Vì sao Quảng Ninh đạt kỷ lục 7 năm dẫn đầu PCI?

Tỉnh Quảng Ninh lần thứ 7 liên tiếp dẫn đầu Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, theo công bố sáng nay (9/5). Bí quyết tạo nên kỷ lục này, theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, đó là sự kiên trì và nỗ lực, bền bỉ.

Kiên trì hành trình cải cách

Theo kết quả xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2023, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu với 71,25 điểm. Đây là năm thứ 7 liên tiếp (2017-2023) tỉnh này giữ vị trí quán quân PCI và 11 năm liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Những dấu ấn nổi bật thể hiện trong việc giảm thiểu gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp, khi chỉ số thành phần Chi phí thời gian của Quảng Ninh đạt điểm số cao nhất cả nước. Các chỉ số Hỗ trợ doanh nghiệp, Chi phí không chính thức cũng đứng top đầu.

Kỷ lục này tiếp tục khẳng định sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư với chất lượng điều hành kinh tế tại địa phương, mà theo ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đó là kết quả của quá trình liên tục nỗ lực và bền bỉ.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhận cúp và chứng nhận cho kết quả dẫn đầu Bảng xếp hạng Chỉ số PCI năm 2023

Hơn 10 năm qua, Quảng Ninh kiên trì đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh với nhiều quyết sách mạnh mẽ. Đặc biệt, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên đưa mục tiêu “Hàng năm giữ vững vị trí nhóm đầu về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI” vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, cụ thể hóa bằng Nghị quyết chuyên đề số 05 năm 2021… Kiên trì mạnh dạn thí điểm những mô hình quản trị mới phù hợp thực tiễn địa phương, Quảng Ninh tiên phong trong hợp tác công - tư, thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư IPA trực thuộc UBND tỉnh, các Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện, tạo bước đột phá trong phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư công khai, minh bạch…

Kiên trì xây dựng văn hóa đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp, nhiều không gian mở được tạo ra để nâng cao hiệu quả tương tác với chính quyền, như các phiên cafe doanh nhân, các tổ hỗ trợ đầu tư…

"Cafe doanh nhân" là nơi để các cấp chính quyền trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX...

“Những năm qua có nhiều điều kiện rất thuận lợi, nhưng trong đó cũng có nhiều phần khó khăn. Những khó khăn đó được lãnh đạo các sở ngành, địa phương quan tâm giải quyết, được sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh xuyên suốt để cả hệ thống chính trị của tỉnh vào cuộc tích cực, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc”, ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh đánh giá.

“Nỗ lực phải đến hàng ngày”

Để “văn hóa phục vụ người dân và doanh nghiệp trở thành lẽ tự nhiên”, Quảng Ninh đã kiên trì xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, CCVC có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; Để “truyền lửa” xuống cơ sở, tỉnh tiến hành khảo sát và trao quyền cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp “đo lường” bộ máy chính quyền cấp sở ngành, địa phương bằng 5 Chỉ số cải cách tương ứng cấp tỉnh là DDCI, PAR Index, SIPAS, DGI, DTI…

“Công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là công việc không dễ, cần sự cam kết rất cao, cần sự bền bỉ và kiên trì. Rõ ràng là ở đâu mà người đứng đầu tâm huyết, nhiệt thành trong việc thúc đẩy sự thay đổi thì ở đó có những chuyển đổi tích cực. Cho nên tôi cho rằng, đằng sau những cải cách, những sự thay đổi của Quảng Ninh chắc chắn có vai trò quan trọng của người đứng đầu”, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI Quốc gia nhận định.

Trung tâm phục vụ hành chính công các cấp là mô hình tiên phong của Quảng Ninh giúp tạo bước đột phá trong phục vụ người dân, doanh nghiệp

Năm 2006, Quảng Ninh tham gia PCI với thứ hạng gần như cuối bảng. Năm 2017, Quảng Ninh đã trở thành quán quân và giữ vững vị trí đó cho tới nay. Hành trình kiên trì chinh phục PCI và các chỉ số cải cách hành chính khác đã giúp tỉnh xây dựng thương hiệu “Điểm đểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công”, góp phần tạo nên kết quả tăng trưởng GRDP 2 con số trong 9 năm liên tiếp (2015 - 2023), GRDP bình quân đầu người đạt trên 9.500 USD (cao nhất khu vực phía Bắc), an sinh xã hội ngày càng nâng cao.

Tuy vậy, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng cho rằng, thứ hạng PCI vừa là động lực phát triển, vừa đặt ra những thách thức lớn đối với tỉnh. Quảng Ninh sẽ tiếp tục tập trung nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, hiệu quả đầu tư công, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp thẩm quyền về nhân lực, đồng thời đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, sẵn sàng và cam kết đồng hành thực chất với nhà đầu tư, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh xác định, trên hành trình cải cách, những nỗ lực sẽ phải đến hàng ngày.

Trường Giang/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/vi-sao-quang-ninh-dat-ky-luc-7-nam-dan-dau-pci-post1094195.vov