Việt Nam - 'Ngôi sao kinh tế' nhưng đang… ngược gió!

Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, không được phép để các nguồn lực bất động. Năng lực – tiềm năng phải được chuyển hóa thành thực lực - động lực. Nguồn lực không chuyển hóa được thành động lực, nền kinh tế dễ bị tổn thương.

Diễn ra ngay sau phần khai mạc, phiên chuyên đề đầu tiên của Diễn đàn kinh tế - xã hội 2023 mang chủ đề “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó”.

Là người phát biểu mở màn phiên chuyên đề đầu tiên này, PGS.TS.Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói về khơi thông nguồn lực, phát huy năng lực nội sinh của doanh nghiệp và phát triển kinh tế với tiêu đề “Ngôi sao kinh tế và nghịch lý phát triển”.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: HL.

Ngôi sao ngược gió

Mở màn bài phát biểu, vị chuyên gia này nhấn mạnh: Trên bình diện tổng quát, có thể nói Việt Nam – cùng cả thế giới đang trong một bước chuyển lịch sử - thời đại, với sự thay đổi lớn.

“Quá trình thay đổi đang diễn ra nhanh chưa từng thấy, mang tính hệ thống và rất căn bản (toàn diện, triệt để). Nó tạo ra những cơ hội và thách thức khác thường, đặc biệt là cho những nước đi sau”, PGS.TS.Trần Đình Thiên nhận định.

Nhận định này của ông Thiên mang hàm nghĩa: việc giải quyết hệ vấn đề phát triển đương đại đòi hỏi tầm nhìn, năng lực và cách tiếp cận mới về nguyên tắc.

Cùng trong bối cảnh phát triển chung, Việt Nam ở trong một tình thế phát triển có nhiều nét khác biệt, thậm chí khác thường, ông Thiên nói.

Điểm khác đầu tiên đó là năng lực trụ hạng”, khả năng “đối mặt các con gió ngược” rất ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam.

Năng lực này thể hiện rất rõ trong đại dịch COVID19 và trong lúc kinh tế thế giới đang suy giảm hiện nay, không hoàn toàn giống nhiều nước khác, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, tạo được đà và thế tăng trưởng – phát triển nhìn chung là tích cực.

Việt Nam thật sự xứng đáng với lời khen tặng và những đánh giá tích cực của cộng đồng thế giới về sức hấp dẫn đầu tư và triển vọng sáng sủa, ông Thiên nói và dùng đến cụm từ so sánh Việt Nam là ngôi sao ngược gió. Nhưng vị chuyên gia này cũng thấy buồn vì quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thường chứa đựng “nghịch lý” và có cả những nghịch cảnh.

Nói đến những nghịch lý và nghịch cảnh, theo ông Thiên chỉ ra, tăng trưởng kinh tế đang suy giảm liên tục. Trong gần 40 năm đổi mới, dù mức tăng trưởng bình quân không thấp, song cứ sau mỗi giai đoạn 10 năm, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam lại bị giảm gần 1,0% tốc độ bình quân. Tăng trưởng GDP cao nhưng lạm phát thấp; Lạm phát thấp nhưng lãi suất cao.

Doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành. Nền kinh tế “khát vốn” nhưng lại khó hấp thụ vốn. Đó là nghịch lý.

Khẳng định doanh nghiệp Việt Nam có năng lực chống chịu và sinh tồn phi thường, vị chuyên gia này cảm thán nói: Hiếm có nơi nào trên thế giới mà các doanh nghiệp phải trả giá vốn cao như ở Việt Nam –cao gấp hai, gấp ba lần các nền kinh tế thị trường bình thường trên thế giới.

Đã vậy còn các khoản chi phí giao dịch khác cũng thường cao vượt trội.

Thế nhưng, các doanh nghiệp Việt vẫn tồn tại – một cách bền bỉ và mạnh mẽ, đóng góp ngày càng lớn vào thành tựu phát triển của đất nước.

Nền kinh tế khô hạn, vốn bị "nhốt"

Câu hỏi đặt ra là tại sao với năng lực “chống chịu” và “trụ hạng” hiếm có như vậy mà đa số doanh nghiệp Việt mãi cứ là những thực thể nhỏ bé và yếu kém, cứ “chậm lớn”, “khó lớn”, “ngại lớn”, và “li ti hóa” trở thành xu hướng.

Ông Thiên cũng tỏ ra lo ngại trước đề tuổi thọ của doanh nghiệp Việt. “Rất là đáng lo ngại”, ông nói. Hàng năm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng cỡ 70-75% số doanh nghiệp mới ra đời. Đây là một tỷ lệ không bình thường. Nó hàm ý số doanh nghiệp Việt sống thọ không nhiều. Một bộ phận lớn trong đó “chưa kịp lớn” đã “ra đi”. “Nó báo động chất lượng thấp, năng lực cạnh tranh yếu của doanh nghiệp Việt Nam ”, ông Thiên nói.

Và một nghịch cảnh phát triển, đó là nền kinh tế bị khô hạn nhưng tiền bị nhốt.

Nhiều doanh nghiệp “đói vốn” nhưng lâm vào tình thế “không thể, không dám và không cần” vay vốn dù Chính phủ đã nỗ lực đưa ra nhiều chính sách và giải pháp mạnh, hệ thống ngân hàng cũng làm điều “chưa từng thấy”: 4 lần hạ lãi suất, áp dụng nhiều giải pháp nới lỏng điều kiện tiếp cận vốn. Nền kinh tế vẫn không hấp thụ được vốn.

Nêu lên những nghịch lý, nghịch cảnh đó ông Thiên dẫn đến vấn đề rất phải lưu tâm, đó là tình trạng ách tắc các nguồn lực. Tình trạng ách tắc này là căn nguyên “bất động hóa” các nguồn lực, làm cho chúng không thể chuyển hóa thành “động lực phát triển”. Vì thế cơ thể kinh tế bị suy yếu, bị tổn thương và bất ổn.

“Không được phép để các nguồn lực bất động”, PGS. TS. Trần Đình Thiên phát biểu. Năng lực – tiềm năng phải được chuyển hóa thành thực lực - động lực. Lợi thế so sánh, để phát huy được, phải biến thành lợi thế cạnh tranh. Không có sự chuyển hóa đó, nền kinh tế sẽ trì trệ, thua kém trong cạnh tranh.

Bảo đảm để các nguồn lực lưu thông thông suốt là yếu tố quyết định hiệu quả của nền kinh tế và của doanh nghiệp.

Phải hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế hành chính, “xin – cho”. Phải ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường, đặc biệt là các thị trường “đầu vào”, để việc phân phối các nguồn lực theo đúng nguyên tắc thị trường. Đó là những đúc kết mang tính nguyên tắc – nguyên lý, nhưng thực chất là trực tiếp hướng tới giải quyết những vấn đề căn cốt đang đặt ra cho cho nền kinh tế Việt Nam ở khía cạnh tạo động lực và giải phóng năng lực phát triển.

Phải nguồn lực bảo đảm tam thông: Thông suốt hạ tầng bao gồm cả thông hạ tầng kết nối, cả hạ tầng cứng lẫn hạ tầng mềm, hạ tầng số. Thông thoáng cơ chế bao gồm thể chế thị trường, công khai – minh bạch, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh,… và Thông minh vận hành (bộ máy điều hành đồng thuận, đồng hướng, đồng nhịp, năng động, sáng tạo).

“Vấn đề mấu chốt của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là “thông mạch, thông các nguồn lực” để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển. Thông được nguồn lực, nền kinh tế của ta sẽ được giải phóng”, PGS.TS.Trần Đình Thiên kết luận.

Hà Nguyễn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viet-nam--ngoi-sao-kinh-te-nhung-dang-nguoc-gio-post265215.html