Vụ cô giáo 'dạy dỗ' trẻ bằng bạt tai ở Bắc Ninh: 'Cần truy trách nhiệm cơ quan quản lý giáo dục địa phương'

Theo chuyên gia pháp lý, nếu để trung tâm giáo dục hoạt động trái phép một thời gian dài tại TP. Từ Sơn (Bắc Ninh) thì cần truy trách nhiệm của cơ quan quản lý về giáo dục ở địa phương.

Xử lý thế nào với hành vi bạo hành cháu bé?

Trao đổi với Gia đình Việt Nam, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Ủy viên Ban Chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhận định là hành vi bạo hành trẻ em gây bức xúc trong dư luận nên cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xác minh làm rõ sự việc để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Chuyên gia pháp lý này cho biết, đối với hành vi bạo hành trẻ em cơ quan điều tra cần làm rõ hành vi này diễn ra từ bao giờ, diễn ra bao nhiêu lần và với những cháu bé nào. Có thể trưng cầu giám định thương tích xác định mức độ tổn thương cơ thể đối với các cháu bé để làm rõ hậu quả, làm căn cứ xử lý người vi phạm theo quy định của pháp luật.

Cháu bé bị cô giáo kẹp tai, tát vào mặt, húc vào đầu tại Trung tâm can thiệp sớm trẻ khuyết tật học hòa nhập hoạt động "chui" trên địa bàn Khu phố Lê Hồng Phong (phường Đông Ngàn, TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Bài liên quan

Cô giáo "dạy dỗ" trẻ bằng bạt tai tại Bắc Ninh: Hoạt động "chui", tự ý nhận 25 cháu bé vào học

Cô giáo mầm non Bắc Ninh "dạy" trẻ bằng bạt tai

Giáo viên nhóm lớp tư thục Elm School - Đà Nẵng bỏ đói, bạo hành trẻ

Cặp vợ chồng nghi bạo hành cháu bé 18 tháng tuổi tại Hà Nội

"Trong sự việc nêu trên thì các cháu bé học tập ở đây đều ở độ tuổi 2-3 tuổi, là trẻ em và không có khả năng tự vệ. Bởi vậy hành vi hành hạ trẻ em không có khả năng tự vệ như vậy gây hậu quả nghiêm trọng, đến mức được xác định là hành vi nguy hiểm cho xã hội thì người thực hiện hành vi sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất có thể tới 03 năm tù theo khoản 2, Điều 140 Bộ luật Hình sự", Luật sư Đặng Văn Cường phân tích.

Trường hợp kết quả xác minh cho thấy hành vi chưa gây ra thương tích nghiêm trọng cho các cháu bé, chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của các cháu bé, chưa gây ra những hệ lụy tiêu cực cho xã hội đồng thời người thực hiện hành vi đã biết ăn năn sám hối thì có thể sẽ không xử lý hình sự mà sẽ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại nghị định 144/2021/NĐ-CP .

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, trong vụ việc này, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của các giáo viên ở cơ sở này, xác định hậu quả đã gây ra đối với các cháu khỏe về thể chất và tinh thần để đánh giá tính chất nghiêm trọng của sự việc làm cơ sở quyết định việc xử lý hình sự hay sự phạt hành chính.

"Cần truy trách nhiệm cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương"

Trước việc Trung tâm can thiệp sớm trẻ khuyết tật học hòa nhập đã hoạt động "chui" trên địa bàn Khu phố Lê Hồng Phong (phường Đông Ngàn, TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) từ tháng 6/2020 đến nay và đang tiếp nhận 25 em học sinh (độ tuổi từ 18 tháng tuổi đến 60 tháng tuổi), Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Ủy viên Ban Chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, theo quy định của pháp luật thì các hoạt động giáo dục được thực hiện tại các cơ sở giáo dục tập trung đòi hỏi phải có sự quản lý nhà nước.

"Giáo dục là hoạt động đặc thù và là ngành nghề kinh doanh có điều kiện bởi vậy, nếu cơ sở giáo dục này không có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền mà hoạt động "chui" thì phải xem xét trách nhiệm trong công tác quản lý đồng thời buộc đóng cửa cơ sở giáo dục này và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật", Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường nói.

Ủy viên Ban Chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, trẻ em là đối tượng chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, đặc biệt là trẻ em ở độ tuổi mầm non thì hoàn toàn không có khả năng tự vệ, hay quấy khóc nên nếu giáo viên không có kỹ năng nghiệp vụ, không được đào tạo bài bản thì rất dễ nổi nóng và thực hiện các hành vi xâm phạm đến thân thể của các em.

Theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, đối với các cơ sở giáo dục hoạt động chui thì người quản lý điều hành cơ sở đó coi thường pháp luật, xem nhẹ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người học và các phụ huynh. Kéo theo đó là các cơ sở giáo dục này sẽ không có các giáo viên có trình độ, đạt chuẩn. Nếu để các trung tâm giáo dục, các trường tư thục hoạt động trái phép một thời gian dài ở địa phương thì sẽ có lỗi của cơ quan quản lý về giáo dục ở địa phương.

"Khi phát hiện ra các cơ sở giáo dục hoạt động chui thì cần truy trách nhiệm về công tác quản lý giáo dục ở địa phương. Bởi có nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động giáo dục thì mới có thể giảm thiểu được những nguy cơ trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại ở các cơ sở giáo dục", Tiến sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường nhận định.

Trước đó, mạng xã hội lan truyền một đoạn clip ghi lại cảnh một bé trai đang trong độ tuổi mầm non ngồi học nhận biết đồ vật với một nữ giáo viên. Trong quá trình dạy, nữ giáo viên liên tục dùng kẹp quần áo kẹp tai cháu bé khi không làm theo hướng dẫn.

Chưa dừng lại ở đó, nữ giáo viên này còn dùng đầu húc mạnh vào cháu bé và liên tục dùng kẹp quần áo dọa kẹp vào mặt, vào tai bé. Sau đó, nữ giáo viên còn véo tai, tát vào mặt cháu bé khiến cháu khóc thét lên.

Theo kết quả xác minh của cơ quan chức năng, cháu bé bị bạo hành trong clip lan truyền trên mạng xã hội tên là P..A.B.K (SN 2020, trú tại phường Đông Ngàn, TP. Từ Sơn) bị Dương Thị H. (SN 2000, trú tại phường Đồng Kỵ, thành phố Từ Sơn) đã có hành vi bạo hành ngày 3/12/2022.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) từ chối thông tin về hình thức xử lý đối với Trung tâm can thiệp sớm trẻ khuyết tật học hòa nhập hoạt động "chui" và trách nhiệm trong vụ việc cháu bé bị bạo hành.

Nam Anh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/vu-co-giao-day-do-tre-bang-bat-tai-o-bac-ninh-can-truy-trach-nhiem-quan-ly-giao-duc-dia-phuong-d188039.html