Vĩnh Phúc: Khai trương app phản ánh kiến nghị và giới thiệu các giải pháp chuyển đổi số

Sáng 6/10, Sở Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị Khai trương app phản ánh kiến nghị và giới thiệu các giải pháp chuyển đổi số, nhằm hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2023, góp phần đưa Vĩnh Phúc hoàn thành được nhiều chỉ tiêu quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương app phản ánh kiến nghị.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số, đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được một số kết quả bước đầu tích cực. Nổi bật là đã tổ chức tập huấn về nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng số và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số cho trên 10.000 người, trong đó, trên 1.500 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và trên 9.200 người hoạt động không chuyên trách, người dân ở thôn tổ dân phố.

Cùng với đó, toàn tỉnh đã đăng ký 881.286 hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt 578.256 tài khoản định danh điện tử, vượt chỉ tiêu được giao, đứng top 10 cả nước. 136/136 xã, phường, thị trấn xây dựng thành công mô hình hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Toàn tỉnh có 1.865 dịch vụ công trực tuyến; đồng bộ 1.288 dịch vụ công trực tuyến tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tỉnh đã hợp nhất Tổ công tác Đề án 06 và Tổ công nghệ cộng đồng với 1.240 tổ và 9.880 thành viên; triển khai thực hiện thí điểm địa chỉ số tại 2 xã Vũ Di, Ngũ Kiên của huyện Vĩnh Tường với trên 6.400 địa chỉ số. Kết quả xếp hạng chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh năm 2022 Vĩnh Phúc xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, để đưa tỉnh Vĩnh Phúc lọt vào top 15 cả nước về chuyển đổi số vẫn còn rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, đặc biệt là doanh nghiệp và người dân phải vào cuộc hưởng ứng, tích cực tham gia; mỗi địa phương cần tạo ra một môi trường thúc đẩy sự đổi mới, khuyến khích các tư duy sáng tạo và thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên; phải dám làm, dám thử nghiệm và không ngừng nỗ lực để cải thiện và phát triển.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Cục Chuyển đổi số quốc gia chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm mới trong triển khai chuyển đổi số của một số Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, nghe đại diện một số doanh nghiệp, đơn vị giới thiệu các giải pháp phục vụ chuyển đổi số như: Trợ lý ảo; thanh toán không dùng tiền mặt; chữ ký số cá nhân; hợp đồng điện tử; nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu các tỉnh, thành phố. Qua đó, rút ra các bài học kinh nghiệm từ những người đi trước, từ những dự án thành công và từ những thất bại để áp dụng vào quá trình thực hiện ở mỗi đơn vị, mỗi địa phương.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nhấn nút khai trương app phản ánh kiến nghị. Đây là ứng dụng do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với VNPT thực hiện nhằm đổi mới phương thức tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân trên địa bàn tỉnh, tiến tới toàn tỉnh sử dụng chung một nền tảng phản ánh kiến nghị hợp nhất, góp phần nâng cao sự hài lòng của tổ chức, công dân, cải cách hành chính; xây dựng chính quyền hiệu lực, hiệu quả, thân thiện.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, ông Đỗ Hữu Vinh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tin tưởng những kinh nghiệm hay, cách làm mới, sáng tạo; những thông tin bổ ích về định hướng phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh cùng với những giải pháp, kỹ thuật, công nghệ, nền tảng, ứng dụng tiêu biểu… được chia sẻ tại hội nghị sẽ giúp các cơ quan trong hệ thống chính trị của tỉnh nghiên cứu, lựa chọn, áp dụng trong quá trình xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm tiếp cận đúng khe hở khách hàng, phù hợp với xu thế và định hướng phát triển của tỉnh; giúp cho người dân hiểu về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh để từ đó tích cực hưởng ứng, tham gia, đáp ứng yêu cầu của công dân trong kỷ nguyên số.

Bích Huệ

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/vinh-phuc-khai-truong-app-phan-anh-kien-nghi-va-gioi-thieu-cac-giai-phap-chuyen-doi-so-362180.html