Vụ thu tiền cứu trợ lũ lụt: Cần xem rõ động cơ của cán bộ thôn

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều ngày 26/10, ông Trần Công Thuật, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Quảng Bình cho biết, ngay khi nắm được thông tin cán bộ thôn Trung Thôn (xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn) thu lại tiền cứu trợ của người dân, lãnh đạo tỉnh đã có những chỉ đạo xử lý nghiêm.

Ông Trần Công Thuật, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình cho rằng, cần phải xem xét rõ động cơ, mục đích việc làm của các cán bộ thôn để có đánh giá, xử lý thích hợp, đảm bảo cho sự công bằng, ổn định, tạo điều kiện cho việc cứu trợ được tốt, yên lòng người dân. Ảnh: TN

Xảy ra rải rác, đã xử lý nghiêm

Theo ông Thuật, dù động cơ, mục đích của cán bộ ở đây có là gì thì rõ ràng, việc thu lại tiền cứu trợ như vậy đã sai về phương pháp vì đây là quyền của người dân.

“Chúng ta cũng cần phải xem xét rõ động cơ, mục đích việc làm của các cán bộ ở đây để có đánh giá, xử lý cho thích hợp để đảm bảo cho sự công bằng, ổn định, tạo điều kiện cho việc cứu trợ được tốt, yên lòng người dân", ông Thuật nói.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cũng thông tin thêm, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra một số vụ việc tương tự và tỉnh đã có những chỉ đạo nghiêm túc, đình chỉ các cán bộ có liên quan để xử lý.

"Việc này cũng rải rác xảy ra ở nơi này, nơi khác nhưng không nghiêm trọng. Chúng tôi đã xử lý nghiêm rồi, đồng thời, đưa ra xem xét trách nhiệm rất cụ thể. Tôi hy vọng là việc này sẽ không còn xảy ra nữa", ông Thuật bày tỏ.

Đánh giá thêm về sự việc xảy ra ở thôn Trung Thôn, ông Thuật cho rằng, đây chỉ là sự ứng xử tức thời của một cá nhân chứ không phải là quan điểm chung.

"Tôi nghĩ đây có thể chỉ là sự ứng xử tức thời, bột phát của một cán bộ nào đó nên chỉ xảy ra rải rác, quy mô nhỏ. Còn việc này tỉnh cũng đã có chỉ đạo và đã được quán triệt rất kỹ. Các lãnh đạo, đảng viên và nhân dân đều có sự ý thức rất rõ, đa số làm tốt cả. Sự chia sẻ, san sẻ trong lũ lụt là rất cần thiết, tuy nhiên, tôi nghĩ đây chỉ là một suy nghĩ nhất thời", ông Thuật nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi trong công tác cứu trợ có những hộ gia đình được nhận rất nhiều đồ, hàng nhưng có hộ chỉ được rất ít, thậm chí là không có gì, ông Thuật nêu quan điểm: Việc chia sẻ của đồng bào cả nước với đồng bào lũ lụt là rất đáng quý, thể hiện truyền thống yêu thương và chúng tôi trân trọng điều này.

“Tấm lòng người dân rất đa dạng, có người thông qua tổ chức, có người tự đi với địa phương, có người đến trực tiếp với người dân nên rất khó kiểm soát, quản lý.

Vì thế, chúng tôi cũng định hướng cho các cá nhân, tập thể, đơn vị nên thông qua Mặt trận Tổ quốc để có định hướng tốt nhất, phân chia đồng đều, công bằng và người dân được hưởng cứu trợ cảm thấy sự chia sẻ của đồng bào cả nước.

Một số người nắm thông tin, trực tiếp về cứu trợ thì chúng tôi mới chỉ có trao đổi, thông tin để mọi người nắm còn chưa có sự quán triệt nghiêm túc do hàng cứu trợ về rất nhiều nên mong mọi người thông cảm.

Bản chất cán bộ thôn không tham ô

Cũng nói về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh tất cả xã, phường, thị trấn, trong tỉnh phải thực hiện cực kỳ nghiêm túc việc tiếp nhận hàng cứu trợ.

Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

“Hướng của văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh thì sẽ điều tra, làm rõ trách nhiệm, đồng thời xử lý nghiêm vi phạm. Còn trường hợp đã thu thì tỉnh chỉ đạo trả lại số lượng tiền đã cứu trợ theo các danh sách được nhận”.

Theo ĐBQH Phương,“xét về bản chất việc làm của những cán bộ lãnh đạo thôn không tham ô. Tôi cho rằng, họ muốn làm thế để tiền cứu trợ này ai cũng có, ai cũng được hưởng một ít”.

“Chắc chắn một điều là tư tưởng của thôn mang tính cào bằng, còn những người cứu trợ thì mong muốn cứu trợ người khó khăn nhất. Nhưng dù tư tưởng anh thế nào nhưng cách làm như thế vẫn là vi phạm yêu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ cứu trợ hiện nay”.

Vị ĐBQH cũng cho biết, thiệt hại của Quảng Bình qua cơn lũ vừa rồi hết sức nặng nề, như thị xã Ba Đồn, ngay cả TP Đồng Hới là điểm mà từ xưa đến nay rất hiếm có chuyện ngập lụt thì lần này cũng xảy ra.

Khi các đoàn đến cứu trợ tại Quảng Bình không nhất thiết phải thông qua chính quyền địa phương để phát quà.

“Nếu cần thông qua tỉnh thì tỉnh sẽ tìm cách tiếp đón, cử các đơn vị có liên quan cứu trợ. Còn có đoàn đi trực tiếp thì tùy cách làm của họ, miễn làm sao người dân nhận được hàng cứu trợ, nhận được tình cảm”, ông Phương nói.

Hiện nay, tỉnh Quảng Bình đã thành lập Ban tiếp nhận hàng cứu trợ tiếp nhận, phân phối tất cả những tiền ấy đến người dân theo yêu cầu của các đơn vị tài trợ.

“Đơn vị tài trợ nào yêu cầu cấp phát đến người dân thì tỉnh sẽ giao từng tổ chức, đoàn thanh niên, phụ nữ, từng tổ chức chính trị dưới sự lãnh đạo của Mặt trận để giao hàng, giao tiền đến tận người dân”.

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/tin-tuc-chong-tham-nhung/trong-nuoc/vu-thu-tien-cuu-tro-lu-lut-can-xem-ro-dong-co-cua-can-bo-thon_t114c1080n111183