Vụ Thượng tá CSGT Võ Đình Thường: Cần cân nhắc việc bổ nhiệm

'Lĩnh vực CSGT khá nhạy cảm nên việc bổ nhiệm người trước đây từng bị kỷ luật trong lực lượng về làm lãnh đạo ở lực lượng đó thì cũng cần cân nhắc'.

Liên quan đến việc dư luận thắc mắc về vấn đề bổ nhiệm Thượng tá Võ Đình Thường, Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai – người mà 14 năm trước đã bị kỷ luật khi làm Trưởng trạm CSGT Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai), một số ý kiến cho rằng, Công an tỉnh này cần cân nhắc trong vấn đề bổ nhiệm.

Một cán bộ là nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khi trao đổi với PV báo Người Đưa Tin đã phân tích: “Về vấn đề kỷ luật Đảng, kỷ luật chính quyền đối với cán bộ, công chức, sau 1 năm người ta sửa chữa, thì việc sau đó nâng lương, bổ nhiệm cho người ta là bình thường. Chứ không có chuyện bị kỷ luật rồi mà mãi mãi anh không thể phấn đấu, không thể sửa chữa sai lầm, không thể “lấy công chuộc tội” được cả”.

“Tuy nhiên, ở đây cần lưu ý, xem xét lại quyết định mà theo một số báo chí đưa tin nói rằng vị cán bộ đó bị kỷ luật “cho ra khỏi lực lượng CSGT”. Khái niệm này khó hiểu, dễ gây ra tranh luận. Vì vậy, cần xem lại quyết định kỷ luật đó là như thế nào, có đúng là “cho ra khỏi lực lượng CSGT” hay không? Quyết định cho ra khỏi lực lượng CSGT có thời hạn hay không thời hạn? Thường thì chỉ có khái niệm cho ra khỏi ngành, tức là ra khỏi lực lượng vũ trang, xuất ngũ, phục viên. Vì vậy, cần xem lại quyết định ở thời điểm đấy được điều chỉnh bằng văn bản nào”, vị này nói.

Thượng tá Võ Đình Thường - người ký giấy mời tài xế qua trạm BOT Biên Hoà lên làm việc.

Cũng theo vị nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: “Bị kỷ luật thì cũng có quy định về thời hạn. Nếu hết thời hạn kỷ luật, mà cán bộ, chiến sĩ đó có phấn đấu, tiến bộ thì phải công nhận sự tiến bộ đó. Trên thực tế, cũng không có quy định nào về việc một người bị kỷ luật ở ngành đó, sau quá trình sửa chữa, phấn đấu thì không được quay trở lại ngành công tác.

Ngay cả trong xử lý hình sự, tòa án tuyên có những trường hợp phạm tội, người ta cấm hành nghề đó chỉ trong thời gian nhất định thôi. Nếu người ta sửa chữa, hơn nữa quyết định kỷ luật đã 14 năm thì việc bổ nhiệm họ lên chức là không sai. Chỉ có điều công tác quản lý cán bộ cần lưu ý, lĩnh vực CSGT là lĩnh vực khá nhậy cảm nên việc người trước đây từng bị kỷ luật trong lực lượng mà bây giờ về làm lãnh đạo ở lực lượng đó thì cũng cần cân nhắc, để tránh người ta suy diễn có thể do lợi ích nhóm, con ông cháu cha…”.

Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cũng cho rằng, câu chuyện này có hai điều cần phải đặt ra. Thứ nhất, phải xác định xem vị lãnh đạo này năm 2003 bị kỷ luật với hình thức nào. Kỷ luật đuổi khỏi ngành hay kỷ luật giáng chức, giáng cấp.

Năm 2003, khi bị kỷ luật, vị này có chức vụ Trạm trưởng và mang cấp hàm Đại úy, nếu bị kỷ luật giáng chức, giáng cấp xuống hàm Thượng úy, thì đến nay vị này mang hàm Thượng tá, tức là 4 cấp thì cũng cần phải xem lại.

“Cần phải xem xét lại vụ việc này để làm sáng tỏ những nghi vấn của dư luận về việc anh này bị xử lý ra sao trong vụ việc năm 2003. Phải làm rõ vị này có bị đuổi khỏi ngành, bị giáng chức giáng cấp hay không. Cần phải xác định rõ để xử lý nếu có người bao che”, luật sư Ứng chia sẻ.

Thứ hai, trước đây anh đã mắc phải lỗi vi phạm khuyết điểm tập thể nặng vì lỗi mãi lộ. Nếu như lỗi say rượu, đánh nhau, hay có lời nói không đúng bị kỷ luật thì không nói đến làm gì. Thế nhưng, sau đó anh lại được điều chuyển về đúng ngạch mà anh đã từng vi phạm để làm cán bộ lãnh đạo. Điều này trong luật không cấm, nhưng nó khiến dư luận quần chúng đặt ra những câu hỏi thắc mắc rằng, phải chăng trong ngành không còn ai có thể đảm nhận chức vụ điều hành ấy?

“Ở đời không ai “nhân vô thập toàn”, nếu anh vấp ngã, anh đứng lên và được lãnh đạo tín nhiệm là điều đáng mừng. Nhưng nếu anh làm lãnh đạo ở đơn vị khác, không phải phó mà là trưởng phòng ở mảng hình sự, mảng ma túy thì không ai ý kiến. Tuy nhiên anh lại về đúng nơi mà trước đây anh từng vi phạm thì là điều khó hiểu...”, luật sư Ứng cho biết thêm.

Trước đó, như báo Người Đưa Tin phản ánh, từ vụ lùm xùm BOT Biên Hòa, dư luận phát hiện và đặt nghi vấn về sự trùng hợp đến bất thường của cái tên Võ Đình Thường.

Cụ thể, qua hình ảnh giấy mời các tài xế đến phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67, Công an tỉnh Đồng Nai) làm việc, dư luận đặt nghi vấn, Thượng tá Võ Đình Thường, Phó phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an tỉnh Đồng Nai, người ký giấy mời các tài xế đến làm việc chính là Đại uý Võ Đình Thường từng bị kỷ luật trong vụ “mãi lộ” xảy ra tại trạm CSGT Dầu Giây cách đây 14 năm.

Tối 21/10, trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Thường nói rằng, vào năm 2003, sau vụ tiêu cực xảy ra tại trạm CSGT Dầu Giây, ông và nhiều cán bộ chiến sĩ khác bị xử lý kỷ luật. Ông bị cách chức buộc rời khỏi lực lượng CSGT và điều chuyển công tác khác. Sau nhiều năm cố gắng, ông được bổ nhiệm qua nhiều vị trí và mới đây được điều động về PC67 giữ chức Phó trưởng phòng.

Chí Công – Quang Sơn

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/vu-thuong-ta-csgt-vo-dinh-thuong-can-can-nhac-viec-bo-nhiem-a343472.html