Thu ngân sách Đồng bằng sông Hồng đứng đầu cả nước

Vùng Đồng bằng sông Hồng đã đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Nổi bật nhất là kết quả thu ngân sách năm 2023 đứng đầu cả nước, ước đạt hơn 720.000 tỉ đồng.

Thủ tướng chủ trì hội nghị lần thứ 3 Hội đồng Điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng. Ảnh: Nhật Bắc

Báo cáo về triển khai quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng tại Hội nghị lần thứ 3 Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội của vùng đạt được nhiều kết quả tích cực, từng bước phát triển ổn định theo định hướng bền vững hơn.

Bên cạnh thu ngân sách Đồng bằng sông Hồng gặt hái nhiều kết quả phát triển kinh tế - xã hội tích cực

Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 của vùng đạt 6,28%, đứng thứ 3/6 vùng kinh tế (sau vùng trung du miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Cửu Long), gấp 1,24 lần so với bình quân chung cả nước (cả nước tăng 5,05%).

Quy mô nền kinh tế giá hiện hành đạt hơn 3.100 tỉ đồng, chiếm 30,1% GDP cả nước, đứng thứ 2/6 vùng kinh tế (sau vùng Đông Nam Bộ 30,2%); GRDP bình quân đầu người đạt 131,9 triệu đồng, đứng thứ 2 cả nước (sau vùng Đông Nam Bộ 166 triệu đồng).

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2023 ước đạt hơn 720.000 tỉ đồng, đứng đầu cả nước (vùng Đông Nam Bộ ước đạt 689.000 tỉ đồng).

Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2023 lớn nhất nước, ước đạt 17,382 tỉ USD (đứng trên vùng Đông Nam Bộ 11,394 tỉ USD), trong đó 5/11 địa phương trong vùng thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng. Ảnh: Nhật Bắc

Quý 1 năm 2024, GRDP bình quân của vùng đạt 6,2% (bình quân cả nước 5,66%), thu cân đối ngân sách Nhà nước đạt 94.000 tỉ đồng, bằng 30,37% dự toán (311.000 tỉ đồng), xuất khẩu ước đạt 31 tỉ USD, chiếm 33,9% kim ngạch xuất khẩu cả nước (93 tỉ USD); giải ngân vốn đầu tư công của vùng ước 4 tháng đạt hơn 25.128 tỉ đồng, đạt 14% kế hoạch (cả nước 17,5%).

Chất lượng cơ sở hạ tầng vùng Đồng bằng sông Hồng ngày càng được cải thiện, có 4/11 địa phương nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có cơ sở hạ tầng tốt nhất cả nước. Trong đó, Quảng Ninh dẫn đầu cả nước, Hà Nội đứng thứ 4, Hải Phòng thứ 7 và Bắc Ninh thứ 8.

Tuy nhiên, Đồng bằng sông Hồng còn một số khó khăn về hạ tầng đô thị, các vấn đề về môi trường có tính liên vùng; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực cho phát triển, các hoạt động liên kết, điều phối vùng cần được quan tâm hơn nữa.

Phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng là động lực phát triển hàng đầu

Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tháng 5. Quy hoạch được xây dựng dựa trên quan điểm phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, động lực phát triển hàng đầu, có vai trò dẫn dắt.

Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm tổ chức không gian hợp lý, hiệu quả, thống nhất, liên kết nội vùng, liên vùng, khu vực và quốc tế, phát huy tối đa những lợi thế của vùng và tác động lan tỏa của các vùng động lực, cực tăng trưởng, các hành lang kinh tế và các cảng quốc tế.

Vùng Đồng bằng sông Hồng thu ngân sách đứng đầu cả nước. Ảnh: Thùy An

Tầm nhìn đến năm 2050, Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái, thu nhập cao; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Hình thành các trung tâm dịch vụ lớn mang tầm khu vực và thế giới về thương mại, du lịch, tài chính, logistics ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Phát triển hệ thống đô thị vùng theo hướng xanh, thông minh, có vai trò, vị thế xứng đáng trong mạng lưới đô thị châu Á - Thái Bình Dương.

Để phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng, một trong những giải pháp quan trọng nhất là rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành để điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển vùng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng đề xuất rà soát 5 nhóm cơ chế, chính sách, cụ thể:

Thứ nhất, nhóm chính sách về phân cấp, phân quyền thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng liên kết vùng.

Thứ hai, nhóm chính sách về phân cấp tài chính-ngân sách.

Thứ ba, nhóm chính sách về thu hút nhân tài, sử dụng nguồn nhân lực và lao động chất lượng cao.

Thứ 4, nhóm chính sách về phát triển logistics và công nghiệp hỗ trợ.

Thứ 5, nhóm chính sách về huy động, sử dụng và phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Phạm Thúy Hằng

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/thu-ngan-sach-dong-bang-song-hong-dung-dau-ca-nuoc-179240509132748754.htm