Vụ nôn ói sau ăn bánh mì: 529 ca nhập viện, tập trung điều trị 3 ca nặng

Hiện tại, các bác sĩ đang tập trung điều trị cho các bệnh nhân bị nôn ói, tiêu chảy sau ăn bánh mì. Trong đó, dốc sức chữa trị cho 3 ca nặng là trẻ em.

Ngày 4/5, ông Tăng Quốc Lập, Phó chủ tịch UBND thành phố Long Khánh cho biết, tính đến sáng nay tổng số ca nhập viện thăm khám, điều trị sau khi ăn bánh mì của tiệm bánh mì Băng là 529 trường hợp.

Vụ nôn ói sau ăn bánh mì có 3 ca bị nặng đều là trẻ em.

Trong đó, điều trị ở Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh là 352 người, Bệnh viện Cao Su 23 người, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai 11 người, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM 1 người; Đã xuất viện 38 người; Bác sĩ cấp 105 toa thuốc.

Có 3 trường hợp bị nặng nhưng tình hình đang ổn dần, số còn lại sức khỏe đã ổn định.

Với 2 ca bị ngộ độc nặng (hai cháu bé 6 tuổi và 7 tuổi), Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã mời bác sĩ từ Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM trực tiếp xuống hội chẩn. Hiện tại, sức khỏe hai bé này cơ bản cải thiện, huyết động học ổn so với lúc nhập viện nhưng cả hai vẫn phải lọc máu nhiều chu kỳ để lọc độc chất.

Ngoài ra còn có 1 bệnh nhi khác 13 tuổi cũng bị ngộ độc nặng, đang được điều trị tại TP.HCM. Trước đó khi cháu này nhập viện, kết quả xét nghiệm cho thấy tình trạng nhiễm trùng của cháu rất nặng, sốt cao, mạch rất nhanh, mệt lả.

Sau khi được điều trị tích cực, bệnh nhi đã bớt sốt, tốc độ đi cầu giảm, tươi tỉnh và đã có cảm giác thèm ăn.

Để truy xuất nguồn gốc, chất lượng các sản phẩm tiệm bánh mì Băng sử dụng, Phòng Kinh tế thành phố Long Khánh đã phối hợp với công an, các cơ quan liên quan kiểm tra đầu mối cung cấp nguồn nguyên liệu cho cơ sở bánh mì Băng.

Trong đó, đã kiểm tra hộ kinh doanh T.C (khu phố 2, phường Xuân Thanh, Long Khánh) là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu chả lụa cho tiệm bánh mì Băng.

Tại đây đoàn đã niêm phong, tạm giữ một số phụ gia không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ...

Còn công an cũng vào cuộc điều tra, truy xuất nguồn gốc tại cơ sở giết mổ gia súc Đ.T và cơ sở giết mổ Công ty T.T (nơi hộ kinh doanh T.C mua heo về để chế biến chả lụa).

Các bệnh nhân sức khỏe đều dần ổn định lại.

Được biết trước đó vào chiều 3/5, đoàn công tác của Bộ Y tế cũng đã làm việc với UBND thành phố Long Khánh và Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh về vụ ngộ độc thực phẩm trên.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị thành phố Long Khánh chỉ đạo các trường học tạo điều kiện thuận lợi cho những học sinh bị ngộ độc thực phẩm đang điều trị tại các bệnh viện trong việc thi học kỳ 2.

Bởi hiện nay đang là thời điểm các trường học tổ chức thi học kỳ 2 nhưng nhiều học sinh bị ngộ độc không thể đến trường được.

Việc các trường tạo điều kiện trong thi cử sẽ giúp các cháu và gia đình an tâm điều trị bệnh.

Ngoài ra ông Long cũng lưu ý, trong thời tiết nắng nóng hiện nay, cần chú trọng các hộ kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ thuộc diện nguy cơ cao.

Bên cạnh đó cũng tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhất là những cơ sở bán thực phẩm với số lượng lớn.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 3/5, Thủ tướng Chính phủ có công điện số 44/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các ngành chức năng trên địa bàn tập trung cứu chữa các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm xảy ra tại thành phố Long Khánh, bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe người dân.

Như tin đã đưa, trước đó vào ngày 1/5, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh tiếp nhận 73 trường hợp đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, sốt… do ăn bánh mì tại tiệm bánh mì Băng. Những người này chủ yếu mua bánh mì từ giai đoạn chiều tới tối, sau khi ăn thì đến nửa đêm 30/4, rạng sáng 1/5 xuất hiện đau bụng, nôn ói… nên được đưa đến nhập viện bắt đầu từ sáng 1/5.

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vu-non-oi-sau-an-banh-mi-529-ca-nhap-vien-tap-trung-dieu-tri-3-ca-nang-192240504083240403.htm