Vũ điệu chuông ngân

Trong các nghi lễ của người Dao đỏ ở vùng cao Lào Cai, múa chuông là vũ điệu linh thiêng, thường được sử dụng trong nhiều nghi lễ truyền thống.

Điệu múa chuông là nét đẹp văn hóa đang được người Dao ở bản Bông 1 - 2 giữ gìn.

Tôi tới bản người Dao đỏ ở bản Bông 1-2, xã Bảo Hà (Bảo Yên) khi các thành viên đội múa đang tập luyện những bài múa mới chuẩn bị cho buổi biểu diễn hưởng ứng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc và các sự kiện quan trọng của địa phương. Những chàng trai, cô gái trong bộ trang phục truyền thống với sắc đỏ - đen chủ đạo, uyển chuyển, hòa mình cùng nhịp điệu chuông ngân như mê hoặc, lôi cuốn người xem, người nghe. Những chiếc chuông theo nhịp tay người múa cũng ngân lên thanh âm khi thì vang vọng, ngân xa, khi lại rộn rã, dồn dập. Tiếng chuông lúc xa, lúc gần, khi nhanh, khi chậm như thúc giục, như mời gọi khách phương xa tới thăm bản làng với những con người chân phương, mộc mạc, thân thiện, mến khách.

Các thành viên đội văn nghệ người Dao giữ gìn điệu múa chuông.

Chị Triệu Thị Mấy, thành viên đội múa chia sẻ: Điệu múa chuông nhìn thì đơn giản nhưng để múa đẹp thì không dễ, phải học từ cách cầm chuông, lắc chuông, mỗi động tác khác nhau tùy vào nhịp cổ tay và tiết tấu bài múa sẽ tạo ra những thanh âm khác nhau. Đó phải là sự kết hợp hài hòa, khéo léo và uyển chuyển.

Những chiếc chuông bằng đồng là nhạc cụ chính của điệu múa chuông đặc sắc.

Cũng theo chị Mấy, ban ngày, các thành viên đội văn nghệ thường bận lên nương, làm ruộng và công việc gia đình nên hầu như mọi người chỉ tranh thủ gặp nhau và tập luyện vào buổi tối. Lúc đầu chỉ có vài người rủ nhau tập, cũng chỉ đơn giản là vì yêu thích và muốn tập luyện để biết, đồng thời giữ gìn điệu múa truyền thống của dân tộc. Bây giờ, đội múa còn được đại diện địa phương đi biểu diễn ở nhiều nơi, quảng bá nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Ông Bàn Tài Bảo chia sẻ về ý nghĩa điệu múa chuông với người con cháu người Dao trong đội văn nghệ bản Bông 1 - 2.

Ông Bàn Tài Bảo, 60 tuổi ở bản Bông 1-2 là thầy cúng ở địa phương cho hay: Điệu múa chuông không chỉ dành cho phụ nữ, mà còn là điệu múa thường được các thầy cúng thể hiện trong các nghi lễ linh thiêng của đồng bào Dao, như Tết nhảy (một nghi lễ tạ ơn tổ tiên, Bàn Vương); lập tịch (cấp sắc, đặt tên cho người trưởng thành); tết thanh minh, tiễn đưa người mất, cầu mùa…

Cũng theo ông Bảo, người Dao có nhiều bài múa chuông, mỗi bài múa ở những dịp khác nhau sẽ mang ý nghĩa khác nhau. Trong Lễ cấp sắc, điệu múa chuông sẽ do thầy cúng và trai tráng thực hiện, thường kết hợp với lời hát (lời khấn) của thầy cúng, có ý nghĩa trang trọng, linh thiêng, mang không khí vui mừng, phấn khởi. Khi điệu múa được thể hiện trong lễ giải hạn, làm ma, làm vía lại mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, tiễn người chết về cõi âm, chia buồn với gia chủ hoặc cầu mong những người còn sống bình an, mạnh khỏe. Điệu múa chuông khi thực hiện ở các lễ hội đầu năm là để mong một năm mùa màng tốt tươi, bội thu; đến cuối năm là múa mừng được mùa, thay lời tạ ơn tổ tiên...

Đội văn nghệ người Dao của Câu lạc bộ Văn nghệ dân gian đền Bảo Hà từng đi biểu diễn ở nhiều nơi.

Ý thức được việc cần góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhiều bạn trẻ người Dao ở bản Bông 1-2 đang theo học múa cùng các thành viên trong đội văn nghệ.

Em Vàng Văn Giang, 15 tuổi, thành viên đội văn nghệ người Dao đỏ xã Bảo Hà hào hứng: Em tham gia đội văn nghệ để được học điệu múa chuông truyền thống và được góp sức bảo tồn văn hóa của dân tộc mình. Em rất vui vì được đi biểu diễn ở nhiều nơi cùng các thành viên đội văn nghệ.

Điệu múa chuông thường được dùng trong các nghi lễ đặc biệt của người Dao.

Để giữ gìn và bảo tồn nét đẹp văn hóa các dân tộc trên địa bàn, trong đó có điệu múa chuông truyền thống của dân tộc Dao đỏ, xã Bảo Hà đã phối hợp với Ban Quản lý di tích huyện Bảo Yên thành lập Câu lạc bộ Văn nghệ dân gian đền Bảo Hà vào tháng 6/2023. Câu lạc bộ gồm 4 đội văn nghệ: Hát then, hát chầu văn, múa của người Dao đỏ và múa của người Mông.

Nhờ tập luyện được nhiều bài múa chuông đẹp, đặc sắc, đội văn nghệ người Dao đỏ đã nhiều lần đại diện địa phương biểu diễn tại ngày hội văn hóa dân tộc Dao ở Sa Pa và Lai Châu. Họ hoạt động rất tích cực và hiệu quả, thu hút nhiều người trong bản tham gia, trong đó có cả học sinh, góp phần truyền dạy cho thế hệ trẻ tình yêu, niềm đam mê và trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân tộc. Xã luôn tạo điều kiện tốt nhất, ngoài hỗ trợ kinh phí hoạt động theo quy định còn thường xuyên động viên, khích lệ các đội văn nghệ duy trì tập luyện và tham gia các hội diễn, lễ hội trong và ngoài huyện.

Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Hà

Mỗi khi rảnh, lúc nông nhàn hoặc chuẩn bị chương trình cho những hội diễn, nhà văn hóa bản Bông 1-2 lại vang lên những điệu chuông ngân. Thấp thoáng, ẩn hiện trong nắng chiều hoặc ánh điện mỗi tối là những chàng trai, cô gái người Dao đỏ trong bộ trang phục truyền thống uyển chuyển hòa mình cùng nhịp chuông, giúp vùng đất này thêm sức sống.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/vu-dieu-chuong-ngan-post375741.html