Việt Nam có cần thêm liên hoan phim quốc tế?

Đó cũng là câu hỏi được các diễn giả đặt ra trong hội thảo nhân dịp Liên hoan phim Ý diễn ra tại Hà Nội. Theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, trên thế giới đã có 10.000 liên hoan phim, vì thế, việc thêm một liên hoan phim quốc tế ở Việt Nam cũng không có nhiều giá trị nếu chúng ta làm không tốt.

Điều cần hơn, không phải là những cuộc liên hoan rình rang, tốn kém, mà là tạo cơ hội nào cho điện ảnh Việt phát triển.

Liên hoan phim quốc tế - Đừng chỉ là hoạt động ngoại giao

Từ năm 2024 trở đi, Việt Nam sẽ có 3 liên hoan phim quy mô quốc tế, gồm: Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF), Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng (DANAFF) và Liên hoan phim quốc tế TP Hồ Chí Minh (HIFF).

Liên hoan phim quốc tế Hà Nội có thâm niên 13 năm.

Liên hoan phim quốc tế Hà Nội đã có thâm niên 13 năm với 6 lần tổ chức, nhưng theo đánh giá của giới chuyên môn, nó chưa thực sự tạo được dấu ấn khác biệt. Tháng 5/2003, Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng lần đầu được tổ chức tại Đà Nẵng. Đây là một kỳ liên hoan tiệm cận với mô hình của nhiều liên hoan phim quốc tế về các chương trình và tính chất, quy mô với 2 hạng mục dự thi, phim châu Á và phim Việt Nam. DANAFF được kỳ vọng sẽ là một liên hoan phim của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giới thiệu đến công chúng những tác phẩm điện ảnh châu Á và thế giới.

Năm 2024, Liên hoan phim quốc tế TP Hồ Chí Minh sẽ ra mắt. Bộ ba HANIFF - DANAFF - HIFF sẽ vinh danh những tác phẩm điện ảnh có giá trị ở nhiều thể loại: Phim dài (trên 90 phút), phim ngắn, phim tài liệu... hay cá nhân người làm phim, diễn viên, quay phim, biên kịch.

Tuy nhiên, với hàng ngàn liên hoan phim trên thế giới, có những liên hoan phim có lịch sử lâu đời hàng trăm năm, thì các liên hoan phim quốc tế tại Việt Nam làm thế nào để định vị mình trên bản đồ khu vực và toàn cầu? Đây là bài toán không hề đơn giản, bởi nền điện ảnh của chúng ta còn thiếu tiềm lực. Cần làm gì để khác biệt và tạo ra giá trị ngoài một lễ hội?

Theo ông Phạm Minh Toàn - Giám đốc điều hành Liên hoan phim quốc tế TP Hồ Chí Minh, không thể phủ nhận những lợi ích từ các liên hoan phim quốc tế mang lại cho ngành điện ảnh và kinh tế trong nước. Lợi ích từ các liên hoan phim mang lại trước hết cho ngành điện ảnh trong nước, gặp gỡ các nhà làm phim, tham dự các khóa học, khán giả được xem những bữa tiệc văn hóa qua điện ảnh. Quan trọng hơn là không khí lễ hội không chỉ chiếu phim mà các hoạt động ở ngoài, thời trang, âm nhạc. Ngoài điện ảnh thì nó giúp kích cầu du lịch, như Liên hoan phim Busan ở Hàn Quốc, có những khán giả đặt vé sang chỉ để xem phim, coi xem phim là tour du lịch. Ngoài ra, có những nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn liên hoan phim diễn ra.

"Ngoài các hoạt động văn hóa, liên hoan phim còn tạo ra cơ hội thúc đẩy hợp tác sản xuất phim, gặp gỡ các nhà làm phim. Các nước trong khu vực rất cởi mở, kêu gọi hợp tác sản xuất, nếu các dự án phim vào nước họ quay sẽ được giảm 40% thuế, đó là nguồn phát triển kinh tế rất tốt mà chúng ta đang thiếu", ông Toàn nói.

Theo nhà phê bình Lê Hồng Lâm, cần làm sao để trở thành một liên hoan phim thực sự chứ không chỉ là lễ hội để gặp nhau.

"Hy vọng liên hoan phim quốc tế ở Việt Nam tìm được tiếng nói riêng, để dù sinh sau đẻ muộn nhưng có tiếng nói riêng. Đó phải là nơi gieo mầm cho những nhà làm phim trẻ, trong khi Nhà nước chưa có hỗ trợ và họ đang chật vật làm phim", ông Lê Hồng Lâm nói.

Ở Việt Nam, bao nhiêu liên hoan phim là đủ?

Ông Antonio Termenini, Giám đốc Liên hoan phim châu Á tại Rome, Giám tuyển Liên hoan phim Ý vừa tổ chức ở Hà Nội - chia sẻ, ở Ý có khoảng 300 liên hoan phim (tính cả những liên hoan phim nhỏ, chiếu phim ngắn thì con số có thể lên 500). Song, "chỉ có khoảng 50% liên hoan phim tạm gọi là có chất lượng. Còn lại, một nửa trong số đó có những bộ phim lặp lại mà không có một ý tưởng mới mẻ gì". Vì thế, tại Việt Nam, các nhà tổ chức nên lựa chọn cách thức phù hợp.

Phim “Tro tàn rực rỡ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên vừa giành Giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng, không thể phủ nhận những lợi ích mà liên hoan phim quốc tế mang lại, nhưng nhìn vào nội lực của mình, chúng ta cần gì cho chính nền điện ảnh này. Nếu làm liên hoan phim vì du lịch, kinh tế thì để cho các nhà du lịch họ làm, bởi điều nhà làm phim cần không phải là các liên hoan. Vấn đề không phải là Việt Nam có bao nhiêu liên hoan phim mà cách vận hành như thế nào, có hiệu quả không và chúng ta có phim tốt để tham dự không. Trong hai sự kiện điện ảnh trong năm nay là Giải Cánh diều và Liên hoan phim Việt Nam, về cơ bản cũng chỉ có từng đó bộ phim tham dự.

Cũng theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, liên hoan phim nên là nơi trưng bày, chiếu phim, không chỉ phim dự thi mà còn bán, phát hành phim ở đó; đồng thời tạo cơ hội hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực với nhau. Việc tìm kiếm cơ hội, không chỉ các nhà làm phim trẻ mà những người làm phim gạo cội cũng cần cất tiếng nói để đi tiếp con đường của mình vì nó là một nền công nghiệp điện ảnh. Ngoài ra, các nhà làm phim hợp tác với nhau từ các liên hoan, quan sát, trao đổi, có hệ thống kết nối các liên hoan để tìm tài năng, có hoạt động cho các tài năng mang phim đến trình chiếu và hợp tác với nhau.

Hiện, điện ảnh châu Á đang là một miền đất hứa, không kém gì các nền điện ảnh lớn trên thế giới. Có điều, làm thế nào để liên hoan thu hút đông đảo công chúng, đó là trách nhiệm của nhà tổ chức.

Ông Phạm Minh Toàn cho rằng, một liên hoan phim được như kỳ vọng phải mất 4-5 triệu USD, tối thiểu cũng phải 2 triệu USD. "Cái khó nhất trong việc tổ chức một liên hoan phim là phải lo nhiều thứ, cần lên một chương trình rõ ràng, trình chiếu phim nào, giới thiệu nhà làm phim nào, có ý tưởng rõ ràng rất quan trọng, chắc chắn. Và, phải có bản sắc riêng cho một liên hoan. Như Liên hoan phim TP Hồ Chí Minh được kỳ vọng sẽ biến thành phố thành thành phố phim, đầu tư cho điện ảnh để gia nhập thành phố sáng tạo. Chúng ta đang ở lứa thế hệ vàng, nhà sản xuất, đạo diễn trong nước đang mạnh lên, chúng ta muốn đón cơ hội đó và đẩy nó lên".

Theo ông Toàn, mỗi liên hoan phim có một vai trò khác nhau, ở các địa phương đôi khi chỉ vui thôi, góp phần làm cho hoạt động văn hóa ở địa phương đó đa dạng hơn, nâng cao đời sống tinh thần. Vì thế, các liên hoan phim ở đó thay vì chỉ chiếu phim sẽ có cộng hưởng của âm nhạc và phim ảnh. Bởi, thực tế ở Việt Nam, khán giả là một bài toán khó. "Như Liên hoan phim châu Âu, tuyển chọn những phim hay nhưng đi ra khỏi Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì không có khán giả. Khán giả quen những với phim bom tấn, nhanh nên không tiếp cận được. Liên hoan phim thu hút khán giả rất khó khăn, chúng ta chưa có nền tảng cho phim độc lập vì thế cần sự hỗ trợ của truyền thông để khán giả thay đổi thói quen, tiếp cận với dòng phim nghệ thuật, phim độc lập. Ngoài ra, chúng ta cũng cần sân chơi cho các nhà làm phim trẻ, cần có liên hoan phim ngắn để tạo sân chơi cho người trẻ".

Ông Antonio Termenini khẳng định, cái khó nhất là làm sao tạo được bản sắc cho một liên hoan phim. "Tổ chức một liên hoan phim ở Bangkok, Rome, Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh bao giờ cũng khó khăn vì là những thành phố rộng. Vì vậy phải có kế hoạch rõ ràng, định tổ chức hoạt động gì và quan trọng là việc tạo ra bản sắc cho liên hoan phim.

Còn PGS - TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam cho rằng: “Điện ảnh được xác định là một ngành công nghiệp, một ngành kinh tế, vì thế chúng ta cần có những cơ chế, chính sách phù hợp để phát huy năng lực, sự sáng tạo của các nhà làm phim, thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước cho điện ảnh. Liên hoan phim là một cơ hội để chúng ta quảng bá hình ảnh và đất nước con người Việt Nam cũng như kết nối các nhà làm phim nước ngoài đến Việt Nam, vì thế, điều quan trọng là chúng ta phải tạo ra bản sắc, sức hút riêng của mình, để làm sao Liên hoan phim quốc tế ở Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà làm phim thế giới và khu vực. Điều đó sẽ kích hoạt nền công nghiệp điện ảnh phát triển mạnh mẽ trong tương lai”.

Việt Linh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/viet-nam-co-can-them-lien-hoan-phim-quoc-te--i718249/