước hoàn thiện. Đường trục chính vào xã và các tuyến đường liên xóm, ấp được trải nhựa và bêtông hóa. Hệ thống kênh, mương, thủy lợi nội đồng đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và dân sinh. Ngoài ra, địa phương vận động, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng dừa, bưởi da xanh, chanh, thanh long có giá trị kinh tế cao. Đến nay, diện tích cây thanh long toàn xã là 180ha. Bên cạnh đó, địa bàn gần các khu công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, đời sống của người dân ngày càng ổn định. Hộ nghèo trên địa bàn xã còn 56 hộ (trong đó, 15 hộ nghèo bảo trợ xã hội), tỷ lệ 2,26%.

Bí thư Đảng ủy xã Đức Tân - Trương Minh Trí cho biết, thay đổi nhiều nhất tại xã không chỉ là kết cấu hạ tầng mà còn là đời sống nhân dân ổn định, cải thiện, tỷ lệ nước hợp vệ sinh, nước sinh hoạt cho người dân sử dụng. Địa phương không chỉ tự hào là vùng đất anh hùng mà còn có 2 cá nhân cũng được truy tặng danh hiệu cao quý này, gồm anh hùng Huỳnh Văn Đảnh và Nguyễn Hoàng Anh. Phát huy truyền thống đó, địa phương không chỉ chăm lo đời sống người dân mà còn đặc biệt quan tâm đến các gia đình chính sách, người nghèo,...

Từ năm 2011 đến nay, xã huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí hơn 172,2 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 5,7 tỉ đồng; ngân sách tỉnh hơn 15,1 tỉ đồng; ngân sách huyện hơn 15,1 tỉ đồng; người dân đóng góp trên 117 tỉ đồng, chiếm hơn 68%;... Số tiền này được xã nhựa hóa trên 7km đường kết nối trung tâm hành chính của xã với huyện, các xã khác và các ấp; có 10 tuyến đường trục ấp chiều dài hơn 11km được bêtông hóa bảo đảm ôtô đi lại thuận tiện quanh năm, đạt 100%; có 25 tuyến đường ngõ xóm với tổng chiều dài trên 13km được bêtông hóa, đạt 100%; 3 tuyến đường trục chính nội đồng với chiều dài trên 1,3km được cứng hóa bảo đảm vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm. Xã có trường THCS, trường tiểu học và mẫu giáo đều đạt chuẩn quốc gia và đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới./.

Thanh Nga

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/vung-cach-mang-chuyen-minh--a101168.html