Còn người Hải Dương nào trên các xe tăng vào Dinh Độc Lập?

Gần nửa thế kỷ trước, các cánh quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Dẫn đầu là các thê đội xe tăng có nhiều người Hải Dương trên đó.

Ông Nguyễn Khắc Nguyệt bên "người bạn chiến đấu" của mình - xe tăng 380, hiện vẫn thuộc biên chế Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203. Ảnh: NVCC

"Người bạn chiến đấu" mang tên 380

Nói về lính xe tăng, về người Hải Dương trên xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, hầu hết mọi người chỉ nhớ đến Chính trị viên Vũ Đăng Toàn chỉ huy và lái xe Nguyễn Văn Tập cùng quê Gia Lộc trên xe tăng T-59 số hiệu 390 húc đổ cổng dinh, song có nhiều người Hải Dương hơn thế, trên các xe tăng khác, họ là các pháo thủ, chỉ huy... đã có mặt tại thời khắc lịch sử đó.

Tháng 12/1971, Binh chủng Thiết giáp (sau này là Binh chủng Tăng thiết giáp) lấy 800 quân ở Hải Hưng. Mỗi huyện, thị xã hình thành 1 trung đội, tập trung về xã Ái Quốc (nay thuộc TP Hải Dương) rồi lên Vĩnh Phúc huấn luyện.

Ông Nguyễn Khắc Nguyệt quê ở TP Chí Linh, đi học lái vào trung tuần tháng 3/1972, khi đang học dở đã đi chiến đấu. Nhiều người khác chưa kịp học cũng đã vào chiến trường, vừa đi vừa huấn luyện. Đến tháng 6/1973, ông Nguyệt nhận xe tăng 380 và đồng hành trong suốt các chiến dịch cho đến ngày toàn thắng. Đây là chiếc xe tăng do Trung Quốc sản xuất theo mẫu T-54A của Liên Xô. Xe nặng 36 tấn, trên xe có pháo 100 ly và cơ số đạn gồm 34 viên, bên cạnh pháo là 3 súng máy 12 ly 7 (súng máy cao xạ để bắn máy bay) và 2 khẩu đại liên. Ngoài ra, có vũ khí bộ binh như AK, lựu đạn...

Xe tăng 380 do ông Nguyệt lái có mặt ở TP Đà Nẵng. Bức ảnh do phóng viên Thông tấn xã Việt Nam chụp

Chuẩn bị mở chiến dịch Quảng Trị, Đại đội 4 mà ông Nguyệt là thành viên nhận lệnh vào tây Thừa Thiên, với nhiệm vụ hình thành 1 mũi vu hồi đánh vào sườn Huế. Trên đường, đại đội bị đánh trúng đội hình. Xe tăng 388 bị lật ngửa khiến tất cả 4 người hy sinh. Ngày 23/3/1975, Đại đội 4 đánh trận đầu tiên ở núi Bông, núi Nghệ tây nam Huế; sau đó tiến lên giải phóng Huế, cắm cờ trên Đại Nội...

Đến ngày 29/3/1975, đại đội của ông Nguyệt nhận lệnh đánh vào Đà Nẵng. Giải phóng được Đà Nẵng, Đại đội 4 là đơn vị xe tăng duy nhất đỗ ở nội thành để an dân và làm dân vận.

Kết thúc chiến dịch này, Đại đội 4 chuyển sang Tiểu đoàn 1 (1 trong 2 tiểu đoàn xe tăng chủ lực của Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203) để tiến về Sài Gòn.

Những vết xích tiến vào sào huyệt cuối cùng của địch

Thời khắc lịch sử khi xe tăng 380 do ông Nguyệt lái đi qua cổng Dinh Độc Lập. Bức ảnh do một phóng viên người Pháp chụp, ông Nguyệt đang treo ở nhà riêng tại Hà Nội

Năm 1973, có 8 xe tăng được giao nhận ở tây Quảng Bình, song khi vào đến Sài Gòn chỉ còn lại các xe số hiệu 390, 843, 381, 382 và 380.

Ngày 14/4/1975, bộ phận xe tăng nặng hành quân thần tốc về phía Nam để tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, trong 10 ngày đã cơ động 1.000 km vào Long Khánh, Xuân Lộc, qua Nước Trong, Nhơn Trạch, Long Thành...

Xe 380 của ông Nguyệt bị bắn thủng tháp pháo, 1 khẩu 12 ly 7 bị lật tung, 1 đại liên bị bẹp. Trưởng xe Nguyễn Đình Luông (quê Thanh Hóa), pháo 2 là ông Nguyễn Kim Duyệt (quê Hà Nội) bị thương nặng. Khi đó, ông Nguyệt lái xe đưa thương binh về quân y. Nhưng sau đó, ông Duyệt mất. Trên xe chỉ còn ông Nguyệt và pháo thủ Trương Đức Thọ (quê Thái Bình). Từ thời điểm đó, xe 380 mất sức chiến đấu, do chỉ còn 2 thành viên, vũ khí tổn thất nặng nề, pháo chỉ bắn được bằng tay, không bắn được bằng điện. Ông Nguyệt khi đó bảo ông Thọ nạp sẵn viên đạn xuyên. Đây là viên sinh tử, chỉ bắn khi gặp xe tăng, còn ông Nguyệt lái xe thì dùng súng máy. Rất may trên đường đến Dinh Độc Lập, xe 380 không phải khai hỏa.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đúng 5 giờ 30 ngày 30/4/1975, các cánh quân giải phóng từ 5 hướng đồng loạt tổng tiến công nội đô Sài Gòn. Xe tăng T-54 B số hiệu 843 thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2 đi đầu, tiếp sau là xe T-59 số hiệu 390.

Sau khi tràn qua cầu Sài Gòn, lực lượng đột kích thọc sâu của Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203 chia thành 2 mũi. Xe tăng 843 đã húc vào cổng phụ của Dinh Độc Lập, sau đó bị chết máy. Xe 390 đi sau xông lên húc đổ cổng chính.

Ông Nguyễn Khắc Nguyệt bên bức ảnh chụp thời khắc mình lái xe tăng 380 tiến vào Dinh Độc Lập

Thời điểm đó, xe tăng 380 của ông Nguyệt lái chỉ đến sau xe 834 và xe 390 vài phút. Trên đường vào Dinh, một số chiến sĩ bộ binh của ta nhảy lên xe 380, cho đến bây giờ ông Nguyệt còn không biết họ là ai, vẫn còn hay đã mất.

Ông Nguyệt kể, vào đến sân Dinh Độc Lập, ông đỗ xe gần bồn nước rồi ôm ông Thọ nhảy tưng tưng vì chiến tranh đã kết thúc, đường về quê với mẹ gần lắm rồi. Khi đó ông Nguyệt đeo quân hàm hạ sĩ.

Sau này, những lần về thăm lữ đoàn, ông Nguyệt đinh ninh nội thất và máy móc xe tăng 380 đã thay toàn bộ. Tuy vậy, gần đây ông mới biết xe 380 còn nguyên bản, kể cả mối nối dây điện do ông Nguyệt làm năm 1975. Và chiếc xe này vẫn hoạt động bình thường.

Theo danh sách ông Nguyệt có được, ngoài ông, ông Toàn, ông Tập, người Hải Dương vào Dinh Độc Lập thời khắc lịch sử năm xưa còn có ông Vũ Phi Hải, Đại đội trưởng Đại đội 3, chủ công của Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, quê Thanh Miện; ông Trần Huy Đức, quê Chí Linh, lái xe tăng bơi K63-85, Đại đội 3, Tiểu đoàn 4. Tại Dinh Độc Lập, ông Đức cho ông Nguyệt một chiếc quần, vì quần của ông Nguyệt đã rách. Ngoài ra, còn có ông Trường, quê Tứ Kỳ, lái xe tăng 844. Đánh cánh bắc vào Dinh có ông Nguyễn Đức Khiển, Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 66. Ông Khiển quê Kinh Môn, sau này là Trung tướng...

TIẾN HUY

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/con-nguoi-hai-duong-nao-tren-cac-xe-tang-vao-dinh-doc-lap-379140.html