Vụ hủy hoại rừng: Hoãn xét xử vì cựu PGĐ Cty Lâm Nghiệp Bình Thuận không đủ sức khỏe

Sáng ngày 6/5, HĐXX xét thấy tại phiên tòa, vắng mặt người bào chữa cho bị cáo Cẩn và bị cáo Cẩn không đủ sức khỏe tham gia phiên tòa nên quyết định hoãn.

Ngày 6/5, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Hủy hoại rừng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với các bị cáo Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Bình Thuận); Nguyễn Hoàng Cẩn (nguyên Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Bình Thuận); Nguyễn Văn Hiền (Phó Giám đốc Công ty Phước Sang); Phạm Văn Lang (kiểm lâm Hạt Kiểm lâm huyện Hàm Thuận Nam).

Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, HĐXX xét thấy tại phiên tòa vắng mặt người bào chữa cho bị cáo Nguyên Hoàng Cẩn. Đồng thời, bị cáo Cẩn không đủ sức khỏe tham gia phiên tòa và vắng mặt một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trên cơ sở đó, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa. Thời gian mở lại phiên tòa vào lúc 8h, ngày 23/5/2024.

Trước đó vào ngày 10/4, phiên tòa cũng đã hoãn do vắng mặt người bào chữa cho bị cáo và giám định viên cùng một số người có liên quan.

Cựu Tổng giám đốc Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận gây thiệt hại rừng hàng tỷ đồng

Theo bản án sơ thẩm, Nguyễn Tiến Dũng là Tổng giám đốc và Nguyễn Hoàng Cẩn là Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) Lâm nghiệp Bình Thuận (sau đây gọi tắt là Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận) với các ngành nghề kinh doanh chính là trồng rừng, quản lý và chăm sóc rừng do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận giao.

Nguyễn Tiến Dũng là Tổng Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện các dự án hợp tác kinh doanh của Công ty đã ký Hợp đồng kinh tế số 59/HĐKT và phụ lục hợp đồng với Công ty Phước Sang để hợp tác đầu tư sản xuất khoanh nuôi bảo vệ rừng và trồng rừng, trồng cây công nghiệp với diện tích 118ha (trong đó có 29,81ha nằm trong Đề án cải tạo rừng nghèo kiệt bị tạm dừng theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận).

Quang cảnh phiên tòa xét xử phúc thẩm ngày 6/5. (Ảnh: Đắc Phú).

Đối với khu vực diện tích 74ha hợp tác trồng rừng, trồng cây công nghiệp với Công ty Phước Sang.

Mặc dù trong quá trình hợp tác đầu tư với Công ty Phước Sang, Nguyễn Tiến Dũng đã được các bộ phận chức năng của Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận tham mưu về diện tích có hiện trạng rừng phát triển khác với hiện trạng kiểm kê rừng năm 1999, chưa lập biên bản bàn giao thực địa và lập bản đồ khoanh vẽ và đã biết Công ty Phước Sang ủi lấn ngoài diện tích được bàn giao thực địa, tự ý ủi vào khu vực dự án Vĩnh Huê (cũ) trước đây Sở NN&PTNT phối hợp cùng các ban ngành có liên quan thẩm định hiện trạng thuộc RII nhưng Nguyễn Tiến Dũng đã không chỉ đạo kiểm tra để khoanh nuôi bảo vệ cây rừng theo quy định của pháp luật mà vẫn đồng ý cho Công ty Phước Sang san ủi gần hết khu vực 74ha dẫn đến 40,65ha là rừng trạng thái RII bị san ủi hết, gây thiệt hại về trữ lượng gỗ là 1.624,549m3, gây thiệt hại quy bằng tiền về giá trị lâm sản và giá trị môi trường là 3.821.786.062 đồng.

Đối với khu vực 44ha hợp tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng với Công ty Phước Sang. Mặc dù phòng Kế hoạch - Kỹ thuật Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận đã có báo cáo qua khảo sát thực tế thì hiện trạng rừng là RII nhưng Nguyễn Tiến Dũng vẫn đồng ý với ý kiến của Nguyễn Hoàng Cẩn xác định lại hiện trạng rừng theo kết quả kiểm kê rừng năm 1999 và ký phụ lục Hợp đồng kinh tế 59/HĐKT có nội dung sửa diện tích khoanh nuôi bảo vệ rừng từ 44ha thành 10,84ha; dẫn đến việc Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận bàn giao cho Công ty Phước Sang san ủi 21,63ha, theo kết luận giám định có 19,14ha là rừng trạng thái RII gây thiệt hại về trữ lượng gỗ là 776,883 m3 gỗ, thiệt hại quy bằng tiền về giá trị lâm sản và giá trị môi trường là 1.826.601.175 đồng.

Hành vi của Nguyễn Tiến Dũng đã dẫn đến 59,79ha rừng sản xuất có hiện trạng RII bị hủy hoại, với thiệt hại về trữ lượng gỗ là 2.401,432m3, gây thiệt hại quy bằng tiền về giá trị lâm sản và giá trị môi trường là 5.648.387.237 đồng.

Đối với bị cáo Nguyễn Hoàng Cẩn là Phó Tổng giám đốc Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận, được phân công phụ trách công tác kỹ thuật lâm nghiệp, công tác quản lý bảo vệ rừng, theo dõi, chỉ đạo hoạt động của Xí nghiệp Lâm nghiệp Hàm Thuận Nam.

Ngày 16/10/2011, Nguyễn Hoàng Cẩn ký biên bản tạm khoanh giao cho Công ty Phước Sang 23,653ha đất trống và rẫy thu hồi trong khu vực diện tích 74ha, diện tích còn lại thì Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận và Công ty Phước Sang thống nhất sẽ tiếp tục khảo sát hiện trạng cụ thể để quyết định.

Sau đó, qua Báo cáo số 16/XNLNHTN ngày 08/3/2012 của Xí nghiệp Lâm nghiệp Hàm Thuận Nam, Nguyễn Tiến Dũng có bút phê: “Đề nghị phòng KHKT kiểm tra, trước mắt yêu cầu dừng ngay việc ủi lấn ranh giới, tuyệt đối không để xảy ra vi phạm, sơ sót; đồng chí Cẩn kiểm tra báo cáo lại Tổng giám đốc vụ việc nêu trong biên bản kiểm tra và báo cáo của Xí nghiệp Hàm Thuận Nam là thế nào”.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử phúc thẩm ngày 6/5. (Ảnh: Đắc Phú).

Tuy nhiên, Nguyễn Hoàng Cẩn không thực hiện việc kiểm tra lại nội dung báo cáo, cũng không thực hiện đánh giá lại hiện trạng khu vực rừng; đồng thời biết rõ Công ty Phước Sang đã ủi lấn vào khu vực dự án cũ của Công ty cổ phần giấy Vĩnh Huê mà trước đây Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận phối hợp cùng các ban, ngành có liên quan thẩm định hiện trạng là rừng RII nhưng vẫn tiếp tục chỉ đạo để Công ty Phước Sang san ủi gần hết khu vực 74ha (theo kết luận giám định là 63,06ha, trong đó có 40,65ha là rừng trạng thái RII).

Tiếp đó vào năm 2013, sau khi nhận được báo cáo của phòng Kế hoạch - Kỹ thuật Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận về kết quả khảo sát hiện trạng khu vực 44ha, xác định khu vực này là rừng khộp, có kiểu hiện trạng rừng non tái sinh phục hồi chưa ổn định (RII), đề xuất nếu ủi trồng rừng, cây cao su phải đề xuất cấp có thẩm quyền kiểm tra, ra quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, sau đó thực hiện các thủ tục xin cấp phép khai thác, tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ nhưng Nguyễn Hoàng Cẩn lại tiếp tục có văn bản chỉ đạo phòng Kế hoạch - Kỹ thuật cung cấp lại diện tích hợp tác đầu tư theo kết quả kiểm kê rừng năm 1999.

Sau đó, Nguyễn Hoàng Cẩn báo cáo đề xuất với Nguyễn Tiến Dũng sử dụng kết quả kiểm kê rừng năm 1999 để điều chỉnh hợp đồng 59/HĐKT bằng phụ lục hợp đồng, làm cơ sở giao 21,63ha rừng cho Công ty Phước Sang san ủi.

Hành vi của Nguyễn Hoàng Cẩn đã dẫn đến 59,79ha rừng sản xuất có hiện trạng RII bị hủy hoại, với thiệt hại về trữ lượng gỗ là 2.401,432 m3 , gây thiệt hại quy bằng tiền về giá trị lâm sản và giá trị môi trường là 5.648.387.237 đồng, trong đó giá trị lâm sản là 1.412.096.810 đồng, giá trị môi trường là 4.236.290.427 đồng.

Kiểm lâm để cho doanh nghiệp hủy hoại rừng gây thiệt hại nghiêm trọng

Bị cáo Nguyễn Văn Hiền là Phó Giám đốc Công ty Phước Sang, phụ trách quản lý, giám sát việc thực hiện dự án của Công ty Phước Sang theo hợp đồng đã ký kết với Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận.

Tại khu vực diện tích 74ha, Công ty Phước Sang chỉ được Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận bàn giao 23,653ha + 70.050 m2 đất trống và rẫy thu hồi; diện tích còn lại, hai bên thống nhất sẽ khảo sát thực trạng và quyết định.

Tuy nhiên, Nguyễn Văn Hiền đã tự ý thuê người dùng xe ủi cày ủi cây rừng trong diện tích rừng chưa được bàn giao.

Mặc dù, Trạm Lâm nghiệp Hàm Cần đã nhiều lập biên bản yêu cầu Công ty Phước Sang không được tác động đến diện tích chưa được bàn giao nhưng Nguyễn Văn Hiền vẫn tiếp tục chỉ đạo người được Công ty Phước Sang thuê san ủi ở khu vực 74ha; dẫn tới hậu quả có 40,65ha là rừng trạng thái RII bị hủy hoại hoàn toàn, gây thiệt hại về trữ lượng gỗ là 1.624,549 m3, gây thiệt hại quy bằng tiền về giá trị lâm sản và giá trị môi trường là 3.821.786.062 đồng.

Trong đó, thiệt hại về lâm sản là 955.446.516 đồng, thiệt hại về môi trường là 2.866.339.546 đồng.

Tại khu vực diện tích 44ha, Nguyễn Văn Hiền đã chỉ đạo người được Công ty Phước Sang thuê ủi lấn 0,98ha so với diện tích được Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận bàn giao, gây hậu quả thiệt hại 0,98ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên có hiện trạng RII, với thiệt hại về trữ lượng gỗ là 40,443 m3, giá trị thiệt hại rừng quy bằng tiền về giá trị lâm sản và giá trị môi trường là 95.090.764 đồng.

Hành vi của Nguyễn Văn Hiền đã dẫn đến 41,63ha rừng sản xuất có hiện trạng RII bị hủy hoại, với thiệt hại về trữ lượng gỗ là 1.664,992 m3, gây thiệt hại quy bằng tiền về giá trị lâm sản và giá trị môi trường là 3.916.876.826 đồng.

Hội đồng xét xử đọc quyết định hoãn phiên tòa ngày 6/5. (Ảnh: Đắc Phú).

Đối với Phạm Văn Lang là Kiểm lâm địa bàn phụ trách khu vực tiểu khu 279, thuộc xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam chịu trách nhiệm về công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm việc chấp hành pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn được giao.

Mặc dù, biết khu vực rừng Công ty Phước Sang san ủi không có giấy phép nhưng Lang không thực hiện biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi hủy hoại rừng; không kịp thời báo cáo, tham mưu cho người có thẩm quyền huy động lực lượng phòng, chống phá rừng, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản theo quy định của pháp luật nên đã để Công ty Phước Sang hủy hoại diện tích 60,77ha rừng sản xuất hiện trạng RII, với thiệt hại về trữ lượng gỗ là 2.441,875 m3, giá trị thiệt hại rừng quy bằng tiền về giá trị lâm sản và giá trị môi trường là 5.743.478.001 đồng.

Tại bản án sơ thẩm, HĐXX đã tuyên phạt các bị cáo: Nguyễn Tiến Dũng 3 năm tù; Nguyễn Hoàng Cẩn 3 năm tù; Nguyễn Văn Hiền 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 2 năm; Phạm Văn Lang 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 2 năm.

Nguyễn Đắc Phú

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hoan-xet-xu-vi-cuu-pgd-cty-lam-nghiep-binh-thuan-khong-du-suc-khoe-a662268.html