Hé lộ thương cảng quốc tế ở Kinh Môn?

Việc khảo cổ nhiều đồ gốm, tiền của qua nhiều thế kỷ, quốc gia tìm được ở nơi đây… hé lộ có thể thị xã Kinh Môn (Hải Dương) trước đây từng có thương cảng.

Nhiều hiện vật cổ hiện được lưu giữ tại chùa Nhẫm Dương, phường Duy Tân (Kinh Môn)

Tìm thấy nhiều đồ cổ

Trong chùa Nhẫm Dương (phường Duy Tân, Kinh Môn) hiện còn lưu rất nhiều đồ gốm, tiền cổ, mảnh ngói, đồ sành... của Việt Nam và nhiều quốc gia trong nhiều thế kỷ.

Từng tìm được những mảnh gốm khi đào ao thả cá, ông Trần Đức Mẫn ở xóm 1, thôn Cậy Sơn (xã Hoành Sơn) cho biết: “Tôi không quá bất ngờ khi đào được các mảnh gốm, vì trước đây ở khu vực này đã có nhiều người đào được những mảnh gốm tương tự. Tôi được cán bộ chuyên môn của xã thông tin lại, những đồ gốm này được các nhà khảo cổ học nghiên cứu và xác định có niên đại từ thế kỷ 1-3”.

Trong hơn 700 sản phẩm, mảnh gốm được tìm thấy tại khu vực Kinh Môn, những đồ gốm khoảng thế kỷ 1-3 được xác định sản xuất tại lò Tam Thọ, Thanh Hóa. Đồ gốm đầu thế kỷ 7-9 có thể được sản xuất ở các lò Bắc Ninh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc. Đồ gốm thời Đinh - tiền Lê (khoảng cuối thế kỷ 9-10) cũng được phát hiện tại Nhẫm Dương.

Ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội sử học tỉnh Hải Dương thông tin về giá trị lịch sử của những đồ gốm, tiền... được tìm thấy ở khu vực Kinh Môn

Đồ gốm cuối thời Lý, thời Trần và thời Hồ khá nguyên vẹn, đồ gốm Trung Quốc thời Nguyên có mặt với số lượng rất lớn ở vùng Nhẫm Dương.

Đồ gốm từ thế kỷ 15-18 tuy chỉ tìm được loại bình dân nhưng cũng có gần như đủ sản phẩm của các lò gốm ở Hải Dương như: Chu Đậu, Mỹ Xá, Cậy, Bá Thủy, Hợp Lễ... và lò ở các tỉnh lân cận như: Phù Lãng (Bắc Ninh), Thổ Hà (Bắc Giang), Xích Đằng (Hưng Yên), Bát Tràng (Hà Nội)... Còn thời Nguyễn, dù vẫn tìm thấy gốm Móng Cái (Quảng Ninh) và của các nơi khác nhưng số lượng ít hơn.

Khu vực ao nhà ông Trần Đức Mẫn ở xóm 1, thôn Cậy Sơn, xã Hoành Sơn (Kinh Môn), nơi tìm thấy nhiều mảnh gốm cổ

Cùng với đồ gốm còn tìm thấy 728 đồng tiền cổ, 1 bình gốm bên trong chứa nhiều tiền kết dính với nhau thành 1 khối và 1 bao tiền Ngũ Thủ. Ngoài tiền của Việt Nam, còn tìm thấy tiền của Trung Quốc, Lào, Nhật Bản. Tiền Việt có thời Lý, Trần, Lê Sơ, Tây Sơn… Tiền Trung Quốc có thời Đông Hán, Tây Hán, Tam Quốc, Trung Hoa Dân Quốc...

Theo ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Sử học tỉnh Hải Dương, khu vực này phải có sự giao lưu, buôn bán mang tính quốc tế thì mới có thể tìm thấy được nhiều tiền cổ và đồ gốm như vậy. Trong cuốn “Đến với vùng văn hóa Kinh Môn” do Hội Khảo cổ học Việt Nam phối hợp UBND huyện Kinh Môn xuất bản năm 2018, ông Trần Anh Dũng (Hội Khảo cổ học Việt Nam) cũng đưa ra nhận định, với việc tìm thấy nhiều tiền cổ và gốm cổ, vùng này có thể hình thành một số thương cảng và được duy trì trong nhiều thế kỷ để đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân.

Căn cứ thực tiễn

Chùa Nhẫm Dương hiện lưu giữ khá nhiều tiền cổ của Việt Nam và một số nước qua nhiều thời kỳ

5 xã, phường "khu đảo" của thị xã Kinh Môn gồm: Hoành Sơn, Duy Tân, Minh Tân, Tân Dân và Phú Thứ có nhiều con sông lớn chảy qua như Đá Vách, Kinh Thầy, Đông Mai, Kinh Môn… Các con sông này nối thông với nhau, tạo ra nhiều ngã ba sông như Cậy, Phi Liệt, Nống nên giao thông thủy rất thuận lợi.

Ông Tăng Bá Hoành cho biết thêm trước thời Pháp thuộc, giao thông đường thủy ở nước ta và nhiều nước trên thế giới rất phát triển, vì có thể vận chuyển hàng hóa với số lượng lớn. Kinh Môn gần cửa biển nên rất có thể hình thành các bến neo thuyền trung chuyển hàng hóa giữa nội địa với quốc tế.

Kinh Môn hội tụ nhiều con sông lớn thông với nhau

Đưa chúng tôi đi thăm khu vực bãi Cầu Thủ, nằm kề sông Đá Vách, anh Trần Quang Sơn, cán bộ văn hóa xã Hoành Sơn cho biết khu vực này đã trở thành bãi trồng sắn dây của người dân nhưng theo người xưa truyền lại, đây từng là bến sông chiều dài khoảng 100 m, rộng từ 100-200 m. "Đã có nhiều đồ gốm tìm được tại khu vực bãi Cầu Thủ. Cách đây hơn 1 tháng, cũng có 1 đoàn khảo cổ đến khu vực này tìm hiểu", anh Sơn nói.

Ngoài bãi Cầu Thủ, ở phường Duy Tân, xã Hoành Sơn cũng được các nhà khảo cổ học xác định có thể có nhiều bãi cổ khác như Trại Xanh, Núi Bến, Đầu Chủ… vì đã tìm được khá nhiều các mảnh gốm và ngói cổ, đồ sành. Điều đó chứng tỏ người xưa còn xây dựng nhà cửa, lều quán làm nơi sinh sống, buôn bán quanh khu vực này.

Khu vực bãi Cầu Thủ ở xã Hoành Sơn (Kinh Môn) có thể là một bến sông giao lưu, buôn bán trước kia

Ở "khu đảo" cũng có nhiều ngôi chùa, đền cổ được xây dựng như đền Cao, chùa Nhẫm Dương, chùa Tường Vân... trên khuôn viên vài km2, chứng tỏ việc đi lại, giao thương ở vùng này đã từng khá sôi động, thu hút phật tử từ nhiều nơi.

THANH HÀ

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/he-lo-thuong-cang-quoc-te-o-kinh-mon-379866.html