Hạ nhiệt giá vàng Việt Nam: Có nên nhập khẩu để tăng nguồn cung?

Thị trường vàng trong nước đang tách biệt quá xa so với thị trường thế giới. Một trong những nguyên nhân là do chênh lệch cung cầu. Nhiều ý kiến cho rằng, để hạ nhiệt giá vàng, giải pháp là phải tăng nguồn cung thông qua việc nhập khẩu.

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính-Tiền tệ quốc gia, thế giới coi vàng là một loại hàng hóa bình thường nhưng ở Việt Nam, vàng trở nên "ghê gớm" và không ít thời điểm chúng ta hoảng loạn vì vàng.

Về giải pháp hạ giá vàng, TS Lê Xuân Nghĩa đề xuất cho nhập khẩu vàng vào Việt Nam. “Việc không có nguồn cung phần nào đã tạo ra sự chênh lệch giá. Thêm vào đó, trong bối cảnh các kênh đầu tư trở nên khó khăn hơn, lãi suất tiết kiệm thấp, việc đầu tư vàng là kênh mà người dân lựa chọn, đẩy nhu cầu tăng cao”, TS Lê Xuân Nghĩa bày tỏ.

 Người dân mua vàng tại Hà Nội.

Người dân mua vàng tại Hà Nội.

Theo ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới, với Việt Nam, trong xu hướng đang mua vào mạnh như hiện nay, phải nhập khẩu vàng để đáp ứng nhu cầu trong nước. "Qua chuyến công tác của tôi tới Việt Nam làm việc với doanh nghiệp vàng cũng như với Chính phủ, tôi biết các bên liên quan đều đang cố gắng để cải thiện thị trường vàng", ông Shaokai Fan chia sẻ.

Ông Shaokai Fan cũng cho biết, Việt Nam không phải là nước duy nhất đang đứng trước tình trạng khó khăn như hiện nay. Làm thế nào để có thể cân bằng giữa một bên là nhu cầu vàng trong nước rất cao, một bên là có hay không nhập khẩu để đáp ứng được nhu cầu đó mà không gây ra những tác động tiêu cực.

Các quy định hiện hành về nhập khẩu vàng tại Việt Nam rất chặt chẽ. Tuy nhiên, bằng một cách nào đó, vàng vẫn vào Việt Nam qua các kênh khác nhau. "Điều đó có nghĩa là, vàng vẫn vào Việt Nam nhưng không phải thông qua con đường chính ngạch, thông qua các hạn ngạch nhập khẩu mà qua các con đường khác. Nếu Chính phủ nới rộng chỉ tiêu nhập khẩu, rõ ràng vàng có thể được nhập qua kênh chính thức nhiều hơn", ông Shaokai Fan nhìn nhận.

Nhắc tới câu chuyện chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, theo ông Shaokai Fan, điều này có xảy ra ở các nước khác, Trung Quốc là một ví dụ. Tuy nhiên, mức độ chênh lệch không cao nên Chính phủ các nước không can thiệp nhiều để có thể thu hẹp khoảng cách chênh lệch giá.

Đấu thầu vàng là một giải pháp mà Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang triển khai để có thể thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới. Dù "không thể đánh giá chi tiết mức độ hiệu quả của chính sách này", song ông Shaokai Fan cho rằng, việc đấu thầu sẽ có tác động trực tiếp đến thị trường vàng trong nước.

"Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành đấu giá vàng để can thiệp trên thị trường diễn ra đúng vào thời điểm giá vàng trên thế giới tăng rất mạnh. Vì vậy, ngay cả khi nguồn cung trong nước có thể được tăng lên thì giá vàng trong nước vẫn tăng theo giá vàng thế giới", ông Shaokai Fan phân tích.

 Ông Shaokai Fan, Hội đồng Vàng thế giới đề xuất các giải pháp hạ nhiệt giá vàng.

Ông Shaokai Fan, Hội đồng Vàng thế giới đề xuất các giải pháp hạ nhiệt giá vàng.

Ở khía cạnh tăng cung hướng tới hạ nhiệt giá vàng trong nước, kéo giảm chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam và giá vàng thế giới, ông Shaokai Fan phân tích, Việt Nam có khai thác vàng nhưng sản lượng không đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Cho nên, để tăng nguồn cung hoặc phải dựa vào nhập khẩu vàng, hoặc người dân phải bán số vàng họ đang găm giữ. "Trong xu hướng đang mua vào mạnh như hiện nay, cách duy nhất là phải nhập khẩu vàng để đáp ứng nhu cầu trong nước", ông Shaokai Fan nhấn mạnh.

Theo Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu đầu tư vàng miếng và vàng xu của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong quý I kể từ năm 2015. Các nhà đầu tư trong nước bị thu hút bởi diễn biến tăng vọt của giá vàng trong quý I.

Trong quý I-2024, nhu cầu vàng trang sức tại Việt Nam ghi nhận mức sụt giảm lần thứ 5 liên tiếp, giảm hơn 10% xuống còn 4 tấn, được ghi nhận là quý I có nhu cầu thấp nhất kể từ năm 2015. Bất chấp nhu cầu bùng nổ trong tháng 2 (dịp Tết Nguyên đán và Ngày Thần tài), nhu cầu vàng trang sức vẫn bị chi phối mạnh do giá vàng tăng cao.

Bài, ảnh: VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ha-nhiet-gia-vang-viet-nam-co-nen-nhap-khau-de-tang-nguon-cung-777487