Vì sao vé máy bay vẫn đắt hơn trước dịch

Khi đại dịch qua đi và các nền kinh tế mở cửa trở lại, một vấn đề mới đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Đó là giá vé máy bay quá đắt.

Theo Bloomberg, rất nhiều người tìm vé máy bay để đi làm hoặc du lịch sau 2 năm giãn cách, nhưng họ đều phàn nàn rằng giá cả quá cao.

"Nhu cầu đi máy bay là cực kỳ lớn nên giá vé máy bay có thể sẽ cao hơn 30% so với thời kỳ trước đại dịch, bất kể là ghế ngồi hạng sang hay hạng thường đều kín chỗ", CEO Ed Bastian của hãng hàng không Delta Air Lines nhận định.

Giá vé máy bay đang ở mức quá cao. Ảnh: Laurel Chor.

Thiếu máy bay, nhân sự

Trong thời kì đại dịch, có tới 16.000 máy bay - chiếm khoảng 2/3 đội bay thương mại của thế giới - bị bỏ không.

Do đó, việc khởi động lại số máy bay này là cả một vấn đề lớn vì các hãng sẽ tốn rất nhiều chi phí cho việc kiểm tra và sửa chữa để đảm bảo an toàn. Kể cả khi nhiều chiếc trong số này được đỗ tại các sa mạc ở Mỹ và Australia - nơi giúp chúng ít bị hao mòn hơn - thì đa số vẫn gặp vấn đề về động cơ.

Hơn thế nữa, các nhà sản xuất máy bay hiện không thể đáp ứng nhu cầu mua mới do thiếu lao động tại các nhà thầu phụ. Các lệnh trừng phạt liên quan đến Nga cũng khiến Airbus, Boeing và nhiều nhà cung cấp gặp phải khó khăn khi không tìm được nguồn nguyên liệu thay thế cho sản xuất.

Ví dụ, các hãng hàng không như Spirit Airlines và IndiGo của Ấn Độ mới đây đã buộc phải ngừng hoạt động một số máy bay do không có đủ linh kiện để sửa chữa lại các bộ phận bị hỏng.

Ngoài lý do kể trên, việc ngành hàng không thiếu nhân viên cũng là một yếu tố khiến giá vé đắt đỏ. Sau 2 năm giãn cách và phải giảm công suất, hàng trăm nghìn phi công, tiếp viên, chuyên viên kỹ thuật... đã mất việc làm và phải chuyển sang ngành nghề khác. Thế rồi khi nhu cầu bật tăng trở lại, các hãng hàng không khó có thể tuyển dụng ồ ạt để lấp chỗ trống ngay được bởi những nhân viên cũ đã có công việc khác.

Mới đây, sân bay Changi tại Singapore - vốn từng được bình chọn là sân bay tốt nhất thế giới - cũng đang phải đăng tuyển thêm 6.600 lao động. Rất nhiều cựu nhân viên tại đây không trở lại vì đã tìm được công việc khác, trong khi nhiều người lựa chọn ưu tiên cho gia đình.

Tại Mỹ, tình hình còn thê thảm hơn khi các hãng hàng không nhỏ lẻ không thể chạy hết công suất do phi công đã bị những hãng lớn thuê hết. Tại Anh, hàng trăm nghìn chuyến bay đã bị hủy, trì hoãn do thiếu phi công hoặc máy bay.

Ngoài ra, các sân bay lớn tại châu Âu đều đang phải đối mặt rủi ro hoãn hoặc hủy chuyến do thiếu chuyên viên mặt đất.

Giá nhiên liệu tăng cao

Một lý do khác nữa ảnh hưởng đến ngành hàng không là giá nhiên liệu. Tuy giá mặt hàng này đã dần hạ nhiệt trong năm qua, dầu thô vẫn đắt hơn 50% so với trước đại dịch.

Theo dữ liệu từ nhiều nghiên cứu gần đây, giá xăng dầu hiện chiếm đến 38% tổng chi phí bình quân của ngành - cao hơn nhiều so với mức 27% vào năm 2019. Với một số hãng hàng không giá rẻ, tỷ lệ này có thể lên đến 50% khi giá nhiên liệu phi mã.

Lấy ví dụ tại New York, giá xăng máy bay đã tăng hơn 80% từ 2022 đến nay, do đó, dù mức phí và thuế ở từng bang là khác nhau, nhiều hãng hàng không Mỹ đã buộc phải nâng giá vé để bù đắp chi phí.

Tại châu Á, phần lớn hãng hàng không đều không có quỹ dự phòng giá xăng dầu nên họ còn nhạy cảm hơn khi chi phí nhiên liệu biến động.

Giá nhiên liệu là một vấn đề lớn đối với các hãng hàng không. Ảnh: Aero Corner.

Nhu cầu du lịch nhảy vọt

Theo Bloomberg, 2 năm bị giãn cách đã giúp người dân tiết kiệm được kha khá tiền và khi nền kinh tế mở cửa trở lại, họ bắt đầu dùng quỹ du lịch của mình để đi chơi trở lại, bất kể giá vé có đắt ra sao.

Theo bà Hermione Joye - chuyên gia tại hãng du lịch Asia Pacific, đây là hành vi "du lịch trả thù" do chịu ảnh hưởng từ tâm lý tù túng sau 2 năm giãn cách. Hệ quả là không chỉ nhu cầu cao mà hành khách còn sẵn sàng chấp nhận mức giá cao để thỏa mãn khát vọng đi chơi của mình, qua đó đẩy giá vé lên hơn nữa.

Ngoài ra, vì nhiều người tiêu dùng đã tích lũy được hàng triệu dặm bay khi chi tiêu bằng thẻ tín dụng trong đại dịch nên hiện tại, họ muốn sử dụng toàn bộ chúng trước khi hết hạn.

Những người này thường sẽ đổi tất cả các vé có thể sử dụng để tiêu hao điểm nhanh nhất, và điều này sẽ lại tiếp tục khiến giá vé tăng.

Tại Việt Nam, nhu cầu di chuyển phục hồi và biến động về giá nhiên liệu cũng đẩy giá vé máy bay tăng cao, nhất là trong dịp lễ kéo dài 5 ngày sắp tới. Theo khảo sát của Zing, trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ (ngày 29/4), chặng TP.HCM - Nha Trang có giá vé dao động quanh mức 2 triệu đồng, nhưng chỉ còn các chuyến khởi hành sau 19h15.

Giá vé chặng Hà Nội - Nha Trang dao động mạnh từ 2,6 triệu đồng đến 3,7 triệu đồng; chặng Hà Nội - Phú Quốc tăng từ 2,6-2,9 triệu đồng hồi đầu tuần lên 2,9-4 triệu đồng. Các chặng TP.HCM - Côn Đảo và Hà Nội - Côn Đảo có giá vé lần lượt quanh mức 3 triệu đồng và 4 triệu đồng.

Trong khi đó, nhu cầu du lịch quốc tế tăng cao cũng thúc đẩy giá vé máy bay dịp lễ. Chặng Hà Nội - Bangkok có giá vé 6-10,2 triệu đồng; chặng TP.HCM - Bangkok 5,4-8,9 triệu đồng; chặng Hà Nội - Singapore 6,5-23,6 triệu đồng; chặng TP.HCM - Singapore 6,3-16,2 triệu đồng.

Hằng Nga

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-ve-may-bay-van-dat-hon-truoc-dich-post1425991.html