Vụ cháy máy bay ở Nhật Bản: Hành khách thoát nạn nhờ bỏ lại hành lý

Tất cả 379 người trên chiếc máy bay của Japan Airlines đã thoát nạn một cách 'thần kỳ' sau khi nó bốc cháy do va chạm với phi cơ của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) ở sân bay Haneda, Tokyo vào thứ Ba (2/1).

Đoạn video cho thấy các hành khách gấp rút sơ tán khỏi chiếc Airbus A350 đang bốc cháy như quả cầu lửa bằng cầu trượt tương đối trật tự và gần như không có hành lý xách tay - hoạt động được ca ngợi là một "phép màu" giúp tất cả sống sót.

Trong nhiều năm qua, các cơ quan an toàn hàng không đã luôn cảnh báo rằng việc cố gắng thu thập hành lý xách tay có nguy cơ gây tử vong rất cao khi sơ tán trong các vụ tai nạn máy bay, đặc biệt trong trường hợp hỏa hoạn.

Chiếc máy bay A350 của Japan Airlines bốc cháy tại Sân bay Quốc tế Haneda, ở Tokyo, Nhật Bản vào ngày 2 tháng 1 năm 2024. Ảnh: Reuters

Đã có nhiều bài học đắt giá trong quá khứ về việc hành khách vẫn cố lấy hành lý khi thoát hiểm khỏi máy bay. Bởi vậy, sơ tán là ưu tiên an toàn quan trọng, ít nhất là kể từ giữa những năm 1980, khi chiếc Boeing 737 của hãng hàng không Airtours bốc cháy tại sân bay Manchester ở Anh, khiến 55 người thiệt mạng.

Các nhà điều tra thảm họa năm 1985 cho biết nguyên nhân lớn nhất gây tử vong là do ngạt khói sau khi cửa mở bị chậm trễ và lối thoát hiểm bị hạn chế.

Một nghiên cứu về an toàn của Mỹ năm 2000 cho biết trung bình cứ 11 ngày lại có một chuyến bay sơ tán vì bất kỳ lý do gì. Những sự kiện như vậy thường chỉ gây chú ý khi có hỏa hoạn.

Những cải tiến về cơ chế cửa và hệ thống chiếu sáng khẩn cấp đang ngày càng được củng cố trên các máy bay. Tuy nhiên, những thách thức mới đang nảy sinh từ số lượng hành lý mà hành khách được phép mang lên máy bay.

Các nhà điều tra vụ tai nạn hàng không đã kêu gọi hành khách nên bỏ lại những đồ đạc khi được lệnh sơ tán, nhưng hành khách thường bỏ ngoài tai lời khuyên này.

Năm 2018, Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh đã khuyến nghị tự động khóa các ngăn đựng đồ trên cao sau khi hạ cánh khẩn cấp, để hạn chế hành khách lấy đồ.

Steve Creamer, nhà tư vấn an toàn hàng không và cựu giám đốc cấp cao của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), cho biết: “Rõ ràng đó là một lợi thế nếu bạn không mang theo hành lý của mình”.

"Thật đáng chú ý là họ đã đưa mọi người ra khỏi máy bay. Điều đó nói lên rất nhiều điều về tổ bay và tính kỷ luật của những người trên máy bay", Steve Creamer chia sẻ suy nghĩ về các hành khách trên chuyến bay gặp nạn của Japan Airlines vừa rồi.

Mai Anh (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vu-chay-may-bay-o-nhat-ban-hanh-khach-thoat-nan-nho-bo-lai-hanh-ly-post279539.html