Vụ chìm sà lan ở Lý Sơn: 4 nạn nhân tử vong không có tên trong danh sách thuyền viên rời cảng

Bốn nạn nhân tử vong được tìm thấy gần vị trí tàu kéo và sà lan bị chìm trên vùng biển Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Tuy nhiên cả 4 người này lại không có tên trong danh sách 5 thuyền viên đăng ký rời cảng Kỳ Hà (tỉnh Quảng Nam).

Bốn nạn nhân tử vong không có tên trong danh sách rời cảng Kỳ Hà

Trước đó, khoảng 11h30 trưa 23/4, tàu kéo LA-06695 kéo theo sà lan LA-06883 chở đá hộc từ cảng Kỳ Hà (tỉnh Quảng Nam) đi huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) để thi công đê chắn sóng cảng Bến Đình, trên tàu có 5 thuyền viên. Đến khoảng 4h sáng 24/4, tàu kéo sà lan di chuyển đến khu vực biển cách đảo Lý Sơn khoảng 3 hải lý về phía bắc thì xảy ra sự cố khiến tàu kéo và sà lan chìm.

Cơ quan chức năng và ngư dân nhanh chóng tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ và phát hiện 4 thi thể gần vị trí xảy ra tai nạn gồm: Trần Minh Phúc (trú Quảng Ngãi), Võ Như Song (trú Tiền Giang) và Đặng Văn Ước, Đặng Văn Nhung (cùng trú Long An). Tuy nhiên, cả 4 nạn nhân này lại không có tên trong danh sách khai báo khi rời cảng Kỳ Hà.

Sà lan bị lật được kéo về gần đảo Lý Sơn để phục vụ công tác điều tra.

Trong khi đó, danh sách đăng ký với cơ quan chức năng trước khi tàu kéo sà lan xuất bến rời cảng Kỳ Hà (Quảng Nam) có 5 thuyền viên làm việc trên tàu kéo và sà lan, gồm: ông Phạm Văn Hiệp (51 tuổi, trú Long An), thuyền trưởng; ông Võ Tấn Khương, máy trưởng; Võ Văn Nhiều, thợ máy; Bùi Minh Trí, thủy thủ (cả 3 cùng trú huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) và thủy thủ Đặng Minh Phương (trú Long An) hiện đang mất tích.

Gia đình 5 nạn nhân cũng đã khai báo, xác nhận với cơ quan chức năng các thuyền viên có đi trên sà lan và tàu kéo lúc xảy ra tai nạn.

Tối 24/4, ông Nguyễn Xuân Sang - Thứ trưởng Bộ GTVT đã có mặt tại Quảng Ngãi để trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ. Ngoài tiếp tục điều động nhiều tàu tham gia tìm kiếm, ông Sang còn yêu cầu các cơ quan phối hợp làm rõ vì sao có sự khác biệt giữa danh sách 5 thuyền viên đăng ký và 4 nạn nhân tử vong.

Theo Đại tá Trần Tuấn Anh - Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Ngãi, hiện không rõ 5 người trong danh sách thuyền viên đăng ký rời khỏi cảng Kỳ Hà đã đón 4 nạn nhân ở vị trí nào đó trên biển hay đăng ký xong mà không đi trên tàu kéo và sà lan, mà giao lại cho 4 nạn nhân lái tàu kéo chở đá từ cảng Kỳ Hà ra đảo Lý Sơn.

Các cán bộ, chiến sĩ tàu SAR 412 đưa thi thể các nạn nhân trong vụ chìm tàu kéo và sà lan vào cảng Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi).

Trong khi đó, ông Lê Văn Lương - Giám đốc Cảng vụ hàng hải Quảng Ngãi nhận định, khả năng cao 5 thuyền viên đăng ký đã tử vong, bởi cơ quan chức năng và người nhà của 5 người này đều không liên lạc được với họ.

“Việc của chúng tôi là phối hợp các đơn vị quần thảo trên biển tìm kiếm. Riêng chuyện 4 người tử vong không nằm trong danh sách 5 thuyền viên đăng ký rời cảng, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ngãi đã vào cuộc điều tra”, ông Lương nói.

Theo nhận định ban đầu của cơ quan chức năng, nhiều khả năng do sà lan chở quá nặng, gặp những con sóng lớn từ các tàu hàng đi ngang khiến sà lan bị lật úp.

Cục Hàng hải yêu cầu tiếp tục tìm kiếm nạn nhân mất tích

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Lê Đỗ Mười vừa có văn bản gửi Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn người bị nạn trong vụ phương tiện LA-06695 (tàu kéo) kéo Sà lan LA-06883 bị tai nạn trên vùng biển Quảng Ngãi.

Sau 5 ngày tìm kiếm các nạn nhân mất tích đến nay vẫn chưa có kết quả.

Theo Cục trưởng cục Hàng hải Việt Nam Lê Đỗ Mười, sau 6 ngày xảy ra sự cố chìm sà lan, công tác tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển vẫn đang triển khai, song biện pháp và phương pháp trong giai đoạn đầu không còn phù hợp nên phải thay đổi giải pháp tìm kiếm với hi vọng tìm thấy được 5 nạn nhân gặp nạn được cho là mất tích.

Ông Mười cho biết, tinh thần chỉ đạo của Bộ GTVT là Cục Hàng Hải Việt Nam, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam cùng Cảng vụ hàng hải các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và TP Đà Nẵng vẫn phối hợp cùng địa phương nỗ lực tìm kiếm 5 nạn nhân mất tích. Tuy vậy, phương án tìm kiếm sẽ thay đổi so với trước đây.

Lực lượng Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi tìm kiếm nạn nhân mất tích.

Cụ thể, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam chủ trì phối hợp với Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam (VISHIPEL) tiếp tục phát đi thông báo hàng hải bằng cả hai ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng Việt với tần suất thích hợp để yêu cầu các phương tiện hoạt động trong khu vực vùng nước nghi ngờ có nạn nhân trôi dạt đến tăng cường cảnh giới, quan sát, kịp thời cứu nạn nhân và nhanh chóng có thông báo cho Trung tâm tìm kiếm cứu nạn điều tàu đến vị trí phát hiện để cứu hoặc vớt thi thể thuyền viên mất tích.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng quyết định rút trung tâm chỉ huy phía trước về tại Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi về Trung tâm vùng 2 tại TP Đà Nẵng để thuận tiện công tác chỉ huy và tìm kiếm cho cơ động.

Nguyễn Ngọc

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vu-chim-sa-lan-o-ly-son-4-nan-nhan-tu-vong-khong-co-ten-trong-danh-sach-thuyen-vien-roi-cang-post1633094.tpo