Vực dậy sức sống cho chè Đông Sơn

Xã Đông Sơn (thành phố Tam Điệp) từng là nơi sản xuất chè nổi tiếng nhưng với nhiều lý do đã bị mai một. Tiếc nuối, trăn trở, đã có những người đứng lên quyết tâm vực dậy, lấy lại vị thế, sức sống mới cho vùng chè đã từng là huyền thoại này bằng cách tiếp cận mới, chú trọng yếu tố an toàn, chất lượng.

Hội Nông dân xã Đông Sơn hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cho cây chè

Nông trường giải thể, cây chè mai một

Có lẽ nhiều người Ninh Bình hiện nay, thậm chí chính con em Tam Điệp, nhất là giới trẻ không biết rằng, trước đây xã Đông Sơn từng là một vùng sản xuất chè nổi tiếng. Nhưng thực tế, do Đông Sơn có địa hình bán sơn địa đặc trưng, với nhiều đồi núi thoai thoải, chất đất chủ yếu là đất đỏ pha sét nên rất phù hợp với cây chè. Ngay từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, cây chè đã hiện diện ở vùng đất này.

Năm 1972, Nông trường chè Tam Điệp ra đời. Ông Nguyễn Đăng Dung, Giám đốc Nông trường lúc bấy giờ chia sẻ: Nông trường chè Tam Điệp sản xuất, kinh doanh nhiều mảng khác nhau như: chăn nuôi bò, trồng rừng nhưng sản xuất và chế biến chè là chủ đạo. Thời kỳ thịnh vượng, diện tích chè của Nông trường lên tới hơn 100 ha, sản xuất, chế biến hàng trăm tấn chè khô mỗi năm. Những đồi chè lúc nào cũng xanh ngắt, tấp nập người hái, đi đến đâu cũng ngửi được mùi thơm của chè.

Về chất lượng chè, ông Dung khẳng định: cây chè rất kén đất, không phải ở đâu cũng trồng được chè và chè ở đâu cũng ngon. Cây chè có những yêu cầu sinh thái riêng và may mắn vùng đất Đông Sơn được thiên nhiên ưu đãi cho những điều này. Bởi vậy, chất lượng chè ở đây là hảo hạng. "Tuy nhiên, giai đoạn sau này, do tư duy và cách thức sản xuất, làm ăn truyền thống không còn phù hợp với kinh tế thị trường cùng nhiều lý do khác nữa nên năm 2005 Nông trường phải giải thể" - Nguyên Giám đốc Nông trường chè Tam Điệp ngậm ngùi.

Đơn vị tiêu thụ, chế biến chè tập trung chủ lực của vùng dừng hoạt động, khiến người trồng chè điêu đứng vì sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Những công nhân tay nghề cao, trở về làm ăn sản xuất nhỏ lẻ, cố bám trụ với nghề nhưng cũng không giữ được lâu. Đã có những vạt chè mênh mông ngày ấy được chuyển đổi trồng ngô, khoai, sắn, gần đây là cây đào, cũng có diện tích bị bỏ hoang. Danh chè Tam Điệp dần mờ nhạt.

Và tâm huyết của những người trẻ

Anh Tống Duy Hiển, Giám đốc HTX Hoa, cây cảnh, nông sản Tam Điệp giới thiệu về các sản phẩm mới của HTX.

Là người con Ninh Bình, nặng lòng với vùng chè quê hương, say mê văn hóa trà và không ít tự hào về vùng chè một thời vang bóng, vợ chồng chị Phạm Thị Hồng Quý và anh Tống Duy Hiển luôn đau đáu với việc làm sao để vực dậy sức sống cho vùng chè Đông Sơn. Sẵn lợi thế là học đại học chuyên ngành nông nghiệp, đã từng làm mảng cung ứng vật tư cho ngành chè, khắp các vùng chè trên đất nước đều đã đặt chân đến, kiến thức chuyên sâu về cây chè cũng khá chắc, cuối năm 2018, vợ chồng chị Quý đi đến một quyết định táo bạo: Bỏ công việc ở công ty về xây dựng cơ sở sản xuất chè. Sau nhiều ngày, nhiều tháng bỏ công đi khảo sát, tìm hiểu thực tế hiện trạng cây chè ở Đông Sơn, vợ chồng chị bắt tay vào xây dựng nhà xưởng, thành lập nên HTX Hoa, cây cảnh, nông sản Tam Điệp tại thôn 1, xã Đông Sơn.

Chị Quý chia sẻ: Chè ở Tam Điệp nội chất rất tốt, vị chát dịu và có hậu vị đậm đà. Đặc biệt thực tế, ở Đông Sơn vẫn có những gia đình còn giữ lại được những đồi chè hàng chục năm tuổi, nếu đầu tư chăm bón một cách bài bản thì sẽ rất có giá trị. Tuy nhiên, có hai khó khăn lớn nhất mà HTX phải đối mặt khi bắt tay vào làm. Thứ nhất là làm sao thuyết phục được người dân quay lại với cây chè và thay đổi được tư duy sản xuất. Bởi vì lâu nay, bà con thường chỉ làm theo thói quen, thấy chè xấu là bón đạm, thấy sâu bệnh là phun thuốc tùy tiện, không ghi chép, không tuân theo một quy định nào cả. Trong khi yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng khắt khe, nếu không đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm thì không thể có chỗ đứng. Thứ hai, đó là lâu nay chè Tam Điệp bị thành kiến vì có một thời gian chè được chế biến thủ công theo quy mô hộ, chất lượng không đồng đều, không có sự kiểm soát chặt chẽ nên nói đến chè Tam Điệp người tiêu dùng không còn mấy tin tưởng.

Không còn cách nào khác, vợ chồng chị Quý cùng các cộng sự đã phải kiên trì, tuyên truyền, thuyết phục, từ tư duy sản xuất cũ, người dân đã tiếp cận cách thức làm chè bài bản, an toàn. Đối với thị trường, nhờ thực hiện nghiêm túc việc quản lý vùng nguyên liệu, chú trọng đầu tư công nghệ máy móc hiện đại, liên tục đổi mới mẫu mã, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm nên sản phẩm chè của HTX đã dần lấy lại được sự yêu mến, tin tưởng của nhiều người tiêu dùng. Hiện nay, sản phẩm chè xanh mang thương hiệu An Nguyên của HTX đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thanh Hóa, Nam Định. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Trung bình mỗi năm cơ sở sản xuất khoảng 40 tấn chè khô, tương đương với việc tiêu thụ khoảng 240 tấn chè búp tươi cho bà con nông dân.

Niềm vui trở lại với những người nông dân

Niềm vui của bà Lê Thị Ngát (thôn 12, xã Đông Sơn) khi cây chè mình đã gắn bó bao năm được hồi sinh, đem lại cuộc sống khá giả cho gia đình.

Chúng tôi đến thăm một số hộ gia đình đang liên kết trồng chè với HTX Hoa, cây cảnh, nông sản Tam Điệp mới thấy hết được sự vui mừng, phấn khởi của người trồng chè khi cây trồng truyền thống đã gắn bó bao nhiêu năm giờ lại được hồi sinh, đem lại sự khá giả, sung túc cho họ.

Trên đồi chè rộng hơn 2 ha xanh mơn mởn, bà Lê Thị Ngát (thôn 12, xã Đông Sơn) đang nhanh tay thu hoạch lứa búp cuối cùng trong năm. Bà Ngát cho biết: Đồi chè của gia đình trồng được mấy chục năm rồi. Trước trên địa bàn không có cơ sở chế biến chè khô nào nên 1 năm chỉ cắt cành một lần bán cho lái buôn tiêu thụ dạng chè uống tươi nên thu nhập chẳng đáng là bao. Tuy nhiên, từ khi có HTX hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, lại được bao tiêu toàn bộ sản phẩm, kinh tế gia đình bà khấm khá hơn hẳn. Như vào chính vụ, cứ 25-30 ngày lại hái được 1 lứa búp, thu về 15-20 triệu đồng.

Cùng chung niềm vui như bà Ngát, tiếp đón chúng tôi trong ngôi nhà khang trang vừa mới xây, anh Đỗ Văn Huệ cũng ở thôn 12 phấn khởi chia sẻ: May mắn là từ năm 2019, được HTX động viên, quay lại với cây chè, gia đình tôi mới có được cơ ngơi này. Áp dụng kỹ thuật, cây chè cho năng suất khác biệt hẳn. Như năm nay, trên 1 ha chè, gia đình thu hoạch 8 lứa búp, 1 lứa cành, có lứa năng suất đỉnh điểm lên tới 2,5 tấn. Tổng cộng tôi bán cho HTX 17 tấn chè búp, với giá 20 nghìn đồng/1kg, gia đình thu về gần 350 triệu đồng, cao gấp nhiều lần trước đây. Nếu cứ đà như này thì không cớ gì mà chúng tôi không gắn bó, mở rộng diện tích trồng chè.

Ông Phạm Đình Cư, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn khẳng định: Thực tế đất đai ở địa phương rất phù hợp với cây chè. Bởi vậy, xã khuyến khích, đồng hành cùng HTX và người dân để duy trì, mở rộng diện tích chè cũng như phát triển thêm các sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương từ chè, kết hợp với các hoạt động du lịch, trải nghiệm.

Về dự định thời gian tới, ông Tống Duy Hiển, Giám đốc HTX Hoa, cây cảnh, nông sản Tam Điệp chia sẻ: Năm vừa qua, ngoài các sản phẩm chè truyền thống, HTX đã phát triển thêm các sản phẩm như trà túi lọc, trà ướp sen cao cấp, trà hoa mộc và được người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình. Tiếp đà đó, tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu sản xuất ra những dòng sản phẩm mới để phù hợp với từng đối tượng, phân khúc khách hàng khác nhau.

Song hành với việc mở rộng thị trường, HTX muốn mở rộng vùng nguyên liệu, tăng cường hướng dẫn kỹ thuật, đưa các giống chè mới vào giúp bà con tăng năng suất chè. Đồng thời, phấn đấu nâng giá thu mua nguyên liệu lên nữa để người dân yên tâm gắn bó với cây chè.

Bài, ảnh, video: Nguyễn Lựu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/vuc-day-suc-song-cho-che-dong-son/d2023121623407658.htm